Thẩm quyền của tòa án nhân dân trong tố tụng dân sự

Phan Thanh Dương (Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:
Theo quy định của Luật tổ chức tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có thể tiếp cận dưới 3 góc độ: Thẩm quyền loại việc, thẩm quyền theo cấp xét xử và thẩm quyền theo lãnh thổ. Bài viết bàn về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong Tố tụng dân sự.
Từ khóa: Thẩm quyền, tòa án nhân dân, tố tụng dân sự.

1. Đặt vấn đề

Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiệm vụ xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Để có cơ sở pháp lý cho Tòa án nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử về dân sự. Pháp luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định Tòa án nhân dân có quyền thụ lý và giải quyết những loại việc nhất định để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Đồng thời, khi giải quyết theo thẩm quyền Tòa án có quyền ra các quyết định giải quyết vụ việc đó. Các thẩm quyền trên hợp thành thẩm quyền dân sự của Tòa án khi thụ lý và giải quyết các vụ việc dân sự.
Thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án là quyền xem xét, giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án. Việc xác định một cách khoa học và hợp lý thẩm quyền dân sự của Tòa án tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa Tòa án với các cơ quan nhà nước giữa các Tòa án với nhau và xác định các điều kiện cần thiết bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
Trên thế giới, về cơ bản ở các nước theo hệ thống châu Âu lục địa và các nước theo hệ thống Anh - Mỹ đề cập vấn đề thẩm quyền của Tòa án là thẩm quyền của Tòa án theo loại việc và thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ. Tại Việt Nam, đặc thù về tổ chức hệ thống Tòa án nên, thẩm quyền dân sự của Tòa án được tiếp cận dưới 3 góc độ: thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc, thẩm quyền dân sự của Tòa án các cấp, thẩm quyền dân sự của Tòa án theo lãnh thổ.
Khi khởi kiện VADS thì các chủ thể phải thỏa mãn các điều kiện về khởi kiện và cụ thể hơn là điều kiện về thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, thực chất để đáp ứng điều kiện khởi kiện thì các chủ thể khi thực hiện việc khởi kiện phải xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo loại việc nhằm phân định thẩm quyền giữa Tòa án với các cơ quan tổ chức khác hay phân định giữa việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thông qua thủ tục tố tụng tại Tòa án với cơ chế giải quyết của cơ quan, tổ chức khác. Tuy nhiên, mục đích của các chủ thể khi khởi kiện VADS là để nhằm Tòa án thụ lý vụ án dẫn đến việc giải quyết VADS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ chứ không chỉ việc thực hiện quyền khởi kiện thông qua hoạt động nộp đơn khởi kiện. Việc thụ lý giải quyết VADS cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động khởi kiện VADS. Do đó, để đảm bảo việc khởi kiện đúng quy định của pháp luật, từ đó quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ thì các chủ thể khi khởi kiện cũng phải tuân thủ các quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp và theo lãnh thổ.
Khi tiếp nhận đơn khởi kiện thì thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án theo loại việc được quy định tại các điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS năm 2015 hay không hoặc trong trường hợp các điều luật này không liệt kê đầy đủ thì những vụ việc đó phải không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác. Nếu đã thuộc thẩm quyền của Tòa án thì phải đối chiếu với các Điều 35, 36, 37, 38 để xem xét vụ việc đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh hay TAND cấp huyện, vụ việc đó có thuộc thẩm quyền của Tòa án đã tiếp nhận đơn khởi kiện hay thuộc thẩm quyền của Tòa án cùng cấp khác (thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ). Trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì tùy trường hợp thẩm phán phải ra một trong các quyết định như trả lại đơn khởi kiện, chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án khác, chuyển vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền hay đình chỉ giải quyết vụ án khi Tòa án đã thụ lý nhưng không phát hiện vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

