Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu qua các biểu đồ

Sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia đang gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là các biểu đồ thể hiện tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới.

Tính đến sáng ngày 31/3, trên toàn cầu đã ghi nhận 800.000 ca nhiễm Covid-19 với gần 38.000 ca tử vong chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng kể từ khi dịch bệnh này bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc. 

Dưới đây là các biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đang tác động như nào đến nền kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán lao dốc

Các chỉ số chứng khoán chính trên toàn cầu như FTSE (Anh), trung bình công nghiệp Dow Jones (Hoa Kỳ) và Nikkei (Nhật Bản) đều suy giảm mạnh. Trong đó, chỉ số Dow Jones và chỉ số FTSE đều ghi nhận các mức giảm giá mạnh nhất theo ngày kể từ cuộc khủng hoảng năm 1987.

Các chỉ số chứng khoán chính giảm mạnh vì dịch Covid-19

Nhằm đối phó với các tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã cắt giảm mạnh mức lãi suất nhằm giảm chi phí sử dụng vốn cũng như kích thích tiêu dùng.

Tuy nhiên, các diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến giới đầu tư trở nên bi quan và lo ngại các chính phủ vẫn chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn sự suy giảm của các thị trường tài chính.

Thị trường tài chính đã phục hồi phần nào sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cứu trợ kinh tế trị giá lên tới 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là gói cứu trợ quy mô lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một vài chuyên gia phân tích cảnh báo thị trường tài chính toàn cầu sẽ vẫn còn biến động mạnh cho đến khi nào dịch bệnh được kiểm soát.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Tại Hoa Kỳ, số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp đã đạt 3,3 triệu người trong tuần kết thúc vào ngày 26/3. Con số này vượt xa mức 665.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tháng 3/2009 – thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như con số kỷ lục từ trước tới nay là 695.000 người vào tháng 10/1982.

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục là một trong những chỉ báo đầu tiên cho thấy sức tàn phá của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Hoa Kỳ - nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ tăng cao kỷ lục

Đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của Covid-19 đến tình hình lao động trên toàn cầu của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy tác động của dịch bệnh sẽ còn tiếp tục mở rộng, khiến hàng triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.

ILO dự báo số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu - 24,7 triệu người. Đây là con số tăng thêm trên nền số người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008 đã khiến khoảng 22 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Đây không còn chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nữa, mà cũng chính là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế, tác động lớn tới con người,” tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết.

Ngành du lịch - vận tải thiệt hại nặng

Hơn 100 quốc gia hạn chế đi lại hoặc phong toả vì dịch Covid019

Ngành công nghiệp du lịch và vận tải toàn cầu thuộc nhóm các ngành chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch Covid-19 trong bối cảnh hầu hết các hãng bay đã buộc phải ngưng dịch vụ và hàng triệu tour du lịch bị huỷ khi hơn 100 quốc gia áp đặt lệnh phong toả hoặc hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong một động thái chưa từng xảy ra trong lịch sử, các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) đã cấm nhập cảnh toàn bộ du khách từ ngoài khối trong vòng 30 ngày; đồng thời, Hoa Kỳ cũng cấm mọi hoạt động di chuyển từ Châu Âu đến nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Dữ liệu từ hãng theo dõi hàng không Flight Radar 24 cho thấy số lượng chuyến bay thương mại trên toàn cầu đã sụt giảm mạnh kể từ thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch virus Covid-19 là đại dịch quy mô toàn cầu.

Số chuyến bay giảm mạnh vì dịch Covid-19

Đổ xô tích trữ nhu yếu phẩm

Trước các diễn biến phức tạp của đại dịch, người tiêu dùng trên toàn cầu đã đổ xô tích trữ các loại nhu yếu phẩm, đặc biệt là thực phẩm. Hình ảnh các siêu thị trống trơn và người tiêu dùng xếp hàng dài tại các điểm phân phối hàng hoá trở nên phổ biến trên toàn cầu. Các siêu thị và các kênh bán hàng online trên thế giới chứng kiến sự gia tăng đột ngột nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Giá một số mặt hàng nông sản chính trên thị trường tương lai cũng có xu hướng gia tăng do các nhà đầu tư lo ngại nguồn cung hàng hoá có thể bị đứt vỡ khi ngày càng nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt và một số quốc gia đề xuất cấm xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm.

Giá thực phẩm tăng vì dịch Covid-19

Nhằm chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, một số quốc gia đã cấm xuất khẩu các mặt hàng cần thiết như Ấn Độ cấm xuất khẩu nhiều loại kháng sinh và các chất sản xuất thuốc quan trọng và Thái Lan cấm xuất khẩu các sản phẩm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

Chất lượng không khí cải thiện

Các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả tại nhiều nơi trên thế giới đã khiến các hoạt động công nghiệp chính bị đình trệ, điều này đã giúp chất lượng không khí được cải thiện đáng kể.

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy sự sụt giảm mạnh của khí nhà kính tại nhiều thành phố chính trên toàn Châu Âu, gồm Paris (Pháp), Milan (Italy) và Madrid (Tây Ban Nha).

Chất lượng không khí thời điểm dịch Covid-19

Sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục bị đình trệ

Tại Trung Quốc – nơi khởi phát của đại dịch, hầu hết các hoạt động kinh tế từ sản xuất công nghiệp, bán lẻ - dịch vụ và đầu tư đều đã suy giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020.

Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết trong 2 tháng đầu năm 2020, doanh số bán lẻ đã giảm tới 20,5%; sản lượng công nghiệp giảm 13,5% và mức đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Sản xuất công nghiệp Trung Quốc sụt giảm vì Covid-19

Đáng chú ý, sự sụt giảm của sản lượng công nghiệp là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo dữ liệu của hãng tin Reuters. Hiện tại tổng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu và Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ đã kéo theo sự đứt vỡ của hàng loạt các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành công nghiệp tại các quốc gia khác nhau.

Giá vàng biến động mạnh

Khi khủng hoảng xảy ra, giới đầu tư thường có xu hướng lựa chọn các kênh đầu tư ít rủi ro và vàng thường được coi là “thiên đường trú ấn” giúp bảo toàn giá trị đầu tư trước các biến động thị trường.

Tuy nhiên, giá vàng trong tháng 3/2020 đã có giai đoạn sụt giảm mạnh trước khi phục hồi trở lại do giới đầu tư lo ngại một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ nổ ra dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán các loại tài sản đang nắm giữ, bao gồm cả vàng để thu hồi tiền mặt.

Giá vàng biến động vì đại dịch Covid-19

Giá dầu thô sụp đổ

Giá dầu thô hiện đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2001. Việc ngày càng nhiều quốc gia thắt chặt các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả để chống sự lây lan dịch bệnh đã khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ nghiêm trọng, kéo theo đó là suy giảm mạnh nhu cầu sử dụng dầu thô.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường dầu mỏ gặp cú sốc cầu. Đồng thời, thị trường dầu mỏ cũng gặp cú sốc cung khi cuộc chiến giá dầu giữa khối OPEC và Nga nổ ra, khiến nguồn cung dầu thô giá rẻ gia tăng mạnh.

Giá dầu thô sụp đổ vì dịch Covid-19

Tăng trưởng kinh tế suy giảm

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm vì Covid-19

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 từ mức 2,9% xuống còn 2,4% trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009.

OECD cũng cảnh báo nếu như dịch bệnh “kéo dài và diễn biến phức tạp hơn”, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,5%. Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết các quốc gia cần có các biện pháp can thiệp kịp thời nếu không dịch bệnh sẽ khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Quang Đặng - Thuỳ Linh (Tổng hợp)