Tác động của giá dầu thế giới đến thị trường chứng khoán và các biến vĩ mô trong nền kinh tế: trường hợp Việt Nam

TRẦN HUY HOÀNG (Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Marketing)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về tác động của giá dầu thế giới đến thị trường chứng khoán Việt Nam và các biến vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá dầu có tương quan âm đến các chỉ số của thị trường chứng khoán (TTCK) và bất kỳ một shock giá dầu nào từ phía cung cũng như phía cầu đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của thị trường, trong đó các ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất lần lượt là ngành vận tải, vật liệu xây dựng, dịch vụ và dầu khí. Ngoài ra, cú shock giá dầu cũng tác động không tốt đến tăng trưởng GDP và gây ra các nguyên nhân về lạm phát cũng như suy thoái của nền kinh tế.

Từ khóa: Giá dầu thế giới, thị trường chứng khoán, các biến vĩ mô của nền kinh tế.

1. Giới thiệu

Dầu mỏ là một trong những nguyên liệu đầu vào rất quan trọng của hầu hết các ngành công nghiệp trong nền kinh tế và tác động trực tiếp đến nền kinh tế cũng như TTCK ở các quốc gia. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, giá dầu là một nhân tố tác động đến các biến số vĩ mô và tỷ suất sinh lợi trên TTCK thông qua việc phân tích tác động của giá dầu lên các ngành công nghiệp trong nền kinh tế và lạm phát (Hamilton, 1983; Burbridge và Harrison, 1984; Gisser và Goodwin, 1986; Ciner 2001; Miller và Ratti, 2009).

Việt Nam là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai trong khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc. Với kim ngạch xuất khẩu ngày càng chiếm tỷ trọng cao của dầu thô thì giá dầu ngày càng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế cũng như TTCK của Việt Nam. Việt Nam lại là một nền kinh tế đặc thù theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh đó cũng đang trong quá trình chuyển đổi và được xem là một nền kinh tế mới nổi. Do đó, nghiên cứu tác động của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam và TTCK Việt Nam là một nghiên cứu có thể bổ sung thêm về tác động của giá dầu. Trong bài báo này tập trung phân tích tác động của giá dầu thế giới đến các biến vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam như lạm phát, GDP và cung tiền; bên cạnh đó, cũng xem xét mối quan hệ của cú sốc giá dầu đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

2. Tổng quan các nghiên cứu trước về ảnh hưởng của giá dầu thế giới đến thị trường chứng khoán

Giá dầu có thể ảnh hưởng đến sự biến động của TTCK, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tác động trực tiếp có thể được giải thích bởi việc biến động của giá dầu tạo ra sự không chắc chắn trên thị trường tài chính, từ đó dẫn đến sự sụt giảm trong giá cả các loại chứng khoán. Tác động gián tiếp của giá dầu được mô tả thông qua sự sụt giảm trong sản lượng sản xuất và sự gia tăng tỷ lệ lạm phát khi giá dầu tăng cao. Điều này tác động đến các biến số vĩ mô của nền kinh tế và từ đó ảnh hưởng đến TTCK. Nghiên cứu của Jones và Kaul (1996) chỉ ra bằng chứng về tác động tiêu cực của giá dầu đến TTCK. Trong đó, sự biến động của giá dầu tác động làm giảm dòng tiền thực của công ty do các chi phí đầu vào tăng cao và khó khăn trong việc bán sản phẩm đầu ra. Thêm vào đó, bằng việc sử dụng mô hình kinh doanh chênh lệch giá, nghiên cứu đã kết luận rằng giá dầu là một yếu tố rủi ro của TTCK.

Jones và ctg (2004) đã tìm ra bằng chứng cho thấy giá dầu cao sẽ làm chi phí sản xuất của nền kinh tế gia tăng, dẫn đến tình trạng sụt giảm sản lượng sản xuất và giảm tỷ suất sinh lợi kỳ vọng trên TTCK.

