Sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài

Liên tiếp nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt hay các sản phẩm “đặc sản”, nổi tiếng của Việt Nam như Cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc và gần đây nhất là gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ tại nước ngoài bởi các cá nhân, doanh nghiệp ngoại quốc. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình, đặc biệt là việc bảo hộ tại các thị trường nước ngoài.

Khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ các sản phẩm, rủi ro hàng hóa của Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu ngày càng cao. Thực tế, trong thời gian qua, các nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, có uy tín, được sử dụng và biết đến rộng rãi ở Việt Nam, nhưng lại không thể đăng ký tại nước ngoài vì đã có người đăng ký trước. Một số cá nhân, tổ chức đăng ký trước để chiếm đoạt các nhãn hiệu Việt Nam uy tín tại thị trường nước ngoài, khiến các doanh nghiệp Việt phải mua lại với giá cao, hoặc bị lợi dụng uy tín để ngăn cản hàng hóa thâm nhập thị trường sở tại...

Một trong những nguyên nhân chính của những sự việc trên là do cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã không lường trước được rủi ro về việc nhãn hiệu của mình sẽ bị người khác đăng ký trước tại thị trường nước ngoài, do vậy đã chậm trễ, chủ quan trong việc hoạch định kế hoạch đăng ký quốc tế nhãn hiệu của mình. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường nước ngoài.  

Một số nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Theo thông lệ quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ là “quyền có tính lãnh thổ”, nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước (nước Việt Nam) hoặc trong lãnh thổ một khu vực (ví dụ trong lãnh thổ các nước thành viên của Liên minh châu Âu) nơi đăng ký và nhận được sự bảo hộ. Điều 93 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009, năm 2019) nêu rõ “Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… cho các sản phẩm của mình tại Việt Nam sẽ không mặc nhiên làm phát sinh hiệu lực bảo hộ tại các quốc gia khác trên thế giới.

Vì vậy, khi doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp hợp pháp ở thị trường Việt Nam và đã được cấp các văn bằng bảo hộ thì quyền sở hữu trí tuệ đó chỉ được bảo hộ tại thị trường nội địa. Khi doanh nghiệp đưa tài sản trí tuệ của mình ra thị trường khác thì phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường đó hoặc đăng ký tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Do đó, để được bảo hộ tại nước ngoài, doanh nghiệp cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ theo pháp luật của từng quốc gia hoặc theo các điều ước quốc tế như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (Thoả ước Madrid), Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (Thoả ước La Hay), Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (Công ước Paris)…. tùy thuộc vào loại tài sản trí tuệ cần đăng ký bảo hộ.

Gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu
Theo Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), hiện có 4 doanh nghiệp Mỹ đang chờ được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam. Nếu 4 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, phía ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống gạo ST25 và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25, sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới.

Khi tiến hành đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý tìm hiểu kỹ các nguyên tắc nộp đơn đăng ký bảo hộ. Tại Việt Nam, pháp luật sở hữu trí tuệ áp dụng cấp văn bằng bảo hộ theo nguyên tắc ưu tiên cho người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Nguyên tắc này còn được gọi là “first-to-file”.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác trên thế giới lại áp dụng cả nguyên tắc “first-to-use” để cấp quyền ưu tiên cho những người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu được đăng ký. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp khi tiến hành đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cần tìm hiểu kỹ quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ của quốc gia đó, để chuẩn bị các tài liệu thích hợp và hoàn thiện hồ sơ đăng ký.

Về hiệu lực của văn bằng bảo hộ tại Việt Nam, Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định:

  • Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây: a) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn; b) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; c) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.
  • Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 bổ sung các nội dung sau vào Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005:

  • Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.
  • Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn sáu tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.

Rủi ro khi không đăng ký bảo hộ tại nước ngoài

Khi nhãn hiệu của doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ thì đương nhiên doanh nghiệp có toàn quyền đối với nhãn hiệu này trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác, nếu nhãn hiệu này không được đăng ký, thì về nguyên tắc sẽ không phát sinh quyền sở hữu của doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra những rủi ro nhất định, đặc biệt đối với các thị trường mà doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa hay các thị trường tiềm năng để xuất khẩu trong tương lai.

Giả sử, trường hợp một nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt bị cá nhân khác đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài, thì cá nhân này sẽ được ghi nhận là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu tại quốc gia đó, có quyền độc quyền sử dụng, tự do định đoạt việc chuyển nhượng (li-xăng) đối với nhãn hiệu.

Doanh nghiệp Việt dù là người sử dụng đầu tiên, khai sinh ra nhãn hiệu đó nhưng không phải là người được cấp văn bằng bảo hộ thì cũng sẽ không được phép tự do kinh doanh hàng hóa dưới nhãn hiệu đó tại thị trường nước ngoài.

Lúc này, nếu muốn được sử dụng nhãn hiệu để kinh doanh, doanh nghiệp Việt buộc phải tiến hành thương lượng, thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc nhận chuyển quyền sử dụng từ người đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Đối với việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, doanh nghiệp thường sẽ mất khoản chi phí khá lớn do mua lại hoàn toàn quyền sở hữu đối với nhãn hiệu từ người đã đăng ký. Trường hợp lựa chọn nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, chi phí doanh nghiệp bỏ ra sẽ tùy thuộc thỏa thuận của các bên về nhiều yếu tố như thời hạn sử dụng, phạm vi sử dụng, tính độc quyền sử dụng.

Một lựa chọn khác có thể cân nhắc là khởi kiện giành lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, nhưng phương thức này lại tốn khá nhiều chi phí, thời gian và công sức cũng như các phụ thuộc vào quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia đó là thành viên.

Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình có giá trị thương mại gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tác động trực tiếp đến quyền kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp tại các quốc gia khác.

Vì thế, khi doanh nghiệp dành tâm huyết cho một sản phẩm, bỏ nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu các tính năng độc đáo, mới lạ ở sản phẩm hoặc có định hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài thì cần nhanh chóng tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm đó tại các quốc gia này để tự bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình của mình.

Tường Vy