Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp phát huy cao hiệu quả
Trên đà tăng trưởng mạnh của sản sản xuất công nghiệp, các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình và nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, giúp nâng cao chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tăng 8,62% so với 2018, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh Đồng Tháp.
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá ổn định và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, kết quả này phản ánh những giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất trong thời gian qua của ngành đã phát huy tác dụng. Tái cơ cấu ngành công nghiệp, trong đó, công nghiệp chế biến vẫn duy trì đóng vai trò động lực tăng trưởng chính của ngành.
Các sản phẩm công nghiệp ngày càng được đầu tư phát triển theo chiều sâu, gia tăng hàm lượng công nghệ để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh theo chuỗi ngành hàng (lúa gạo, thuỷ sản, chế biến,..). Đẩy mạnh đầu tư vào phát triển chế biến sâu, chế biến tinh nên hầu hết giá trị các sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh đều tăng. Mặt khác, một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ mới; cải tiến chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm và tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao góp phần tăng trưởng chung của ngành.
Thương mại nội địa tiếp tục duy trì ổn định và xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu
Hoạt động thương mại nội tỉnh tương đối ổn định với lượng hàng hóa cung cấp dồi dào, đa dạng về mẫu mã với giá cả hợp lý, đáp ứng tốt cho nhu cầu mua sắm của nhân dân, không có tình trạng khan hiếm hàng gây sốt giá, nhất là với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp lễ, tết.
Đặc biệt, các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các doanh nghiệp phân phối lớn, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch,… góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh. Giá trị tăng thêm ngành thương mại năm 2019 (giá 2010) đạt 9.760 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2018.
Song song với ổn định sản xuất hàng hóa, công tác hạ tầng thương mại được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hệ thống phân phối hàng hoá ngày càng mở rộng và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Trong năm 2019 cùng với việc đưa vào hoạt động TTTM Vincom Plaza Cao Lãnh, chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+, Bách Hóa Xanh đã tạo nên một diện mạo mới hoạt động thương mại của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 đạt 95.750 tỷ đồng, tăng 13,79% so với năm 2018.
Tiếp nối đà thành công của năm 2018, các doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là hàng nông sản của tỉnh như: trái xoài xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mãng cầu xiêm sấy dẻo và trà mãng cầu xiêm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội để quảng bá xuất khẩu các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh vươn ra thế giới.
Nhìn chung các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá tốt so với năm 2018, nhất là các sản phẩm may mặc (tăng 83,04%); bánh phồng tôm, bánh kẹo, ngũ cốc (tăng 19,62%). Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,34 tỷ USD, tăng 1,23% so với năm 2018.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng toàn diện nhằm thu hút dự án đầu tư
Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp liên tục được Sở Công thương Đồng Tháp lập quy hoạch chi tiết và tham mưu cho UBND Tỉnh. Ngành điện phối hợp với địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-UBND-HC ngày 25/01/2019 của UBND Tỉnh về ban hành kế hoạch đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2019 có được những kết quả như:cải tạo 172 km và xây dựng mới 86 km đường dây trung thế; cải tạo 116 km và xây dựng mới 111 km đường dây hạ thế, lắp đặt trạm biến áp phân phối 106.660 kVA.
Hạ tầng thương mại được mở rộng với Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh, dự án Hồng Ngự Plaza dự kiến đến quý IV/2020 sẽ đưa vào hoạt động… cùng hàng loạt hệ thống siêu thị chuyên doanh như các siêu thị Vinmart+; chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Bách Hóa Xanh… Ngoài ra, Sở cũng kêu gọi đầu tư nâng cấp cải tạo một số chợ lớn trên địa bàn.
Đến cuối tháng 12/2019 trên địa bàn tỉnh có 187 dự án của 160 doanh nghiệp, trong đó: 146 dự án đã hoàn thành, 13 dự án đang xây dựng và 28 dự án chuẩn bị đầu tư.
Sản phẩm OCOP - Phát huy tài nguyên bản địa Đồng Tháp
Trong năm 2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đồng Tháp năm 2019.
Theo đó, công nhận sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao đối với 70 sản phẩm của 30 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc Chương OCOP của tỉnh Đồng Tháp; trong đó, có 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Hầu hết sản phẩm này đều có nguồn nguyên liệu từ tài nguyên bản địa của địa phương, góp phần nâng giá trị nông sản theo hướng đổi mới, sáng tạo.