Ngoài ra, một số nghiên cứu của Saettem (1999), Ciner (2001), Nandha và Faff (2008) đã chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa biến động của giá dầu và tỷ suất sinh lợi chứng khoán. Sadorsky (1999), trong nghiên cứu của mình cũng cho kết luận tương tự, theo đó, một phần biến động trong giá dầu đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của TTCK.

Một trong những nghiên cứu thực nghiệm khác về mối liên hệ giữa giá dầu và tỷ suất sinh lợi của chứng khoán có thể kể đến là nghiên cứu của Miller và Ratti (2009). Sử dụng phương pháp VECM và bộ dữ liệu được thu thập từ giai đoạn 1971-2008, các tác giả đã chỉ ra rằng TTCK chịu tác động tiêu cực từ việc thay đổi của giá dầu trong dài hạn. Mối liên hệ ngược chiều này tiếp tục được tìm thấy và ủng hộ trong nghiên cứu của Park và Ratti (2008) khi phân tích tác động của cú sốc giá dầu đến TTCK của 12 quốc gia trong Liên minh châu Âu phải nhập khẩu dầu phục vụ cho nền kinh tế.

Killian và Park (2009) cho thấy, cú sốc về cầu (ví dụ như sự không chắc chắn về sản lượng cung ứng trong tương lai) là nguyên nhân tiêu cực dẫn đến sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận trên TTCK Mỹ. Tuy nhiên, các tác giả này cũng cho rằng, nếu giá dầu gia tăng do sự mở rộng của các hoạt động kinh tế trên thế giới sẽ có xu hướng gây ra các tác động tích cực làm gia tăng tỷ suất sinh lợi chứng khoán.

Trong một nghiên cứu khác về mối liên hệ giữa giá dầu, nền kinh tế và TTCK ở Hy Lạp đã được công bố bởi Papapetrou (2001), bằng việc sử dụng mô hình VAR, tác giả đã tìm thấy tác động của sự thay đổi giá dầu đến sự biến động vĩ mô của nền kinh tế và thị trường lao động, kết quả cho thấy tác động ngược chiều của sự thay đổi giá dầu đến các biến vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.

Hondroyiannis và Papapetrou (2001) đã chỉ ra mối liên hệ tương tác giữa các ngành công nghiệp sản xuất, lãi suất thị trường, tỷ giá hối đoái và biến động của TTCK nước ngoài, giá dầu và tỷ suất sinh lợi trên TTCK. Trong nghiên cứu của mình, tác giả kết luận: biến động của giá dầu ảnh hưởng đến giá chứng khoán và có mối quan hệ ngược chiều với các biến số vĩ mô của nền kinh tế tại cùng một thời điểm.

Filis và ctg (2011) cho thấy có sự phân hóa giữa các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ, bằng phương pháp DCC-GARCH, Filis đã chứng minh mối liên hệ ngược chiều từ cú sốc phía cầu của giá dầu đến tỷ suất sinh lợi chứng khoán ở các quốc gia nhập khẩu, tức là khi giá dầu tăng thì tỷ suất sinh lợi trên TTCK của các quốc gia này sẽ giảm, nhưng điều này là hoàn toàn ngược lại ở các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.

3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu theo quý (dựa theo Luis Miguel Marques, 2013) cho khoảng thời gian từ QI/2003 đến QII/2015, tạo nên 50 quan sát. Bảng 1 thể hiện thống kê mô tả của các biến. Các dữ liệu thứ cấp được lấy từ IMF, Tổng cục Thống kê Việt Nam, HOSE, HNX bao gồm: GDP danh nghĩa, cung tiền M2, giá trị vốn hóa thị trường và chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Các biến được sử dụng trong bài đã được áp dụng trong các nghiên cứu trước đây, cụ thể:

- Tăng trưởng kinh tế (growth) - Được tính bằng cách lấy logarit tự nhiên GDP thực. Nhìn chung, các tài liệu cho thấy tăng trưởng dài hạn có tương quan tích cực đến sự phát triển của TTCK (Levine và Zervos, 1996, 1998; Singh, 1997) và tính thanh khoản của TTCK thì tương quan mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hiện tại và tương lai của nền kinh tế (Levine và Zervos, 1998).

