Sức “nặng” của 2 nghị quyết

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp và các địa phương ngày 08/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 2 nghị quyết.
hỗ trợ doanh nghiệp
Nghị quyết thứ hai, về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp yêu cầu triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Thủ tướng, những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị quyết. Nghị quyết thứ nhất về thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Nghị quyết thứ 2 về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Hai Nghị quyết này cố gắng đáp ứng cao nhất có thể trong điều kiện có thể của nền kinh tế, của đất nước, trong thẩm quyền của Chính phủ.

Nghị quyết số 30 của Quốc hội có 1 nội dung rất quan trọng: Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện những giải pháp cấp bách sau:

- Áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết;

- Tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan;

- Thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.

Cũng căn cứ vào Nghị quyết số 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Nghị quyết của Chính phủ sẽ được phép quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động. Giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.

Thường trực Hội đồng nhân dân được giao quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19.

Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan

Nghị quyết thứ hai, về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, các cơ quan hoạch định chính sách đã đề xuất một số quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới:

Một là, các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung vào cuộc với nỗ lực cao nhất, ưu tiên mọi nguồn lực để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển.

Hai là, triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là, trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thích nghi với hoàn cảnh: vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, cố gắng tận dụng triệt để hoàn thành các đơn hàng, hợp đồng đã ký kết để tránh đứt gãy chuối cung ứng, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phục hồi và phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Bốn là, chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh và có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn.

Quế Phong