Tết Diwali - Lung linh miền đất Ấn

Nếu Việt Nam chúng ta có Tết Nguyên đán thì Ấn Độ có Tết Diwali với đặc trưng ánh sáng rực rỡ, lung linh trên khắp các ngõ phố và các món kẹo “ngọt đến sún răng”.

Ấn Độ là đất nước của lễ hội và có hẳn một thành ngữ để chỉ điều này “Mỗi tuần có tám ngày lễ!”.

Lễ tết triền miên xuất phát từ sự đa dạng văn hoá, tôn giáo bậc nhất thế giới của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này có đến 8 tôn giáo lớn, mỗi tôn giáo lại có hàng chục nhánh tín ngưỡng, cách thực hành khác nhau. Dẫu sao thì vẫn có một cái lễ lớn nhất, quan trọng nhất và chung nhất cho mọi miền, mọi tôn giáo ở Ấn Độ. Đó là Tết Diwali.

Với hơn 1,4 tỷ người cùng đón tết, Tết Diwali được xem là dịp lễ tết lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu so với lễ hội ném bột màu Holi, thì Tết Diwali lại ít được du khách quốc tế biết đến hơn. Có lẽ một phần do Tết Diwali diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, tuỳ theo chu kỳ của mặt trăng, đây là khoảng thời gian chưa phải mùa cao điểm du lịch của Ấn Độ.

Vừa qua, tôi đã có cơ duyên được trải nghiệm dịp tết này tại thành phố Jodhpur - một trong những nơi tổ chức Tết Diwali to nhất ở miền Bắc Ấn.

Tết Diwali - Đĩa đèn dyas và Mithai

Tết Diwali
Các đĩa đèn diyas sẽ được thắp sáng suốt đêm Tết Diwali nhằm soi lối cho nữ thần Laksmi đem theo sự thịnh vượng, ấm no vào nhà.

Anh Pavan, giáo viên dạy tiếng Anh kiêm chủ homestay nơi tôi ở, cho biết, Tết Diwali tuy chỉ diễn ra trong 5 ngày nhưng mọi việc chuẩn bị kéo dài trước đó đến vài tuần với danh sách dài những thứ cần mua, cần làm. Trong đó, đĩa đèn diyasMithai là những thứ không thể thiếu trong dịp này.

Chiết tự thì Diwali trong tiếng Phạn (Sanskrit) nghĩa là “những ngọn đèn”. Do đó Tết Diwali còn được biết đến là Tết Đèn, chứ không phải là Tết Ánh sáng như một số hãng lữ hành tại Việt Nam đang quảng bá dựa trên cụm từ tiếng Anh “Festival of Lights”.

Trong đêm Diwali, những đĩa đèn dyas làm từ đất nung, cỡ nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay, được thắp sáng từ trong nhà ra ngoài phố. Người Ấn tin rằng ánh sáng từ những ngọn đèn dyas sẽ soi lối cho nữ thần tài lộc Laksmi đem theo sự thịnh vượng, ấm no vào nhà.

Đặc biệt, mặc dù con số 13 thường được xem là “xui xẻo” trong văn hoá nhiều nước, thì người Ấn lại bày đúng 13 đĩa đèn dyas trong nhà nhằm xua đuổi các “điềm xui”.

Còn Mithai là các loại bánh, kẹo được làm từ bơ sữa, đường mía và các loạt hạt, hoa quả sấy khô. Đặc biệt, Mithai được tạo hình kỳ công, có loại mô phỏng hình quả quýt, loại lại làm thành hình tổ chim…

Anh Pavan tự hào giới thiệu, màu sắc bắt mắt của Mithai hoàn toàn đến từ các nguyên liệu tự nhiên thay vì phẩm màu, như màu vàng cam đến từ nghệ, màu đỏ đến từ củ dền hoặc hạt lựu…

Người Ấn lựa chọn kỹ lưỡng Mithai, sắp xếp trong những chiếc khay nhỏ xinh, vừa dùng để làm lễ vật dâng lên các vị thần vừa để trao tặng cho người thân, bạn bè vào thời khắc giao thừa nhằm chúc một năm mới ngọt như kẹo.

Mithai Ấn Độ Tết Diwali
Mithai là các loại bánh, kẹo được làm từ bơ sữa, đường mía và các loạt hạt, hoa quả sấy khô.