- Tỷ lệ vốn hóa TTCK (market) - Biến này là tỷ lệ giữa tổng giá trị vốn hóa của cổ phiếu niêm yết (tất cả các mã chứng khoán có niêm yết trên tất cả các sàn giao dịch chứng khoán tập trung) so với GDP, cả hai đều tính theo giá trị danh nghĩa. Biến này nhằm mục đích để đo lường sự phát triển của TTCK theo giả định rằng các "quy mô" của TTCK là tương quan dương với tăng trưởng kinh tế. Do biến chỉ số VNINDEX của mình bị bóp méo bởi các cổ phiếu trụ cột nên nó không phản ánh chính xác biến động của toàn thị trường, Tác giả thay chỉ số VNINDEX bằng giá trị vốn hóa, biến giá trị vốn hóa được tính bằng cách lấy giá cổ phiếu nhân cho tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành nên nó vừa thay thế được chỉ số VNINDEX, vì cũng đo lường tỷ suất sinh lợi của biến động giá cả trên thị trường, vừa không bị bóp méo bởi các cổ phiếu trụ cột. (Levine và Zervos, 1996).

- Giá dầu thế giới - là giá dầu Brent.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - Chỉ số giá tiêu dùng được sử dụng như là một biến kiểm soát tìm kiếm những tác động danh nghĩa lên nền kinh tế. Lạm phát là một biến vĩ mô thường được sử dụng trong các tài liệu (Bassanini và ctg, 2001) để phản ánh sự ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát cao có thể gây bất lợi cho hoạt động của thị trường tài chính (Rousseau và Wachtel, 2002). Do đó, việc theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp được khuyến khích để có thể khai thác tác động của sự phát triển tài chính đến tăng trưởng kinh tế (Huang và ctg, 2010).

Tất cả các biến đều đã được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ bằng công cụ Census X12.

Dựa trên những bài nghiên cứu thực nghiệm trước đây và mô hình Tự hồi quy vector (VAR), mô hình Hiệu chỉnh sai số vector (VECM) được đề xuất để nghiên cứu mối quan hệ giữa sự phát triển TTCK và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dựa vào bằng chứng không có đồng liên kết với dữ liệu trong bài nghiên cứu, tác giả sử dụng mô hình Tự hồi quy vector VAR để ước lượng:

Trong đó: Xt là vector của các biến nội sinh: growth, market, m2, cpi; εt là sai số. là ma trận hệ số của các biến nội sinh, C là vecto hệ số chặn và k là độ trễ tối ưu (dựa vào bài nghiên cứu của Luis Miguel Marques (2013)).

Quá trình được tiến hành như sau: Kiểm định tính dừng, tiếp theo lựa chọn độ trễ tối ưu, kiểm định đồng liên kết, ước lượng mô hình VAR, kiểm tra sự phù hợp của mô hình, thực hiện kiểm định quan hệ nhân quả Granger trong VAR, sau đó phân tích hàm phản ứng đẩy và cuối cùng là phân tích phân rã phương sai.

Kiểm định Granger cho phép xác định các mối quan hệ nhân quả giữa các biến, theo Granger (1969) quan hệ nhân quả xảy ra khi một biến cụ thể trong hiện tại hay quá khứ có thể dự báo các giá trị tương lai của một biến khác.

Kiểm định phản ứng đẩy cho thấy những tác động của các cú sốc độc lập đến các biến khác như thế nào trên toàn bộ tiến trình theo thời gian. Vì vậy, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện các mối quan hệ động theo thời gian của các biến được đưa vào mô hình nghiên cứu.

Ban đầu, nhìn vào việc điều chỉnh các biến nội sinh theo thời gian, sau một cú sốc giả định trong thời gian t. Việc điều chỉnh này được so sánh với quá trình chuỗi thời gian mà không có một cú sốc, tức là quá trình thực tế. Các chuỗi phản ứng đẩy chính là khác biệt cốt yếu giữa hai chuỗi thời gian này.

