Tác động từ việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo đến khu vực châu Á

Sau gần một thập kỷ gần như đảm bảo được việc tự cung tự cấp lúa gạo, Trung Quốc hiện đang trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Hai nhà nghiên cứu: Jackson Ewing (thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh phi truyền thống, đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) và Zhang Hongzhou (trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) đã đưa ra những phân tích về nguyên nhân và tác động của việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo trong thời gian vừa qua.

Trung Quốc đang dần vượt qua Nigeria để trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới vào cuối năm 2013. Từng là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng giờ đây Trung Quốc đang trở thành một quốc gia nhập khẩu gạo với nhu cầu khổng lồ - đúng như nhiều người đã từng dự đoán. Sự thay đổi này sẽ có những tác động đến tình hình an ninh lương thực khu vực trong vòng vài thập niên tới.

Theo hai tác giả Jackson Ewing và Zhang Hongzhou, rất khó giải thích tại sao Trung Quốc lại gia tăng nhập khẩu gạo trong bối cảnh mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người của Trung Quốc đang giảm xuống; trong khi sản lượng gạo đang tăng năm thứ chín liên tiếp. Sản lượng gạo của Trung Quốc trong năm 2013 được dự báo sẽ đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Do đó việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo trở thành vấn đề khó hiểu.

4 nguyên nhân chính khiến lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu tăng vọt

Thứ nhất, hai tác giả cho rằng sản lượng gạo của Trung Quốc có thể đã bị phóng đại. Hiện có nhiều người trong và ngoài Trung Quốc lên tiếng chất vấn số liệu chính thức về sản lượng gạo của Trung Quốc.

Ví dụ, việc sản lượng gạo không đúng với thực tế có thể xảy ra khi các quan chức địa phương phóng đại sản lượng gạo lên bởi việc đánh giá khả năng điều hành của họ bị gắn liền với tình trạng sản xuất lúa gạo tại địa phương. Mức sản lượng thấp có thể bị hiểu là hoạt động điều hành của các quan chức kém.

Thứ hai, lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc đang dần đánh mất khả năng cạnh tranh. Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Trung Quốc đã thực thi chính sách khuyến khích canh tác lúa gạo thông qua việc đảm bảo mức gia thu mua gạo tối thiểu. Nhưng sau gần một thập kỷ nâng mức giá thu mua tối thiểu, giá gạo Trung Quốc hiện đang cao hơn tương đối so với giá gạo trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, hệ thống hậu cần nông nghiệp yếu kém cũng đã làm giảm năng lực sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã khiến các vùng canh tác lúa gạo chính của Trung Quốc đang dần chuyển từ phía Nam lên phía Bắc. Ngoài ra, hệ thống hậu cần vận chuyển ngũ cốc của Trung Quốc hiện vẫn chưa bắt kịp các thay đổi này. Chi phí vận chuyển gạo từ khu vực Đông Bắc Trung Quốc đến các khu vực tiêu thụ gạo chính chiếm tới 30% giá bán lẻ gạo. Trong mùa cao điểm, hệ thống hậu cần của Trung Quốc phải chật vật mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo do năng lực vận chuyển thấp. Điều này đã tạo điều kiện cho các công ty tại phía Nam Trung Quốc nhập khẩu gạo từ các quốc gia lân cận như: Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.

Thứ tư, những lo ngại của người tiêu dùng Trung Quốc về độ an toàn của gạo được sản xuất tại nội địa Trung Quốc ngày càng gia tăng, qua đó gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Một nghiên cứu trong năm 2011 đã chỉ ra rằng có 10% lượng gạo được bán tại Trung Quốc bị nhiễm bẩn và không đủ an toàn cho tiêu thụ. Các nghiên cứu khác cũng cho biết do lo ngại gạo bị nhiễm cadmium nên ngày càng nhiều người dân Trung Quốc đang sang Hong Kong để mua gạo nhập khẩu.

Các nguyên nhân nói trên kết hợp lại đã khiến Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo và với tư cách là quốc gia tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới, việc nhập khẩu này đang có những tác động đến thị trường gạo quốc tế.

Thị trường gạo khu vực châu Á

Việc Trung Quốc nổi lên trở thành một quốc gia nhập khẩu gạo lớn xảy ra đồng thời với việc giá gạo quốc tế tăng cao. Sau hơn ba thập niên sụt giảm, giá gạo đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000.

Các chính sách của các nước sản xuất gạo lớn tại châu Á cũng khiến giá gạo tăng lên. Việc Chính phủ Thái Lan mua gạo với mức giá cao hơn giá thị trường (hay chương trình trợ giá thu mua lúa gạo) đã làm giảm khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan và dẫn đến việc dư thừa gạo trong nội địa Thái Lan. Ngoài ra, kể từ giai đoạn 2007/2008 khi giá gạo lên cao, các quốc gia châu Á khác đã nâng mức hỗ trợ từ Chính phủ đối với ngành sản xuất lúa gạo, đồng thời dự trữ một lượng ngũ cốc lớn hơn. Các chính sách này phản ánh tâm lý mong muốn bảo vệ thị trường gạo nội địa của các nước khỏi các cú sốc từ thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng góp phần đẩy giá gạo lên cao hơn.

