Sau cú sốc đầu đời, Sợi Thế Kỷ ung dung xuất ngoại

Năm 2016, sau cú sốc đầu đời bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống phá giá, Sợi Thế Kỷ chuyển hướng thị trường, bắt tay với đối tác nước ngoài sản xuất các loại sợi thân thiện với môi trường.

Chuyển hướng sản phẩm

Ngay trong năm 2017, sự chuyển hướng đã có kết quả tích cực, mang về cho Sợi Thế kỷ 87 khách hàng mới. Đây cũng là năm Công ty đưa Nhà máy Trảng Bàng giai đoạn 4 của mình vào hoạt động, nâng tổng công suất toàn công ty lên 60.000 tấn/năm trong đó sợi xơ dài là 51.500 tấn và sợi kéo duỗi là 8.500 tấn. Với 4 thị trường mới, mỗi năm Sợi Thế Kỷ tiêu thụ được trên 40 nghìn tấn. Cụ thể, thị trường Nhật Bản, Sợi Thế kỷ cung cấp 1.200 tấn/tháng; 1.000- 1.400 tấn/ tháng cho thị trường Hàn Quốc; 200-500 tấn/ tháng tại Thái Lan; và 3.000-3.200 tấn/ tháng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Để chuyển được sang các thị trường này, Sợi Thế Kỷ đầu tư chuyển hướng sản phẩm mới. Hiện Công ty đang sản xuất sợi cao cấp chuyên dụng dành cho người già theo đặt hàng riêng của đối tác Nhật Bản. Sản phẩm này đã được bán với giá 14.5 USD/kg, cao hơn từ 7 đến 10 lần so với sợi thường chỉ từ 1-2 USD/kg, hay sợi tái chế cao cấp khoảng hơn 2 USD/kg.

Riêng với thị trường Hoa Kỳ, nước chủ yếu nhập sợi polyester có yêu cầu chất lượng cao (sử dụng cho ngành công nghiệp ô tô), và sợi từ nguyên liệu tái chế. Ở nước ta chỉ có 2 doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu về loại sợi polyester chất lượng cao theo yêu cầu của nhà nhập khẩu Mỹ; 1 doanh nghiệp thuộc khối FDI, doanh nghiệp còn lại là Sợi Thế Kỷ.

Đối với sợi màu và sợi tái chế, Sợi Thế Kỷ đã hợp tác với E.DYE Limited (Hồng Kông) thành lập công ty liên doanh CTCP E.EDYE Việt Nam, phát triển dự án sản xuất sợi màu, với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, đi vào hoạt động cuối 2018, công suất 6.120 tấn/năm; và và một dây chuyền sợi tái chế 1.500 tấn hoạt động từ quý I năm 2019. Đây là những dự án hứa hẹn tạo nhiều bước tiến mới trong hoạt động kinh doanh của Công ty trong tương lai, nhất là sản phẩm sợi tái chế đối với thị trường Mỹ.

Đặt mình trong làn sóng FTA

Khi Việt Nam đang đàm phán ký kết CPTPP và EVFTA, Sợi Thế Kỷ đã đưa ra một chiến lược mới: Tự đặt mình trong làn sóng FTA để chuyển hướng sang những thị trường mục tiêu mới. Công ty chủ động bàn thảo với một số đối tác, nhằm thành lập Liên minh, ở đó có đầy đủ doanh nghiệp dệt, may, nhà máy sợi. Dự án mới này giúp Sợi Thế Kỷ tối ưu chi phí sản xuất và cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho Công ty chủ động sản xuất.

Chiến lược đặt mình trong làn sóng FTA của Sợi Thế Kỷ bắt đầu bằng đẩy mạnh sản xuất những dòng sản phẩm sợi có giá trị gia tăng cao, sợi màu và sợi tính năng đặc biệt. Trong 3-5 năm tới, hơn 50% công suất của Sợi Thế Kỷ là sản xuất sợi đặc biệt. Trong đó, sợi tái chế là dòng sản phẩm trọng điểm của Sợi Thế Kỷ làm theo xu thế của thị trường. Sau khi CPTPP có hiệu lực, Công ty đã làm việc với các đối tác Mexico - họ mua rồi xuất khẩu sang Canada. CPTPP đã hướng đối tác của Sợi Thế Kỷ chỉ có 2 lựa chọn, mua từ Việt Nam hoặc Malaysia để xuất đi Canada.

Để có được lợi thế này, Sợi Thế Kỷ hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài sản xuất nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng và có biên lợi nhuận rất tốt. Đầu năm 2017, Sợi Thế Kỷ hợp tác với Unifi Manufacturing Inc - một doanh nghiệp sản xuất sợi polyester và nylon niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE. Unifi cung cấp hạt nhựa tái chế, Sợi Thế Kỷ sản xuất sợi và bán dưới thương hiệu REPREVE của Unifi. Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp duy nhất được Unifi ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu. Theo chỉ định của Unifi, ngoài sản xuất cho thị trường Việt Nam thì Sợi Thế Kỷ sẽ xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, và đủ tiêu chuẩn với những lợi thế cạnh tranh rất lớn để xuất khẩu sang EU khi EVFTA có hiệu lực.

Khách hàng mua sợi màu và sợi tái chế vẫn là những doanh nghiệp ở những nước phát triển, phục vụ cho người tiêu dùng theo xu hướng giảm tỷ lệ sợi nguyên sinh để chuyển sang các loại sợi trên, nhằm hướng đến môi trường và phát triển bền vững. Do đó, tiếp theo thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước nằm trong nhóm CPTPP, EU đang được kỳ vọng đem lại những đơn hàng lớn cho Sợi Thế Kỷ trong tương lai gần.

Chuyển hướng thị trường, bắt tay với đối tác nước ngoài chuyển hướng sang các loại sợi thân thiện với môi trường, tự đặt mình vào trong làn sóng FTA, sản phẩm của Sợi Thế Kỷ ung dung xuất ngoại. Sau cú sốc 2016, từ 2017 đến nay Sợi Thế Kỷ luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Tam Điệp