2. Thẩm quyền của Tòa án theo loại việc

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo loại việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục TTDS. Thẩm quyền về loại việc của Tòa án sẽ phân định với những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác.
BLTTDS năm 2015 được xây dựng dựa trên Hiến pháp năm 2013 và theo đó nguyên tắc quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được ghi nhận tại Điều 4 BLTTDS năm 2015. Đáng chú ý là sự bổ sung khoản 2 Điều luật này: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, đây có thể nói là sự thay đổi quan trọng nhất của BLTTDS năm 2015 so với BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận công lý của người dân được thực hiện. Chính vì vậy cách quy định của BLTTDS năm 2015 khác so với BLTTDS năm 2004 (BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011). Theo BLTTDS năm 2004 (BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011), Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khác về dân sự khác mà pháp luật có quy định ngoài các tranh chấp được BLTTDS quy định. Điều này có nghĩa Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp khác về dân sự nếu có một văn bản pháp khác đang có hiệu lực thi hành quy định vụ việc đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khác với điều này, các điều khoản quét cuối cùng của các Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS năm 2015 quy định “… trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”, điều này có nghĩa, Tòa án chỉ có quyền từ chối thụ ý giải quyết các tranh chấp dân sự khi pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác.
Ví dụ: Về việc xác định Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất. Trước đây khi Luật Đất đai năm 2013 chưa có hiệu lực thì tranh chấp quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết theo hướng dựa trên việc có hay không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết các tranh chấp về đất đai. Nói cách khác, nếu chủ thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ hợp lệ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2003 thì TA sẽ giải quyết theo thủ tục TTDS. Ngược lại, nếu chủ thể không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ hợp lệ không được khởi kiện yêu cầu TA giải quyết mà phải giải quyết ở UBND nơi có đất đang tranh chấp. Hiện nay, khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì đối với đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ hợp lệ; các đương sự có quyền lựa chọn TAND hoặc UBND là nơi giải quyết tranh chấp. Quy định như vậy có phần hợp lý hơn bởi có như vậy mới đảm bảo được quyền tiếp cận công lý của công dân.

3. Thẩm quyền của Tòa án theo cấp

Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 quy định về hệ thống tổ chức Tòa án thì TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các VADS. Do vậy, việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo cấp chỉnh là việc xác định xem đối với một VADS cụ thể TAND cấp huyện hay TAND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp được quy định tại Điều 35, 37 BLTTDS năm 2015 dựa trên tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án.
Theo đó, thẩm quyền của Tòa án cấp huyện hiện nay được quy định: (i) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật này; (ii) Tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật này; (iii) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 Bộ luật này; (iiii) Những tranh chấp trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy tác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 35 “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con,…”, trường hợp này xuất hiện yếu tố đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Thực chất, đây không phải vấn đề mới được đề cập đến trong BLTTDS năm 2015 mà khi xây dựng BLTTDS năm 2015 các nhà làm luật đã kế thừa quy định của khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP1 nhằm hoàn thiện quy định về các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Theo Điều 37 BLTTDS năm 2015, thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Có thể nhận thấy thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh được phân định rõ ràng, tránh tình trạng vượt cấp hay thụ lý nhầm. Các chủ thể khi khởi kiện cần nắm rõ những quy định này để xác định tranh chấp của mình là tranh chấp gì, thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp nào như vậy mới có thể gửi đơn khởi kiện đến đúng Tòa án đúng cấp có thẩm quyền giải quyết, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong việc đi kiện.

4. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của các bên đương sự

Về nguyên tắc việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ phải được tiến hành dựa trên cơ sở bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được nhanh chóng, đúng đắn, bảo đảm việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nhưng vẫn đảm bảo Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án thuận lợi nhất cho việc tham gia tố tụng của đương sự, là Tòa án có điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết vụ án. Về căn bản các quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ tại Điều 39 và Điều 40 BLTTDS năm 2015 đã kế thừa các quy định của BLTTDS trước đây.
Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt nhất định. Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những “tranh chấp về bất động sản”. Quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 thì theo hướng cụ thể hơn là “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Quy định này của BLTTDS năm 2015 dường như đã đi theo hướng giới hạn hơn thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản chỉ đối với trường hợp có đối tượng tranh chấp là bất động sản chứ không bao hàm cả trường hợp tranh chấp về quyền tài sản liên quan đến bất động sản.2 Quy định này thực chất được xây dựng trên quan niệm cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp. Xét về thực tế thì các hồ sơ, giấy tờ về bất động sản do cơ quan quản lý nơi có bất động sản nắm giữ, cơ quan này nắm vững thực trạng, nguồn gốc của bất động sản. Do vậy, Tòa án nơi có bất động sản là Tòa án có điều kiện thuận lợi hơn cả trong việc tiến hành các biện pháp xác minh, đảm bảo cho việc giải quyết vụ kiện sát với thực tế sự việc như xem xét, thẩm định tại chỗ (xác minh thực địa); tiến hành định giá tài sản; thu thập tài liệu từ cơ quan nhà đất… Hiện nay, BLTTDS năm 2015 chưa có một quy định có tính định nghĩa chính thức như thế nào là trường hợp “đối tượng tranh chấp là bất động sản” để khi vận dụng có thể bao quát và xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền đối với các tranh chấp dân sự.
Ngoài ra, điểm b Khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định: “Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn…”. Như vậy, quyền tự định đoạt của các đương sự đã được pháp luật đề cao, tôn trọng, theo đó nếu bị đơn đồng ý với nguyên đơn về việc giải quyết vụ án tại Tòa án nguyên đơn cư trú làm việc thì Tòa án đó không được từ chối thụ lý. Tuy nhiên, đối với tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là bất động sản thì các bên không được thỏa thuận mà vẫn là Tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Bên cạnh các quy định về xác định thẩm quyền như trên thì để đảm bảo thuận tiện cho nguyên đơn trong việc tham gia tố tụng, Điều 40 BLTTDS năm 2015 kế thừa và tiếp thu quy định của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã quy định một số trường hợp nhất định pháp luật cho phép nguyên đơn được lựa chọn một trong số các Tòa án có thẩm quyền giải quyết để yêu cầu giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, quy định này khác với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 ở chỗ nguyên đơn, người yêu cầu có thể lựa chọn Tòa án mà không cần sự đồng ý của bị đơn, người yêu cầu. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho chủ thể khởi kiện thực hiện việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho mình, trao cho họ sự chủ động trong việc lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp trong một số trường hợp nhất định như: Nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn; tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;…
Việc gửi đơn khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết là một yếu tố rất quan trọng để xem xét việc thụ lý vụ án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, nếu gửi đơn khởi kiện đến sai Tòa án có thẩm quyền xét xử theo cấp hay theo lãnh thổ thì sẽ phải chuyển đơn khởi kiện sang đúng Tòa án có thẩm quyền. Do đó, để tránh mất thời gian, công sức người khởi kiện phải hết sức chú ý đến vấn đề này để đảm bảo đơn khởi kiện của mình có thể được thụ lý nhanh chóng.

Tài liệu trích dẫn:

1Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS.
2Trần Anh Tuấn (2018), Tiêu chí xác định thẩm quyền dân sự của Tòa án theo lãnh thổ trong quy định của BLTTDS năm 2015, Kỷ yếu hội thảo: Những quy định chung của BLTTDS năm 2015, Hà Nội 6/2018, tr. 54-59.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTPTANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS.
2. Trần Anh Tuấn (2018), Tiêu chí xác định thẩm quyền dân sự của Tòa án theo lãnh thổ trong quy định của BLTTDS năm 2015, Kỷ yếu hội thảo: Những quy định chung của BLTTDS năm 2015, Hà Nội 6/2018, tr. 54-59.

 

THE JURISDICTION OF THE PEOPLE'S COURT UNDER THE CIVIL PROCEDURE

Phan Thanh Duong
Lecturer, Hanoi Law University

ABSTRACT:
Under provisions of the Law on Organization of the People's Courts in 2014 and the Civil Procedure Code in 2015, there are many important amendments and supplements related to the jurisdiction to resolve civil cases of the People's courts. The jurisdiction to resolve a civil case of the People's courts can be approached under three angles including the authority in accordance to the jurisdiction, the authority according to jurisdiction level and the territorial authority. This article discusses the jurisdiction of the People's Court under the Civil Procedure.
Keywords: Jurisdiction, People's Courts, civil proceedings.