Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản xu hướng đầu tư ra nước ngoài

Đó là chủ đề Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thời báo Kinh tế Nikkei tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Các diễn giả Nhật Bản: Ông K.OSaka Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Thời báo kinh tế Nikkei; Ông Y. Tanizaki Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; Ông N. Hasegawa Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Nikkei; Bà Hikaru Oguchi, đại diện Công ty Luật Nishimura; Ông Hideo Naito, Trưởng ban Tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC). Phía Việt Nam có: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh; Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh...


Động đất và sóng thần, sự cố điện hạt nhân ở miền Đông Nhật Bản tháng 3 năm nay gây thiệt hại hơn 20 ngàn người chết và mất tích, tổn thất trên 250 tỷ USD, nhưng tinh thần Nhật Bản cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới, nhân dân và Chính phủ đã tích cực khắc phục, tái thiết, đến tháng 6/2011 các chỉ tiêu đạt gần bằng mức tháng 2/2011: 95% sản xuất, xuất khẩu đạt 94%, tiêu thụ nội địa đạt 98%.

Khu vực sóng thần là khu sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sau thảm họa, Nhật Bản đã dịch chuyển kịp thời sang khu vực miền Tây và doanh nghiệp ở nước ngoài để không gián đoạn chuỗi cung cấp linh kiện cho sản xuất và xuất khẩu như ô tô và các sản phẩm cơ khí...

GDP Nhật Bản sẽ phục hồi vào cuối năm. Tại sao? Một yếu tố quan trọng là sức tiêu thụ nội địa, tiêu dùng ở địa phương được khởi động. Trước động đất, dân Nhật có truyền thống tiết kiệm, sau khi động đất, người dân đã thấy sự tiết kiệm, kham khổ đã không hẳn đóng góp mạnh vào tăng trưởng. Họ đã hiểu tiêu dùng nội địa, dùng sản phẩm địa phương là kích thích sản xuất, khẩu hiệu người bán hàng “dùng rượu, mua gạo, mua rau của chúng tôi”. Kinh tế Nhật có phát triển thuận lợi, lạc quan không? Thực tế có nhiều vấn đề đã từng xảy ra như khủng hoảng năng lượng thập niên 70 thế kỷ trước, năm 1993 “vỡ bong bóng” bất động sản. Nhật Bản cho rằng đã “đánh mất” cả một thập kỷ vừa qua! (không giữ được vị trí cường quốc kinh tế lớn thứ hai). Nhật Bản thấy cần tư duy mới hơn, đầu tư ra nước ngoài mạnh hơn, trước hết châu Á, phát triển các ngành công nghiệp mới hướng vào xuất khẩu, giao lưu văn hóa, tạo hình ảnh Nhật Bản rộng hơn, thân thiện hơn với thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tóm tắt kịch bản phát triển của Nhật Bản: Nhật giàu kinh nghiệm tái thiết sau động đất, Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ chính, doanh nghiệp Nhật bản chuyển hướng đầu tư trong và ngoài nước, hướng vào châu Á, người dân quyết tâm khắc phục. Việt Nam tham gia với Nhật Bản như thế nào trong Hiệp định đối tác chiến lược với Nhật Bản? Việt Nam đang tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, là nơi cung cấp sản phẩm trung gian, sản phẩm xuất khẩu cho doanh nghiệp Nhật Bản, xuất khẩu lương thực, thực phẩm...

Ông Hideo Naito, đại diện của ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC) tham luận về xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào châu Á sau thảm họa động đất. Ông minh chứng số liệu hai thời kỳ: Đầu tư tăng mạnh đến năm 1997, sau đó giảm; Từ năm 2003 khởi động tăng đến năm 2008, năm 2009 giảm, xu hướng sau động đất sẽ tiếp tục tăng. Trong 20 năm, đầu tư ra nước ngoài của Nhật tăng ở Ấn Độ; giảm ở Trung Quốc từ năm 2003- 2008; Việt Nam tăng từ năm 2006 đến 2010, hiện đứng thứ 3. Ưu điểm ở Việt Nam: Giá nhân công rẻ, triển vọng thị trường nội địa, trình độ nhân lực khá, đa dạng khả năng giảm rủi ro, có điều kiện xuất khẩu ra nước thứ 3.

Các tồn tại về môi trường đầu tư ở Việt Nam: Doanh nghiệp Nhật Bản xác nhận là hạ tầng còn đang phát triển, thiếu nhân lực quản lí có chất lượng cao, hệ thống pháp lí khá phức tạp, chi phí nhân công tăng, cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp FDI của các nước và doanh nghiệp Việt Nam.

Từ khi Việt Nam nối lại ODA, cam kết của JIBIC cho Việt Nam vay tới 2 tỷ USD, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ; Cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vay đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Nhật thúc đẩy hợp tác công - tư (Public Private Partnerships-PPP), đầu tư theo lĩnh vực, chú trọng phát triển bền vững. Hoạt động hợp tác của JIBIC với Việt Nam: Bảo lãnh đầu tư PPP, đầu tư các tài sản, cho vay trực tiếp đầu tư ra nước ngoài; Nhu cầu doanh nghiệp vay của JIBIC đầu tư vào Việt Nam tăng hơn bốn lần, tới 10 tỷ USD. Các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam theo phương thức PPP, các dự án đầu tư chú trọng như điện, hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ…Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, chiến lược đầu tư của Việt Nam cùng với các ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn các nước khu vực ASEAN...

