Quyết liệt đảm bảo tiến độ đường dây ĐZ 500 KV Mạch 3

Năm 2019, Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) dự kiến đưa vào vận hành 47 dự án lưới điện truyền tải công trình, khởi công 33 công trình, đặc biệt, có Dự án đường dây 500kV Mạch 3 là dự án trọng điểm quốc gia.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 là dự án trọng điểm quốc gia, với quy mô tổng thể của dự án bao gồm: xây dựng mới gần 742km đường dây 500kV mạch kép đi qua 9 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai); xây dựng mới 8 ngăn lộ 500kV tại sân phân phối Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; mở rộng một số ngăn lộ 500kV tại các trạm biến áp 500kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; xây dựng mới 3 trạm lặp quang và 3 nhà quản lý vận hành đội truyền tải điện.

Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án hơn 11.949 tỷ đồng, dự kiến thời gian thi công của tất cả các dự án khoảng 20 tháng, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành vào khoảng giữa năm 2020. Các dự án được Tập đoàn điện lực Việt Nam giao cho Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thay mặt EVNNPT quản lý dự án.

Ngày 18/12/2018, phát biểu tại lễ khởi công Dự án, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Việc đầu tư xây dựng dự án là hết sức cấp bách bởi công trình này sẽ tăng cường hơn nữa năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV, tăng cường liên kết hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam, góp phần đảm bảo tiêu chí N-1 cho hệ thống truyền tải điện quốc gia và giải tỏa các công suất nguồn điện khu vực miền Trung, đặc biệt các nguồn điện năng lượng tái tạo của miền Trung và miền Nam.

Bên cạnh đó, đây là dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, điều kiện thời tiết, địa hình khó khăn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề an toàn và tiến độ, đòi  hỏi chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải nỗ lực có giải pháp tháo gỡ.

Dự án hiện có 26 gói thầu xây lắp, tổ chức thi công theo hình thức cuốn chiếu, với mục tiêu: đến tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành hạng mục đào đúc móng; từ tháng 6 năm nay đến tháng 3-2020 sẽ hoàn thành lắp dựng cột; từ tháng 8-2019 đến tháng 5-2020 kéo rải dây xong và nghiệm thu đóng điện trong thời gian từ tháng 5 đến 6-2020; phần ngăn xuất tuyến sẽ nghiệm thu đóng điện trong thời gian từ tháng 5 đến 6-2020. Với vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý dự án, để đẩy nhanh tiến độ thi công, CPMB  thành lập 8 Ban chỉ đạo tiền phương chỉ huy điều hành trực tiếp công trình và tổ chức họp giao ban hàng tuần.

Công ty Truyền tải điện 2, với vai trò là Tư vấn giám sát đã thành lập Ban chỉ đạo công tác tư vấn giám sát, đồng thời thành lập các Tổ tư vấn giám sát tại Công ty và các Truyền tải điện địa phương có đường dây đi qua. Bên cạnh đó, phối hợp điều hành tiến độ thi công tại công trường đồng bộ, hiệu quả, các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế đều thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác song song với Ban chỉ đạo tiền phương của CPMB.  

CPMB luôn theo dõi sát tiến độ, kiểm tra công trường và giải quyết kịp thời các vướng mắc với các đơn vị liên quan; trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường. Chính vì thế, các đơn vị nhà thầu thi công đã nỗ lực, tranh thủ tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi để thi công.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và Ngày quốc tế lao động 1/5, trên các công trường xây dựng đường dây 500 kV từ Vũng Áng đi Dốc Sỏi và đến Trạm Pleiku 2. cán bộ công nhân lao động vẫn thi công. Toàn bộ các dự án có 1.608 vị trí cột, sau hơn 5 tháng khởi công triển khai, toàn tuyến đã kê kiểm lập phương án bồi thường được 1.264 vị trí; vận động người dân bàn giao mặt bằng 421 vị trí cột; đào móng 253 vị trí cột; đúc móng 140 vị trí cột.

Theo đại diện CPMB, dù đảm bảo yêu cầu đề ra tuy nhiên dự án vẫn còn một số khó khăn như: Dự án quy mô lớn, qua nhiều địa phương, địa hình khó khăn phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt... gây cản trở đến công tác vận chuyển thiết bị, vật liệu phục vụ thi công; Công tác cắt điện để thi công các đoạn tuyến giao chéo với ĐZ 500kV mạch 1, mạch 2, các ĐZ 220/110kV...;

Một số gói thầu vật tư thiết bị có quy mô lớn nên thời gian đánh giá, xét chọn thầu và thực hiện hợp đồng sẽ phải kéo dài. Đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc như phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phê duyệt các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, trong việc bố trí nhân lực, thời gian để thực hiện kê kiểm, lập/duyệt phương án bồi thường.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, Mức hỗ trợ đất trồng cây lâu năm ở nhiều địa phương chưa phù hợp với thực tế; thủ tục lập, phê duyệt đơn giá đất mất nhiều thời gian (khoảng 3 tháng); đơn giá bồi thường được các tỉnh phê duyệt chưa thực sự bám sát thị trường; các thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng cũng đòi hỏi nhiều thời gian, chưa kể chính sách từng địa phương có khác nhau, nên tại các vùng giáp ranh, người dân có sự so sánh khi phương án đền bù được công bố.

Trong khi đặc điểm địa hình, thời tiết khu vực miền Trung khắc nghiệt, nếu các khó khăn này không được tháo gỡ sớm, mùa mưa đến không thể thi công được do nhiều vị trí ở trên cao, không có đường giao thông. Vì thế, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường vào cuộc phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tối đa sớm có mặt bằng sạch cho dự án được triển khai đúng tiến độ.

Thanh Tú