Tuy nhiên, việc dự trữ gạo nhiều hơn vẫn không thể ngăn cản việc gia tăng sản xuất. Sản lượng lúa gạo của hầu hết các quốc gia châu Á hiện được dự báo sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do việc mở rộng diện tích canh tác. Philippines sau một thời gian dài là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã tuyên bố gần đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo sau nhiều năm cải thiện năng suất. Malysia cũng đã giảm lượng gạo nhập khẩu xuống bằng cách canh tác nhiều hơn. Indonesia, mặc dù sản lượng tăng chậm nhưng cũng có tham vọng tự cung tự cấp lúa gạo.

Các nước xuất khẩu gạo tầm trung trong khu vực châu Á như Myanmar và Campuchia cũng đang tích cực mở rộng hoạt động canh tác lúa gạo với hy vọng sẽ cùng Việt Nam và Thái Lan trở thành các nước xuất khẩu gạo chính. Bên ngoài châu Á, sản lượng gạo tại châu Phi và khu vực Nam Mỹ đang tăng lên và tổng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2013/14 có khả năng sẽ đạt mức cao nhất từng được ghi nhận.

Tác động từ phía Trung Quốc

Vậy với những nhà kho chứa đầy gạo và các vụ mùa bội thu sắp tới, liệu việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu có gây ra lo ngại?

Từ lâu, các chương trình hỗ trợ lĩnh vực sản xuất lúa gạo tại châu Á đã được thể hiện qua các hình thức như: bảo đảm giá thu mua tối thiểu, kiểm soát giá, trợ cấp giá và chi phí đầu vào, và cả những giao dịch gạo liên chính phủ không rõ ràng. Những phương thức can thiệp lên thị trường gạo như trên đang ngày càng tăng và không thể quản lý được. Những phương thức can thiệp này tạo ra gánh nặng với ngân sách các nước, khiến các nguồn lực bị phân bổ sai, và đi ngược lại mục tiêu tự do hóa thương mại.

Bất chấp những vấn đề trên, với quy mô nhập khẩu gạo của Trung Quốc ngày càng tăng có thể khiến những chương trình can thiệp vào thị trường lúa gạo được tiếp tục sử dụng. Do các quốc gia châu Á lo ngại khả năng tiếp cận đến các nguồn cung gạo giá phải chăng của mình sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, các cú sốc đầu vào như gia tăng chi phí nhiên liệu, phân bón, chi phí sử dụng đất và lao động cũng khiến giá gạo nội địa và quốc tế tăng lên.

Các giới hạn sinh thái của việc mở rộng diện tích canh tác lúa gạo đang được đẩy lên mức cao nhất. Các mảnh đất phù hợp để canh tác lúa gạo có thể sẽ không còn nhiều nữa.

Tương tự như vậy, chi phí lao động giá rẻ trong lĩnh vực nông nghiệp có thể sẽ không còn nữa, đặc biệt là khi việc công nghiệp hóa – đô thị hóa đang đẩy giá và tiền công tăng lên. Như vậy chi phí kinh tế và môi trường cho việc sản xuất lúa gạo đang tăng lên đáng kể.

Bất chấp các khoản chi phí tăng lên, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu có thể khuyến khích gia tăng sản xuất gạo tại các khu vực mà vốn ít phù hợp để làm như vậy. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường gạo có thể khiến các nước trở nên cảnh giác hơn. Thậm chí các nước có thể giảm hoặc cấm xuất khẩu gạo. Động thái này sẽ đẩy giá gạo nội địa của các quốc gia lên cao, chất lượng thấp hơn gạo nhập khẩu và khiến đất bị sử dụng kém hiệu quả hơn.

Liệu giao thương gạo có trở nển ổn định hơn?

Việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo cũng không phải hoàn toàn đem lại tác động xấu. Trong vài trường hợp, hành động gia tăng nhập khẩu gạo của Trung Quốc có thể giúp gia tăng lượng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân và tạo điều kiện tốt hơn để tiếp cận đến các công nghệ tại các quốc gia xuất khẩu gạo. Qua đó có thể đóng góp vào các chiến lược sản xuất hiệu quả hơn, cho năng suất cao hơn, tạo ra hướng giải quyết các thách thức về lúa gạo trong khu vực.

Năng suất canh tác lúa gạo cao hơn sẽ giúp làm giảm tác động đến môi trường do lượng đất cần cho canh tác lúa giảm xuống và giúp quản lý sự di chuyển lao động, giảm chi phí sản xuất và giảm giá gạo xuống.

Trung Quốc cũng có thể giúp hoạt động mậu dịch gạo tại khu vực châu Á trở nên ổn định hơn thông qua việc thực hiện các giao dịch trên thị trường lúa gạo minh bạch thay vì các giao dịch liên chính phủ không rõ ràng.

Mặc dù vẫn còn những điều không chắc chắn, nhưng rõ ràng là giai đoạn tự cung tự cấp lúa gạo của Trung Quốc đang chấm dứt và điều này sẽ có những tác động đáng kể đến tương lai ngành lương thực châu Á.