Quá trình phân rã phương sai là một sự thay thế phản ứng đẩy, để có một cái nhìn tổng quan đơn giản về cấu trúc động của mô hình VAR. Ngược lại với phản ứng đẩy, nhiệm vụ của phân rã phương sai là để đạt được sự thông gọn về khả năng dự báo. Mục đích của phân rã là để giảm sự không chắc chắn trong một phương trình tới phương sai của sai số trong tất cả các phương trình và để đánh giá về khả năng dự báo của các biến trong mô hình đối với biến cần nghiên cứu.

4. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm

Sau khi đã xác định được tính dừng của các biến, tác giả nhận thấy rằng các chuỗi đều không dừng bậc gốc và đều cùng dừng ở bậc 1, cho nên có thể nghi ngờ mối quan hệ đồng liên kết ở đây. Chính vì thế, tiến hành kiểm định đồng liên kết Johansen với độ trễ là 2, tuy nhiên kết quả cho thấy không có bằng chứng cho sự tồn tại của đồng liên kết ở mức ý nghĩa 5%.

Khi đã xác định được không có sự tồn tại đồng liên kết, tác giả tiến hành ước lượng mô hình VAR theo phương pháp VAR Cholesky và dùng sai phân bậc 1 của các biến để ước lượng mô hình cần nghiên cứu. Để ước lượng mô hình VAR, nghiên cứu kiểm tra độ trễ tối ưu và kiểm định nhân quả Granger xem liệu giữa các biến trong mô hình có mối quan hệ nhân quả hay không.

Tiếp theo, sẽ kiểm định nhân quả Granger trước khi hồi quy mô hình VAR.

Tác giả phát hiện ra rằng, biến giá dầu lại có mối quan hệ nhân quả với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển TTCK và chỉ số giá tiêu dùng và phân tích quan hệ nhân quả không cho thấy sự tác động theo chiều ngược lại, điều này phù hợp với các nghiên cứu trước cũng như lý thuyết về tác động của giá dầu đến các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam.

Tiếp đến, tác giả tập trung hai ứng dụng chính của VAR là hàm phản ứng đẩy và phân rã phương sai.

Khi có cú sốc giá dầu xảy ra nó vẫn tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế trong hai kỳ đầu, sau đó đảo chiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế ở Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo, qua đó cho thấy có sự tác động trễ của giá dầu đến tăng trưởng kinh tế, điều này có thể được giải thích bởi sự điều chỉnh giá của Chính phủ và quỹ bình ổn giá dầu thường làm chậm chu kỳ tăng giá của giá dầu và tác động trễ đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cú sốc từ giá dầu có tác động tiêu cực và khá mạnh đến TTCK ngay cả trong các chu kỳ đầu, do TTCK là một thị trường rất nhạy cảm về thông tin, nên bất cứ một sự thay đổi nào từ giá dầu cũng gây tác động trực tiếp và ngay lập tức đến TTCK.

Tương tự như vậy, cú sốc giá dầu cũng tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong nền kinh tế Việt Nam. Do giá dầu là biến đầu vào chủ yếu của các ngành công nghiệp và sản xuất, nên chỉ một cú sốc giá dầu sẽ làm tăng giá cả các mặt hàng trong nền kinh tế.

Để đánh giá chính xác hơn về sự giải thích lẫn nhau giữa các biến trong mô hình nghiên cứu, tác giả tiến hành phân tích phân rã phương sai và cho kết quả ở Bảng 4.

Dựa vào kết quả của bảng phân rã phương sai có thể thấy như sau:

Giá dầu giải thích được 30% sự biến động của tăng trưởng kinh tế từ chu kỳ thứ 4 trở đi. Qua đó cho thấy giá dầu đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, giá dầu cũng giải thích được đến 26% sự thay đổi của lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam, điều này khá phù hợp khi dầu là nguyên liệu đầu vào chủ yếu của các ngành công nghiệp và nền kinh tế, chính vì thế một cú sốc giá dầu sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và gây ra lạm phát chi phí đẩy, đưa giá cả của nền kinh tế tăng cao.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng giải thích được hơn 20% sự thay đổi của TTCK, qua đó cho thấy, TTCK Việt Nam khá nhạy cảm với giá dầu và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cú sốc giá dầu.