Trong dịp Tết Diwali, người Ấn có thể chuẩn bị đến hơn 40 loại kẹo khác nhau, càng nhiều Mithai thì nhà đó càng có nhiều tài lộc. Một số loại Mithai đã xuất hiện cách đây cả vài nghìn năm và công thức làm gần như không thay đổi theo thời gian. Món Mithai nổi tiếng nhất là Gulab Jamun với màu hồng từ cánh hoa hồng, như bán rán mật của Việt Nam nhưng kích thước bé hơn. Bánh được làm từ bột, bơ, viên tròn rồi chiên ngập trong bơ loãng, xong nhúng trong siro hoa hồng. Nghe thôi là đã thấy ngọt rồi! 

Tuy nhiên, việc làm Mithai tốn rất nhiều công, nên giờ đa phần mọi người mua từ các cửa hàng chuyên làm, vừa ngon lại vừa đẹp mắt hơn nhà mình tự làm, anh Pavan phân trần.

Do sự đa dạng về tôn giáo, văn hoá nên nguồn gốc Tết Diwali tại mỗi vùng của Ấn Độ lại khác nhau. Người miền Nam Ấn tổ chức Tết Diwali để ghi dấu ngày thần Krisna đánh bại quỷ thần Narakasura. Trong khi, các vùng Bắc Ấn như tại thành phố Jodhpur này, Tết Diwali nhằm ca ngợi chiến công và đề cao đức hạnh của Hoàng tử Rama.

Câu chuyện về chiến thắng của Hoàng tử Rama

Theo dân gian Ấn Độ, bên cạnh việc soi lối cho các phúc thần vào nhà, những ngọn đèn được thắp sáng trong dịp Diwali là nhằm soi đường chào đón Hoàng tử Rama đưa nàng Sita trở về quê hương sau 14 năm bị lưu đày trong rừng bị chúa quỷ Ravana bắt giữ.

Đây chính là hồi kết của sử thi Ramayana (Kỳ tích của Hoàng tử Rama), thiên sử thi được xem là câu chuyện tình sâu sắc và độ sộ bậc nhất của nhân loại. Hoàng tử Rama là một trong bảy hoá thân của thần Vishnu - một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.

Truyện kể rằng, tại kinh thành Ayodhya xưa kia, đúng vào ngày nhà vua Dasaratha dự định truyền ngôi cho con trưởng là Hoàng tử Rama thì một bà vợ yêu của nhà vua đòi ngai vàng phải trao cho con trai của bà ta là Bharata, còn Rama phải bị đày vào rừng sống 14 năm biệt xứ. Nhà vua từng hứa sẽ thực hiện hai điều ước bất kỳ của bà ta, lời hứa đã có sự chứng giám của thần linh, nay không sao rút lại được.

Quá đau buồn, nhà vua ngã bệnh, nhưng Rama hiểu chuyện đã tự nguyện cùng vợ là nàng Sita đi vào rừng.

Tết Diwali
Xem kịch Ramayana là một trong những thói quen của người Ấn mỗi dịp Tết Diwali.

Hoàng tử Bharata biết mình được phong vương thì vô cùng giận dữ trước việc làm sai trái của mẹ mình. Chàng tìm vào rừng sâu, cầu xin Rama trở về trị vì đất nước, nhưng Rama từ chối, quyết tâm thực hiện lời hứa thay cho phụ vương. Bharata đành quay về triều, nhưng chàng đặt lên ngai vàng đôi dép của Rama, còn chàng thì ngôi sang kế bên, chờ cho hết 14 năm để người anh trở về.

Nhưng vào năm cuối cùng, nàng Sita lại bị chúa quỷ Ravana bắt cóc về xứ Lanka (tức Sri Lanka ngày nay). Với sự giúp đỡ của vua khỉ Hanuman và vương quốc khỉ, Rama đã xây một chiếc cầu bằng đá nối sang đảo Lanka, và đánh bại chúa quỷ trong một cuộc chiến gian khổ.

Sau đó, Hoàng tử Rama và nàng Sita bắt đầu hành trình quay về cố hương, từ miền Nam ngược lên miền Bắc Ấn, kéo dài trong 20 ngày.

Vào đúng ngày tối nhất trong năm, Rama và Sita đã đặt chân về đến kinh thành Ayodhya. Ngày hôm đó được lấy làm làm ngày Tết Diwali. Dân chúng tưng bừng đón chào đức vua thực sự của mình, đèn được thắp sáng khắp nơi để soi lối cho vợ chồng Rama.

Hiện các nhà nhân chủng học cho rằng vua khỉ Hanuman và thần dân vương quốc khỉ thực ra là một tộc người ở miền Nam Ấn Độ, có nước da nâu đen, vóc người nhỏ nhưng quả cảm và tốt bụng.