Bà Hikaru Oguchi, đại diện Công ty Luật Nishimura hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công ty hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, Công ty đã tập hợp ý kiến từ doanh nghiệp Nhật Bản:

Thuận lợi lớn nhất là Chính phủ Việt Nam – Nhật Bản đã kí các hiệp định: Hiệp định đối tác chiến lược (VJEPA), Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản (giai đoạn 4); Các kênh hợp tác ODA, hợp tác hỗ trợ pháp luật đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp FDI Nhật Bản ở Việt Nam khá đông (hơn 1000 thành viên với trên 1500 dự án đang hoạt động...)

Khó khăn của doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam: Về pháp lí, có nhiều điểm không rõ ràng, vì sao? Có thể do phát triển kinh tế nhanh hơn pháp luật, các doanh nghiệp Nhật có truyền thống tôn trọng luật pháp nên lo sợ vi phạm khi Luật thay đổi; Tình trạng Việt Nam thực hiện Luật theo Nghị định và Thông tư? Doanh nghiệp Nhật Bản có những yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ nhưng biện pháp bảo hộ chưa thỏa đáng. Cơ chế giải quyết tranh chấp cũng phức tạp, ở Nhật, Luật không quy định là doanh nghiệp được thực hiện mà không lo ngại; Nếu thông qua tòa án, trọng tài nước ngoài với các phán quyết có được bảo đảm thực hiện?

Vấn đề khó khăn khác khi doanh nghiệp Nhật Bản giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam là thành lập các công ty liên doanh, bên Nhật Bản được góp vốn tới 75%, nhưng sau đó lại lùi xuống 65%, rất mất thời gian. Khi doanh nghiệp Nhật thanh toán vốn đầu tư vào dự án, lãi suất vốn đầu tư trước khi được cấp giấy phép cũng không có quy định; việc sáp nhập mua bán doanh nghiệp cũng không thuận lợi.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo cam kết WTO, bán lẻ có quyền đầu tư đến 100% vốn FDI, các kiểm tra, thẩm định cũng không rõ tiêu chí! Công ty nước ngoài góp 1% vào công ty liên doanh cũng là doanh nghiệp FDI! Thời hạn mở rộng cửa hàng bán lẻ sau bao nhiêu năm? Tư vấn đầu tư FDI ở Ấn độ, Indonexia, luật cụ thể thuận lợi hơn ở Việt Nam...Trong các đàm phán, doanh nghiệp bên Việt Nam nêu ra những quy định pháp lí mà cách diễn đạt khó hiểu?....

Ông Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu về đối sách Việt Nam đón đầu xu hướng đầu tư từ Nhật Bản: Ông đánh giá cao đầu tư của Nhật Bản, đặc biệt là những chuyển hướng đầu tư về địa lí, ngành đầu tư, phương thức đầu tư. Ông Tấn mong muốn Nhật Bản tiếp tục đầu tư công nghệ cao và chuyển giao công nghệ, cùng với việc cho vay phát triển hạ tầng điện, giao thông,... Ông kiến nghị tiếp tục khai thông đầu tư ở cấp trung ương, địa phương và doanh nghiệp; Đầu tư nhiều lĩnh vực theo hướng hợp tác toàn diện; Lập diễn đàn kinh tế Việt – Nhật để trao đổi các đề xuất, giải quyết các vướng mắc. Ông Tấn nhấn mạnh phải cải thiện tốt văn hóa ứng xử, cải thiện tiền lương và điều kiện sống của người lao động ở doanh nghiệp FDI Nhật Bản.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu về chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và cơ hội cho nhà đầu tư Nhật Bản: Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là chủ đề đã nêu từ nhiều năm nhưng kết quả chưa cao. Vấn đề nhập siêu nhóm nguyên liệu, vật tư, sản phẩm trung gian kéo dài từ nhiều năm, càng xuất khẩu càng nhập siêu. Công nghiệp hỗ trợ phát triển không những giảm nhập siêu mà tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, thay đổi cơ cấu ngành sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã khuyến khích nội địa hóa và khá thành công ở công nghiệp xe máy với trên 95% giá trị nội địa, nhưng công nghiệp ô tô thì quá chậm. Hạn chế của công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là dung lượng thị trường nhỏ, cấu trúc các lớp cung ứng chưa hiệu quả, khả năng hỗ trợ nhau, tiêu thụ của nhau còn yếu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần có sự tham gia sâu sắc của Nhật Bản, đó là việc xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ, hoặc khu công nghiệp của riêng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...

Thứ trưởng trình bày chính sách của Việt Nam về thị trường phát điện cạnh tranh, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và sạch, năng lượng hạt nhân. An toàn điện hạt nhân (câu hỏi của đại biểu) là yêu cầu chung của thế giới, Việt Nam tiếp cận công nghệ thế hệ mới nhất và hợp tác tích cực để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thảo luận vấn đề phục hồi tăng trưởng của Nhật? Các diễn giả Nhật bản khẳng định Chính phủ Nhật chú trọng xuất khẩu công nghệ vào châu Á, cùng với các nước phát triển: toàn dụng nguồn nhân lực trẻ, tài nguyên phong phú, thị trường nội địa đang tăng, đó là những thứ mà Nhật rất thiếu. Phục hồi kinh tế Nhật Bản tác động tích cực tới châu Á, Việt Nam.

Về công nghiệp hỗ trợ ? Ông Thắng cho rằng Việt Nam phải khẩn trương tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao không chỉ sử dụng trong nước mà xuất khẩu, ví dụ như linh kiện điện tử...