Thẳng thắn “chỉ điểm” tồn tại về chính sách, Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí

Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí tiếp cận ưu đãi tín dụng và đất đai, tạo động lực đầu tư sản xuất và phát triển ngành cơ khí trong nước.

Cơ khí Việt Nam đứng trước cơ hội lớn trong chuỗi giá trị

Báo cáo về thực trạng công nghiệp cơ khí tại Hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam sáng 24/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, cơ khí chiếm hơn 36% tổng số mã ngành cấp 5 của công nghiệp chế biến, chế tạo.

Do đó, đây là ngành góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ khí chiếm hơn 36% tổng số mã ngành cấp 5 của công nghiệp chế biến, chế tạo
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ khí chiếm hơn 36% tổng số mã ngành cấp 5 của công nghiệp chế biến, chế tạo

Với vị trí địa lý thuận lợi, phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí, đặc biệt là công nghiệp chế tạo thông minh tại Việt Nam là một trong những định hướng ưu tiên được Đảng và Chính phủ xác định trong việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường nội địa ngày càng được mở rộng nhờ kinh tế trong nước năng động với tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu các sản phẩm cơ khí tăng nhanh.

Bên cạnh thị trường nội địa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) được ký kết tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí mới, có khả năng cạnh tranh như: ô tô, xe máy, tàu thuỷ, máy công cụ, phụ tùng máy móc thiết bị...

Nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào, trẻ với giá thành lao động phù hợp. Người lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn và tay nghề khéo léo phù hợp với đặc thù ngành cơ khí nếu được đào tạo bài bản.

Ngành cơ khí trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới trong bối cảnh hội nhập
Ngành cơ khí trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới trong bối cảnh hội nhập

Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp cơ khí đón đầu xu thế chuyển dịch đầu tư công nghiệp và chuỗi cung ứng trên thế giới hiện nay trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ.

Các ngành công nghiệp nội địa Trung Quốc có quy mô rất lớn và đang có xu hướng dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp, đồng thời di chuyển các công đoạn có giá trị gia tăng thấp hơn sang quốc gia khác. Vì vậy, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí. Cùng với đó là làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng nhanh.

Tại sao cơ khí trong nước chưa phát triển đúng tiềm năng?

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự hạn chế của ngành cơ khí là môi trường kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự ổn định, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nói chung và ngành cơ khí nói riêng.

Đặc biệt, sự hấp dẫn của các ngành kinh doanh dịch vụ đã làm giảm sức hút đầu tư cũng như nguồn lực và con người vào cơ khí chế tạo - ngành vốn đã có dung lượng thị trường từng loại sản phẩm khá nhỏ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng sự hấp dẫn của
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng sự hấp dẫn của các ngành dịch vụ đã làm giảm sức hút đầu tư và nguồn lực vào cơ khí chế tạo

Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cho rằng việc ban hành và triển khai các chính sách để triển khai, thực hiện chiến lược của Bộ Chính trị, Chương trình của Chính phủ về phát triển ngành cơ khí chậm và chưa hiệu quả. Vai trò quản lý, kiểm tra, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.

“Một trong những nguyên nhân cơ bản là chính sách không đồng bộ, không có chế tài buộc phải thực hiện. Quá trình triển khai chính sách còn nhiều hạn chế, thiếu sự nhất quán dẫn đến chưa phát huy tối đa hiệu quả các chủ trưởng của Đảng, Nhà nước và Chiến lược của Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhận định, cho biết nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi do cấp Trung ương đề ra chưa được các cấp địa phương thực hiện đúng, do vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận cơ chế, chính sách của nhà nước thông qua cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Trong đó, chính sách về tín dụng đầu tư cho ngành cơ khí không hiệu quả, cũng chưa có các chính sách hữu hiệu để bảo vệ, tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí nội địa phát triển, trong khi các chính sách hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế có tính khả thi thấp, và mang lại kết quả không cao.

Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QĐ-TT, các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ với mức lãi suất tín dụng 3%/năm, thời hạn vay 12 năm, 02 năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ vào năm thứ năm hoặc được bù chênh lệch lãi suất nếu các doanh nghiệp vay vốn thương mại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí không còn được hưởng chính sách ưu đãi này.

Trong khi đó, ngành cơ khí còn thiếu cơ sở dữ liệu thống nhất và đầy đủ, gây khó khăn cho việc tìm kiếm thông tin thị trường của các doanh nghiệp trong ngành.

“Còn thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, giữa các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để có thể triển khai các chương trình đào tạo lực lượng kỹ thuật lành nghề ngành cơ khí”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra.

Các doanh nghiệp cơ khí thuộc sở hữu nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty...) có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn tài chính, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm… nhưng sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, lãng phí và thất thoát nguồn lực của nhà nước trong đầu tư.

Trong khi các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế khác xuất phát điểm thấp, yếu kém nhưng đầu tư phát triển một cách chủ quan, tự phát và không theo định hướng, thiếu liên kết, thiếu hợp tác – đặc biệt là hợp tác giữa tổ chức tư vấn thiết kế và nhà chế tạo, giữa các doanh nghiệp chế tạo với nhau, dẫn đến tình trạng đầu tư chồng chéo, hiệu quả đầu tư kém, tạo ra các sản phẩm thiếu sự cạnh tranh và không có giá trị gia tăng cao so với sản phẩm ngoại nhập.

Bên cạnh hạn chế trong công tác nghiên cứu, Bộ Công Thương cho rằng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Đề xuất chính sách ưu tiên tín dụng và đất đai cho doanh nghiệp cơ khí

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước, Bộ Công Thương đề xuất hoàn thiện loạt chính sách liên quan đến ngành cơ khí.

Trong đó, đề xuất các quy định về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án lớn, đặc biệt dự án sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất và quy định các chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư không thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng cần hoàn thiện chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước triển khai phương án quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm kích cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất ô tô nội địa, cũng như

Đặc biệt, đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên về tín dụng cho phát triển cơ khí, với cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm vay vốn với mức lãi suất tín dụng 3%/năm, thời hạn vay 12 năm, 02 năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ vào năm thứ năm hoặc được bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách nhà nước nếu các doanh nghiệp vay vốn thương mại.

Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí về tín dụng và đất đai
Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí về tín dụng và đất đai

Theo Bộ Công Thương, cần có quy định ưu đãi về đất đai cho các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm tương tự như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ.

Trong đó, các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn được miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất và giảm 50% tiền thuê đất trong 07 năm tiếp theo.

Các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm khác được miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất và giảm 50% tiền thuê đất trong 05 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.

Cùng với đó, đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí thông qua các chính sách ưu đãi.

“Cần tập trung thu hút đầu tư vào các phân ngành cơ khí chế tạo cơ bản (tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu), cũng như thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo... của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho các ngành cơ khí”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cùng với các ý kiến đóng góp được đưa ra tại Hội nghị, Bộ Công Thương cho biết sẽ tổng hợp, sửa đổi để hoàn thiện cơ sở trình Chính phủ xây dựng và ban hành “Nghị quyết về phát triển ngành cơ khí Việt Nam” trong năm 2019.

Thy Thảo - Ảnh: Phạm Sơn