Tạp hóa thắng thế cửa hàng tiện lợi

Quen thuộc với người mua, giá rẻ hơn, tiện lợi và nhanh chóng… là lợi thế cạnh tranh của cửa hàng tạp hóa.

Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, năm 2017 thị trường bán lẻ Việt Nam có mật độ các cửa hàng tiện lợi (ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ) là 55 nghìn người dân/cửa hàng.

Cửa hàng tạp hóa vẫn là một kênh mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Việt

Nếu so sánh với một số nước ở Châu Á thì tỷ lệ này là quá ít. Cụ thể như ở Hàn Quốc là 2.100 người/cửa hàng, Nhật Bản - 2.300 người/cửa hàng, Hồng Kông - 5.300 người/cửa hàng và Trung Quốc gần 24 nghìn người/cửa hàng…

Quan sát thực tế, hầu hết các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước (Vinmart Plus, Circle K, Bsmart, Minishop, Family mart, Co.op Smile, Satra Food…) đều có hệ thống cửa hàng tiện lợi phủ rộng khắp thị trường Tuy vậy, kênh mua sắm truyền thống là cửa hàng tạp hóa vẫn có vị trí nhất định trên thị trường, nhờ vào những lợi thế sẵn có như thói quen mua sắm gần nhà, giá rẻ hơn và nhanh hơn.

Ông David Anjoubault, Tổng giám đốc công ty Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, năm 2017 Việt Nam có số lượng cửa hàng tạp hóa truyền thống nhiều gấp 40 lần so với các cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng bán lẻ hiện đại. Mật độ tập trung của các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi ở thị trường thành thị là 40,5 cửa hàng/km; ở nông thôn là 2,8 cửa hàng/km.

Mặc dù bị chia thị phần, nhưng các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bởi đối với đại đa số người Việt, đi mua hàng cũng là để giải trí. Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ.

Thêm vào đó, đến đây, mua bán cũng tiện hơn, khách có thể đứng trước cửa hàng yêu cầu sẽ được mang hàng ra tận xe. Và mặc dù mức độ chi tiêu tại kênh cửa hàng tạp hóa không đủ lớn để có thể tạo tác động đến thị trường, nhưng nó vẫn có sức hút đối với người tiêu dùng. Dự báo, khối lượng hàng hóa được tiêu thụ tại cửa hàng tạp hóa sẽ còn tiếp tục tăng, đạt tốc độ 8% - 10% vào năm 2022.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kanta Worldpanel Việt Nam cho biết, nhìn thực tế thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh có thể thấy, đang có một cuộc cách mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, khi cửa hàng tiện lợi ngày càng mở rộng, len lỏi vào các khu dân cư, các chung cư… hay chen vào giữa siêu thị, đại siêu thị, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa.

Những thương hiệu nổi tiếng Vinmart Plus, Circle K, Minishop, Family mart… khẳng định được uy tín và ưu thế riêng. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi này có nguồn lực đầu tư lớn, chọn địa điểm thuận lợi (nơi có mật độ dân cư đông, mức độ qua lại của người đi đường lớn) và chiến lược xây dựng thương hiệu tốt, tạo được sự yêu thích của người dân.

Các nhà bán lẻ lớn khác như Saigon Co.op đầu tư vào chuỗi cửa hàng tiện ích Co.op Smile, Tổng công ty thương mại Sài Gòn có chuỗi Satrafoods, hay mới và xuất hiện dày đặc nhất là chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động… Tất cả vẫn đang tiếp tục mở rộng hệ thống, tạo áp lực mạnh mẽ lên hệ thống cửa hàng tạp hóa.

Tuy nhiên, cửa hàng tạp hóa cũng đang chuyển động theo áp lực thị trường và tạo lợi thế riêng để đứng vững. Điểm nổi bật nhất là luôn đầy đủ hàng hóa (cửa hàng tiện lợi không bằng) cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, đồ phục vụ học tập… và giá bán đều rẻ.

Tuy cửa hàng tạp hóa không có hay chưa từng xây dựng thương hiệu, nhưng tại khu dân cư, mọi người dân đều biết đến (ví dụ Tạp hóa bà Lan, cửa hàng cô Hường…). Cửa hàng tạp hóa không chỉ bán lẻ từ vài nghìn đồng/món hàng, mà còn nâng cấp làm đầu mối cung cấp sỉ mặt hàng gạo, nước giải khát (bia, nước ngọt), bánh kẹo, sữa… của những nhà sản xuất lớn cho cả khu vực dân cư tại chỗ.

Vì vậy, một cửa hàng tạp hóa tương đối lớn (diện tích từ 150m2) có thể đạt doanh thu từ 15 triệu – 20 triệu đồng/ngày. Thời gian tới, dù dự báo thị trường bán lẻ sẽ có thêm nhiều kênh phân phối, nhưng cửa hàng tạp hóa vẫn là một kênh mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Việt.

Theo Thời báo Ngân hàng