Số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã tương đương hơn 8% dân số

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu… chưa hồi phục, thị trường chứng khoán đã đón nhận thêm gần 173.000 tài khoản mở mới trong tháng 9/2023.

Số tài khoản mở mới đạt mức cao thứ 2 trong hơn một năm

Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận thêm 172.695 tài khoản chứng khoán từ nhà đầu tư trong nước. Mặc dù mức mở mới này đã giảm 15.000 tài khoản so với tháng 8/2023, đứt mạch tăng liên tục 4 tháng, nhưng vẫn là mức cao thứ 2 trong vòng hơn một năm trở lại đây.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 172.605 tài khoản chứng khoán, các tổ chức mở mới 90 tài khoản. Như vậy, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 8% dân số.

Nhà đầu tư chứng khoán Tạp chí Công Thương
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã có hơn 7,76 triệu tài khoản từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong tháng 9 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 253 tài khoản, giảm so với con số 216 tài khoản của tháng trước đó. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 225 tài khoản, và tổ chức nước ngoài mở mới 28 tài khoản trong tháng vừa qua. Tính đến cuối tháng 9/2023, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.711 tài khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về giá trị giao dịch, thanh khoản toàn thị trường trong tháng 9/2023 tiếp tục ghi nhận những phiên giao dịch vượt mốc 1 tỷ USD; thậm chí, có những phiên giao dịch, thanh khoản khớp lệnh toàn thị trường lên tới 38.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong hơn một năm trở lại đây.

Tính chung trong tháng 9/2023, giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 28.624 tỷ đồng/phiên giao dịch, tăng 11,2% so với tháng 8/2023, và tăng 85,4% so với tháng 9/2022.

Trong đó, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt 25.131 tỷ đồng/phiên và trên sàn HNX đạt 2.387 tỷ đồng/phiên, lần lượt tăng 12,7% và tăng 9% so với tháng 8/2023. Ngược lại, giá trị giao dịch bình quân trên sàn UPCoM chỉ đạt 1.105 tỷ đồng/phiên, giảm 11,3% so với tháng 8/2023.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường chứng khoán trong tháng 9/2023 đã hút tiền trở lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động hiện đã về ngang giai đoạn COVID-19, và các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trầm lắng.

Kỳ vọng nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

Vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục “lỡ hẹn” trong đợt xem xét nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market) của FTSE Russell. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với tư cách là Thị trường Cận biên (Frontier) và sẽ được xem xét để nâng hạng lên thành Thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ của FTSE Russell vào tháng 3/2024.

Theo FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về chu kỳ Thanh toán (DvP). Bên cạnh đó, FTSE Russell khuyến nghị Việt Nam cũng cần cải thiện quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như cơ chế tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam
Phân loại thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 9/2023 của FTSE Russell

Xem thêm: "Đâu là cơ sở để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong thời gian tới?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và các bên liên quan đang tích cực đảm bảo tiến độ việc triển khai hệ thống KRX - hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán vào cuối năm nay. Việc đưa vào vận hành Hệ thống KRX được kỳ vọng tạo tiền đề giải quyết các nút thắt hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam, để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Theo nghiên cứu của Học viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số MSCI của thị trường đó (trong trường hợp này là MSCI Vietnam Index) sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. Chi số MSCI Vietnam Index là chỉ số mô tả diễn biến cổ phiếu của các doanh nghiệp có giá trị vốn hoá thị trường lớn và vừa, đại diện cho 85% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam qua đó thu hút được dòng vốn quốc tế. Dự báo, sẽ có khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD được đổ vào để mua mới cổ phiếu Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ giúp tăng lực cầu đối với nhiều mã cổ phiếu, kéo theo đó là giá cổ phiếu có thể tăng lên.

Duy Quang