Xét về tương quan giữa giá dầu và các ngành trên TTCK, qua Biểu đồ 2 và Bảng 5 ta thấy khi giá dầu tăng, các ngành khác cũng có sự giảm sút theo, ma trận hệ số tương quan giữa giá dầu và các ngành đều âm và có ý nghĩa thống kê. Trong đó các ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất lần lượt là ngành vận tải, vật liệu xây dựng, dịch vụ và dầu khí. Qua đó cho thấy, giá dầu có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến từng ngành trên TTCK, do xăng dầu là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành kinh tế và tác động trực tiếp đến giá cả sản phẩm và cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát chi phí đẩy.

Ma trận hệ số tương quan giữa giá dầu và các ngành trên TTCK cho thấy giá dầu tác động âm đến tất cả các ngành trên TTCK ngoại trừ ngành thực phẩm và chỉ số chung VNindex. Trong đó, 3 ngành chịu tác động mạnh nhất từ giá dầu là ngành vật liệu xây dựng, vận tải và dầu khí.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá dầu đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát ở Việt Nam. Một cú sốc từ giá dầu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế, đẩy nền kinh tế vào suy thoái, khủng hoảng, do nền kinh tế Việt Nam vẫn rất nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào dầu hỏa. Bên cạnh đó, sự thay đổi của giá dầu cũng sẽ tác động đến giá cả của nền kinh tế, tạo ra lạm phát chi phí đẩy làm nền kinh tế mất ổn định, giá cả leo thang và tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đồng thời làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giá dầu có tác động đến TTCK nhưng đây là một tác động nhỏ và không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTCK, TTCK vẫn hoạt động khá độc lập trước diển biến của giá dầu cũng như các tín hiệu của nền kinh tế như kết quả nghiên cứu đã chỉ ra. Một phần do các nhà đầu tư trên thị trường vẫn đầu tư dựa trên cảm tính và tâm lý bầy đàn và TTCK Việt Nam cũng còn khá sơ khai, do đó nó diễn biến không theo những quy luật của kinh tế mà theo thuyết bước đi ngẫu nhiên và tài chính hành vi hơn.

Qua đó có thể thấy, thời gian qua chúng ta chưa thực sự chủ động trong việc khai thác hiệu ứng tích cực của giá xăng dầu giảm. Đơn cử như xăng dầu là đầu vào của sản xuất điện hay trong giao thông vận tải, nhưng chưa thấy giá điện, hay giá taxi điều chỉnh giảm với mức tương ứng theo logic giá đầu vào giảm. Dường như “giá xăng dầu thấp cho phát triển kinh tế” chưa được thực sự quan tâm và tận dụng hết các khía cạnh tích cực của nó.

Sẽ rất khó cho một kịch bản giá dầu tăng trở lại. Vì vậy, cần thừa nhận một kịch bản giá dầu thấp và có thể kéo dài, chính vì thế chính phủ cần chủ động trong việc lập các kế hoạch thu - chi ngân sách ở quy mô quốc gia, cơ cấu thu NSNN phù hợp, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế với đầu vào là xăng dầu có giá thấp, từ đó mới có thể tận dụng được các cơ hội từ việc giá dầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, từng bước có các kế hoạch để hạn chế ảnh hưởng của giá dầu đến nền kinh tế như chủ động hơn việc phát triển các nguồn thu ngân sách khác từ dầu thô, giảm tỷ trọng dầu thô trong tổng thu ngân sách, cũng như có các chính sách điều hành giá xăng dầu hợp lý để giúp nền kinh tế phát triển bền vững, hạn chế ảnh hưởng từ các cú sốc giá dầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bassanini, A., Scarpetta, S., & Hemmings, P. (2001), Economic growth: the role of policies and institutions. Panel data evidence from OECD countries.