Những nhà địa lý học thì nhận định chiếc cầu bằng đá xây lên để nối sang đảo Lanka thực ra là một chuỗi đảo nhỏ, giúp thúc đẩy giao thương và giao lưu văn hoá giữa tiểu lục địa Ấn Độ với Sri Lanka ngày xưa.

Còn vô số điều được khoa học hiện đại giải mã từ thiên sử thi liên quan đến Tết Diwali.

Rước may mắn dịp Tết

Tết Diwali
Các loại bột màu được dùng để vẽ các bức thảm rangoli rực rỡ.

Ngày diễn ra Tết Diwali, mọi thứ vắng lặng như ngày 30 Tết ở Việt Nam, mọi người quây quần ở nhà cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị đồ lễ dâng lên các vị thần.

Trước hiên nhà, người lớn bắt đầu vẽ những bức thảm rangoli cầu kỳ, rực rỡ từ bột màu, bột mì, gạo và cánh hoa, nhằm chào đón các vị phúc thần đến nhà cũng như gửi gắm nguyện ước một năm mới bình an, may mắn của gia chủ. Trẻ con thì ngồi xếp Mithai thành những ngọn núi nhỏ để tượng trưng cho những ngọn núi mà Hoàng tử Rama đã phải vượt qua.  

Những tàu lá chuối hoặc lá xoài, những loại cây biểu trưng cho phước lành trong dân gian Ấn, được buộc lên trước cửa nhà.

Các đĩa đèn diyas dần được thắp sáng. Dọc theo bờ tường, các bậu cửa sổ, ban công, lối dẫn vào mọi nhà là vô vàn những đĩa đèn dyas, đặt thẳng hàng, cách nhau chừng một gang tay. Cùng với màu xanh tươi đặc trưng của các ngôi nhà tại Jodhpur, tất cả tạo thành một khung cảnh lung linh trong đêm như có hàng ngàn vạn ngôi sao sa.

Đúng 8h30, thời khắc giao thừa đến, pháo bông, pháo hoa được bắn rợp trời, nhà nhà nô nức ra đường đón chào năm mới. Tại quảng trường thành phố, người ta tổ chức lễ đốt mô hình chúa quỷ Ravana và diễn lại các tích truyện về Hoàng tử Rama và nàng Sita. Người lớn bắt đầu đi lễ đền, trẻ con thì mặc những bộ đồ saree thật đẹp, chia thành từng tốp đến hát, chúc các nhà để được tặng Mithai và tiền lì xì.

Tôi cũng được gia đình anh Pavan tặng một khay Mithai “ngọt đến sún răng”.

Tết Diwali
 Bên cạnh các loại bột màu, nhiều loài hoa cũng được dùng để tạo nên các bức thảm rangoli.

Do thần chủ của Tết Diwali là nữ thần tài lộc Lakshmi, các cửa hàng mở cửa đến tận khuya coi như “mở hàng” để lấy lộc buôn bán cho cả năm mới. Tôi hỏi anh Pavan, với nghề giáo như anh thì có làm nghi thức gì để cầu thần linh phù hộ cho năm mới không?

Anh Pavan cười, có chứ, rồi chỉ tôi xem vòng hoa và đồ lễ đã được đặt trang trọng trước quyển sổ ghi chép mới. Anh Pavan giải thích, đã “khai bút” lên quyển sổ mới và xin thần linh phù hộ năm mới sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích để việc dạy học diễn ra thuận lợi.

Với tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, ngoài việc cúng các vị phúc thần, người Ấn thường cúng các đồ vật gắn bó với công việc hàng ngày của họ trong dịp Tết Diwali với mong muốn sự nghiệp trong năm mới sẽ phát triển hơn.

Đối với người Ấn, Tết Diwali không chỉ đơn thuần là dịp để nguyên ước tài lộc cho năm mới mà còn là dịp để mọi người cùng quây quần, rũ bỏ mọi hiềm khích, cùng nhau hòa vào niềm vui, đón nhận năm mới bình an hơn. Với việc thắp đèn trong dịp này, ánh sáng ấm áp từ các đĩa đèn dyas tượng trưng cho việc “ánh sáng chiến thắng bóng tối, cái thiện thắng cái ác, sự hiểu biết chiến thắng sự ngu muội” - những thứ luôn tìm cách kìm hãm và nhấn chìm con người, hướng con người đến hoà bình, an lạc, và hạnh phúc.

Duy Quang