Quyết liệt triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng

Chính phủ yêu cầu trong Quý I, Quý II năm 2024 và các năm tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định của Luật.
luật các tổ chức tín dụng

Chính phủ yêu cầu xây dựng 10 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 và chính thức bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2024.

Việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Quyết liệt triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng

Nhằm khẩn trương đưa Luật Các tổ chức tín dụng vào cuộc sống, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 257/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Chính phủ yêu cầu trong Quý I, Quý II năm 2024 và các năm tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định của Luật.

Năm 2024 và các năm tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện đăng tải toàn văn nội dung Luật và các văn bản quy định chi tiết trên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; biên soạn tài liệu phổ biến Luật và phối hợp với Bộ Tư pháp để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia; tổ chức tuyên truyền Luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phổ biến, tuyên truyền phù hợp khác.  

Xây dựng 10 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật

Tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật thuộc thẩm quyền ban hành; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết dưới Luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo Danh mục và tiến độ quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 (do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các nội dung quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền, xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Các tổ chức tín dụng từ ngày 01/7/2024:

Nội dung quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thực hiện rà soát liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành: 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (khoản 2 Điều 16; khoản 2 Điều 17; khoản 1 Điều 19; khoản 4 Điều 20; khoản 4 Điều 22; Điều 26 của Luật); Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 5 Điều 29 của Luật); Nghị định của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (khoản 2 Điều 110 của Luật); Nghị định của Chính phủ quy định về chương trình tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ (khoản 13 Điều 210 của Luật); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 7 Điều 136 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.  

Bộ Tài chính rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (khoản 2 Điều 16; khoản 2 Điều 17; khoản 1 Điều 19; khoản 4 Điều 20; khoản 4 Điều 22; Điều 26 của Luật), Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tài chính của ngân hàng chính sách (Điều 26 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức ngân hàng chính sách (Điều 26 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 4 Điều 198 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.

Bộ Tư pháp rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 4 Điều 198 của Luật) và các quy định khác có liên quan của Luật.

Đối với các văn bản đã được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành: Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cập nhật nội dung đã được rà soát phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo đúng quy định, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Đối với các văn bản chưa có trong Chương trình công tác của Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, các bộ, ngành chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Về thời gian hoàn thành, thực hiện rà soát, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, đảm bảo văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.  

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 và chính thức bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.

Cụ thể, luật đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân; hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0; hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Luật Các tổ chức tín dụng đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;…

Đồng thời, luật cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhưng không luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.

Xuân An