2. Burbridge, J., Harrison, A. (1984), Testing for the effects of oil-price rises using vector autoregressions, International Economic Review 25 (1), 459 - 484.

3. Ciner, C. (2001), Energy shocks and financial markets: Nonlinear linkages,Studies in Nonlinear Dynamics & Econometrics,5 (3).

4. Filis, G., Degiannakis, S., & Floros, C. (2011), Dynamic correlation between stock market and oil prices: The case of oil-importing and oil-exporting countries,International Review of Financial Analysis,20 (3), 152 - 164.

5. Gisser, M., & Goodwin, T. H. (1986), Crude oil and the macroeconomy: Tests of some popular notions: Note,Journal of Money, Credit and Banking,18 (1), 95 - 103.

6. Hamilton, J. D. (1983), Oil and the macroeconomy since World War II,The Journal of Political Economy, 228 - 248.

7. Huang, H. C., Lin, S. C., Kim, D. H., & Yeh, C. C. (2010), Inflation and the finance–growth nexus, Economic Modelling,27 (1), 229 - 236.

8. Jones, C. M., & Kaul, G. (1996), Oil and the stock markets,The Journal of Finance,51 (2), 463 - 491.

9. Jones, D. W., Leiby, P. N., & Paik, I. K. (2004), Oil price shocks and the macroeconomy: What has been learned since 1996The Energy Journal, 1 - 32.

10. Kilian, L., & Park, C. (2009), The impact of oil price shocks on the US stock market,International Economic Review,50 (4), 1267 - 1287.

11. Levine, R., & Zervos, S. (1996), Stock market development and long-run growth,The World Bank Economic Review,10 (2), 323 - 339.

12. Levine, R., & Zervos, S. (1998), Stock markets, banks, and economic growth, American economic review, 537 - 558.

13. Marques, L. M., Fuinhas, J. A., & Marques, A. C. (2013), Does the stock market cause economic growth? Portuguese evidence of economic regime change,Economic Modelling,32, 316 - 324.

14. Miller, J. I., & Ratti, R. A. (2009), Crude oil and stock markets: Stability, instability, and bubbles, Energy Economics,31 (4), 559 - 568.

15. Nandha, M., & Faff, R. (2008), Does oil move equity prices? A global view,Energy Economics,30 (3), 986 - 997.

16. Papapetrou, E. (2001), Oil price shocks, stock market, economic activity and employment in Greece, Energy Economics,23 (5), 511 - 532.

17. Park, J., & Ratti, R. A. (2008), Oil price shocks and stock markets in the US and 13 European countries, Energy economics,30 (5), 2587 - 2608.

18. Rousseau, P. L., & Wachtel, P. (2002), Inflation thresholds and the finance–growth nexus, Journal of International Money and Finance,21 (6), 777 - 793.

19. Sadorsky, P. (1999), Oil price shocks and stock market activity,Energy Economics,21 (5), 449 - 469.

20. Saettem, F. (1999), Causal relations among stock returns and macroeconomic variables in a small, open economy,Journal of International Financial Markets, Institutions and Money,9 (1), 61 - 74.

21. Singh, A. (1997), Financial liberalisation, stockmarkets and economic development, The Economic Journal,107 (442), 771 - 782.

THE IMPACT OF WORLD OIL PRICES ON THE STOCK MARKET

AND MACRO - ECONOMIC VARIABLES IN VIETNAM

● TRAN HUY HOANG

Faculty of Banking and Finance, University of Finance and Marketing

ABSTRACT:

The research showed on the impact of the world oil price on Vietnam stock markets, and the macroeconomics between 2003 and 2015. The research results showed that the price of oil had a negative correlation to the stock market, and any shock oil price would also damage to the development of the market. The sectors affected the most are transportation, construction materials, services and oil and gas. It caused harm to GDP growth, inflation as well as economic downturn.

Keywords: World oil prices, stock market, macro - economic variables.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây