So sánh chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế về báo cáo tài chính giữa niên độ

TS. NGUYỄN BẢO HUYỀN (Khoa Ngân hàng - Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Bài viết chỉ ra sự khác biệt trong lập Báo cáo tài chính giữa niên độ theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Chuẩn mực kế toán quốc tế. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị cụ thể về vấn đề này.

Từ khóa: Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 27), chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS 34), báo cáo tài chính giữa niên độ.

1. Đặt vấn đề

Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) là sự hài hòa các quy định, nguyên tắc và phương pháp kế toán để có sự chấp nhận, thừa nhận mang tính thông lệ chung ở các quốc gia. Tuy nhiên, sự hài hòa đó không thể là sự bắt buộc mọi quốc gia phải tuân thủ việc ghi chép kế toán và trình bày, lập báo cáo tài chính theo đúng các quy định của Chuẩn mực kế toán quốc tế. Bởi vì, mỗi quốc gia có điều kiện và trình độ phát triển kinh tế khác nhau, yêu cầu và trình độ quản lý cũng không hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy, dựa trên cơ sở nền tảng hệ thống “Chuẩn mực kế toán quốc tế” để xây dựng, ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia là một nhu cầu tất yếu khách quan. Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) cũng không nằm ngoài thông lệ đó.

Việc ban hành và đưa vào áp dụng hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính và tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp với tình hình trong khu vực và quốc tế, duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

2. Tầm quan trọng của Báo cáo tài chính giữa niên độ

Qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2007 - 2010, nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng thương mại cũng như các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã chứng kiến các tác động tiêu cực và tích cực lên hoạt động tài chính và sản xuất kinh doanh. Các nhược điểm trong công tác quản trị tài chính và kế toán cũng dần bộc lộ rõ dưới các tác động nói trên và suy thoái kinh tế nói chung. Việc nhận diện, phân tích, cảnh báo và quản trị tốt hơn các rủi ro trong công tác tài chính kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh và năng lực quản trị rủi ro của các doanh nghiệp.

Hiện nay, tuy các chuẩn mực kế toán của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn khi lập Báo cáo tài chính (BCTC) cho doanh nghiệp, nhưng trong điều kiện hội nhập thị trường quốc tế thì chúng ta cần phải tìm hiểu, học hỏi thêm các chuẩn mực quốc tế nữa. Trong đó, báo cáo tài chính giữa niên độ là một bộ phận hợp thành của Báo cáo tài chính, có vai trò rất quan trọng giúp các nhà đầu tư, các chủ nợ và những người sử dụng khác hiểu rõ hơn về khả năng tạo các nguồn thu, các luồng tiền, về tình hình tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

3. Sự khác biệt giữa Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 27) và Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS 34)

4. Ưu điểm và nhược điểm của chuẩn mực kế toán Việt Nam về Báo cáo tài chính giữa niên độ

a. Ưu điểm

Thứ nhất, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam

Khi xây dựng ra các chuẩn mực kế toán, VAS đã tham khảo hệ thống IAS. Chính vì vậy, VAS 27 cơ bản đã phần nào xây dựng được tham khảo IAS 34 theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc và tuân thủ các quy định của luật pháp. Do vậy, VAS 27 đã cơ bản tiếp cận với IAS 34, phản ánh được phần lớn các giao dịch của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin về BCTC của doanh nghiệp. Ngoài ra, VAS 27 quy định những nội dung cơ bản của một báo cáo tài chính tóm lược giữa niên độ, các nguyên tắc ghi nhận và đánh giá cần phải được lập và trình bày BCTC giữa niên độ. Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập một cách kịp thời và đáng tin cậy, thuận lợi cho các đối tượng sử dụng thông tin để hiểu rõ hơn về khả năng tạo ra các nguồn thu, các luồng tiền, về tình hình tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Thứ hai, báo cáo tài chính giữa niên độ tập trung trình bày vào các sự kiện, các hoạt động mới và không lặp lại các thông tin đã được công bố trước đó

Việc lập BCTC giữa niên độ không cần phải trình bày những thông tin không quan trọng đã được trình bày trong phần thuyết minh báo cáo năm gần nhất. Việc trình bày các sự kiện và giao dịch quan trọng trong BCTC giữa niên độ nhằm giúp người sử dụng hiểu được những thay đổi về tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp từ ngày lập BCTC năm gần nhất.

Thứ ba, việc lập BCTC giữa niên độ không ảnh hưởng đến việc xây dựng kết quả của niên độ

Việc xây dựng thông tin để lập báo cáo giữa niên độ phải được thực hiện trên cơ sở lũy kế từ đầu niên độ đến ngày lập BCTC giữa niên độ. Chính vì vậy, nó là cơ sở là nguồn dữ liệu cần thiết đối với người sử dụng và những người quan tâm để phân tích tình tài chính hay tìm hiểu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, sử dụng BCTC giữa niên độ tương đối đơn giản

Các nguyên tắc ghi nhận tài sản, nợ phải trả, doanh thu, thu nhập khác và chi phí trong các kỳ kế toán giữa niên độ cũng giống như nguyên tắc ghi nhận được áp dụng trong BCTC năm.

Thứ năm, BCTC giữa niên độ giúp Nhà nước có thể dễ thực hiện hơn trong công tác quản lý ở tầm vĩ mô cũng như vi mô

Báo cáo tài chính giữa niên độ phải lập đúng hình thức, nội dung, phương pháp và trình bày phải nhất quán giữa các kỳ kế toán, nếu có nội dung khác thì phải giải thích ở Bảng thuyết minh báo cáo tài chính. Các nội dung trình bày trên mỗi báo cáo tài chính giữa niên độ tối thiểu phải bao gồm các đề mục và các số cộng chi tiết được trình bày trong mỗi Báo cáo tài chính năm gần nhất tương ứng và Bản thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc. Điều này càng thể hiện tính bắt buộc trong cách trình bày, cũng như các quy định trong chính sách của Nhà nước.

b. Nhược điểm

Nền kinh tế thị trường Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển với tính đa dạng về loại hình hoạt động, về mô hình tổ chức, về sở hữu vốn và phong phú về các dạng hoạt động. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng với việc đã và đang là thành viên của các tổ chức kinh tế - thương mại thế giới đòi hỏi kế toán với vai trò là công cụ quản lý kinh tế quan trọng của doanh nghiệp phải hòa nhập từng bước với các thông lệ quốc tế về kế toán. Vì vậy, chế độ kế toán doanh nghiệp được biên soạn lại trên cơ sở các Quyết định, Thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung và các hướng dẫn kế toán theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán.

Hiện nay, có nhiều loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam nên việc thống nhất về các quy định về BCTC giữa niên độ cũng trở nên khó khăn. Chính vì vậy, các chuẩn mực kế toán về BCTC giữa niên độ sẽ không tránh khỏi các thiếu sót so với các chuẩn mực kế toán quốc tế về BCTC giữa niên độ sau:

- Việc báo cáo thông tin trên cơ sở lũy kế từ ngày đầu niên độ đến ngày lập BCTC giữa niên độ có thể làm thay đổi những ước tính kế toán đã được công bố trong các BCTC giữa niên độ trước của năm hiện tại.

- Trường hợp các khoản mục dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản lỗ từ việc tái cơ cấu hoặc tổn thất trong 1 kỳ kế toán giữa niên độ đã được ghi nhận và đánh giá trong kỳ kế toán giữa niên độ. Việc ước tính các yếu tố này thay đổi trong kỳ kế toán sau của năm hiện tại thì ước tính ban đầu phải được thay đổi trong kỳ kế toán giữa niên độ sau. Việc đánh giá các thông tin để lập BCTC giữa niên độ thường dựa trên các ước tính hợp lý. Nhưng đã là ước tính thì có thể đúng hoặc sai nên xảy ra sai sót là có thể. Điều này có thể làm cho công tác xử lý các số liệu ước tính gặp khó khăn và thiếu chính xác.

5. Đề xuất

Trong điều kiện nền kinh tế mở cửa và hội nhập, vai trò cung cấp thông tin nhằm minh bạch các thị trường cũng như tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế qua hoạt động kế toán ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, hội nhập quốc tế về kế toán là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế là nhằm đảm bảo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, phản ánh được các giao dịch của nền kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường Việt Nam còn khá non trẻ, chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, chế độ quản lý của Việt Nam vẫn còn mang nặng tính hành chính, thị trường chứng khoán chưa phát triển mạnh, các công ty cổ phần còn chiếm vị trí rất nhỏ trong nền kinh tế. Cho nên hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa được áp dụng đồng bộ và phổ biến. Đây là thách thức lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán là một trong những giải pháp hàng đầu để Việt Nam bắt kịp với sự hội nhập kế toán so với các nước trên thế giới, góp phần tạo dựng một nền kinh tế đất nước ổn định và bền vững.

Việc Việt Nam lựa chọn mô hình vận dụng có chọn lọc các chuẩn mực kế toán quốc tế làm cơ sở chủ yếu để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán cho mình là một sự lựa chọn hợp lý, vô cùng cần thiết trong thời đại kinh tế ngày nay. Tuy nhiên, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít khiếm khuyết so với hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, làm hạn chế đi sự phát triển cũng như làm chậm tiến trình hội nhập của nền kinh tế quốc gia.

Qua quá trình tìm hiểu và so sánh IAS 34 và VAS 27, tác giả đưa ra một số biện pháp nhằm phát triển chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng chuẩn mực kế toán quốc tế về báo cáo tài chính giữa niên độ:

Thứ nhất, tách riêng bảng báo cáo biến động của vốn chủ sở hữu ra khỏi phần thuyết minh.

Theo VAS 27, các khoản mục dưới đây được trình bày trên báo cáo thuyết minh về sự thay đổi Vốn chủ sở hữu:

(a) Tổng thu nhập tổng hợp trong kỳ, trình bày riêng biệt tổng số tiền thuộc về các chủ sở hữu của công ty mẹ và những lợi ích của cổ đông thiểu số;

(b) Đối với từng bộ phận cấu thành Vốn chủ sở hữu, ảnh hưởng do việc áp dụng nguyên tắc hồi tố hoặc trình bày lại theo nguyên tắc hồi tố được ghi nhận phù hợp với IAS 08 (Lỗ lãi ròng của cả kỳ, các lỗi cơ bản và thay đổi chế độ kế toán);

(c) Đối với từng bộ phận cấu thành Vốn chủ sở hữu, việc chỉnh hợp giữa giá trị còn lại (giá trị ghi sổ) vào thời điểm đầu kỳ và cuối kỳ, phải được công bố riêng biệt những thay đổi xuất phát từ:

- Khoản lãi hoặc lỗ.

- Từng khoản mục trong thu nhập tổng hợp khác.

- Các giao dịch với chủ sở hữu của đơn vị, trình bày riêng biệt sự phân phối cho các chủ sở hữu (phát hành cổ phần).

- Giá trị cổ tức trên mỗi cổ phần.

Các khoản mục này có ý nghĩa quan trọng khi xem xét BCTC. Chính vì vậy, cần tách riêng “Báo cáo biến động của Vốn chủ sở hữu” để cung cấp thông tin rõ ràng và cụ thể hơn về các thông tin trên bảng báo cáo, đồng thời tránh những trường hợp sai sót cũng như gian lận khi thuyết minh BCTC giữa niên độ nói riêng và BCTC nói chung.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý tài chính cũng như kiểm tra kỹ trước khi đưa ra công bố.

Việc báo cáo thông tin trên cơ sở lũy kế từ ngày đầu niên độ đến ngày lập BCTC giữa niên độ có thể làm thay đổi những ước tính kế toán đã được công bố trong các BCTC giữa niên độ trước của năm hiện tại. Mặt khác, đa số các đánh giá giữa niên độ phần lớn dựa trên những ước tính do đó ít chính xác. Chính vì vậy, cần tổng hợp và kiểm tra các thông tin, ước tính có thể xảy ra trong tương lai một cách chính xác hơn, tránh trường hợp xảy ra các sai sót trọng yếu ảnh hưởng tới kết quả trước và sau trong BCTC giữa niên độ nhiều ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chuẩn mực kế toán Việt Nam - VAS 27

2. Chuẩn mực kế toán quốc tế - IAS 34

COMPARING THE VIETNAMESE ACCOUNTING STANDARD

AND INTERNATIONAL ACCOUNTING STANDARD

ON INTERIM FINANCIAL STATEMENTS

● PhD. NGUYEN BAO HUYEN

Faculty of Banking, Banking Academy

ABSTRACT:

The paper identifies differences in the preparation of interim financial statements in accordance with Vietnamese Accounting Standard and International Accounting Standard. Based on that, the author proposes some specific recommendations on this issue.

Keywords: Vietnamese Accouting Standard, VAS 27, International Accouting Standard, IAS 34, Interim financial statements.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây