Thị trường dầu mỏ diễn biến trái chiều, lo ngại vaccine Covid-19 khó có thể đẩy lùi dịch bệnh

Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/11, giá dầu thô thế giới đã biến động trái chiều trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ bước vào đợt nghỉ lễ Tạ ơn và giới đầu tư gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung dầu thô cũng như lo ngại các vaccine Covid-19 mới được công bố khó có thể chấm dứt dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.
Giàn khoan dầu thô
Với việc dầu thô WTI đạt trên 45 USD/thùng và dầu thô Brent đạt trên 47 USD/thùng, giới quan sát nhận định giai đoạn tồi tệ nhất đối với thị trường dầu mỏ trước các tác động của đại dịch Covid-19 đã qua (Ảnh: Kataeb)

Cụ thể, vào lúc 8h04 sáng nay (ngày 27/11, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 69 cents tương ứng 1,5% xuống còn 45,02 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tương lai tăng 9 cents lên mức 47,89 USD/thùng. Tính từ đầu tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng 6% sau khi hãng dược phẩm AstraZeneca công bố vaccine Covid-19 do hãng này cố thể cho hiệu quả lên đến 90%. Đây là loại vaccine phòng ngừa Covid-19 thứ ba được công bố trên thế giới trong vòng 3 tuần trở lại đây. Các thông tin tích cực về vaccine Covid-19 đã củng cố kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, qua đó nâng cao triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào vaccine Covid-19 của giới đầu tư bắt đầu vấp phải hoài nghi sau khi một số nhà khoa học lên tiếng nghi ngờ về các kết quả thử nghiệm và chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 khó có thể được kiểm soát trên quy mô toàn cầu chỉ với 1 loại vaccine duy nhất.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho biết giới đầu tư trên thị trường đang có dấu hiệu chốt lời sau mạch tăng giá kéo dài của dầu thô. Ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao từ hãng chứng khoán OANDA, nhận định “Với việc dầu thô WTI đạt trên 45 USD/thùng và dầu thô Brent đạt trên 49 USD/thùng thì có lẽ giai đoạn tồi tệ nhất đối với thị trường dầu mỏ đã chấm dứt”.

Giới đầu tư hiện kỳ vọng liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 7,7 triệu thùng/ngày cho đến ít nhất tháng 4/2021. Trước đó, liên minh OPEC+ dự kiến sẽ hạ mức cắt giảm sản lượng khai thác xuống còn 5,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2021, đồng nghĩa với việc nâng sản lượng khai thác lên thêm 2% tổng mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu.

Tuy nhiên, việc sản lượng khai thác dầu thô của Libya gia tăng nhanh trong thời gian gần đây đang khiến thị trường lo ngại tình trạng dư cung dầu thô toàn cầu có thể trở nên nghiêm trọng hơn với việc liên minh OPEC+ gia tăng sản lượng khai thác trở lại. Đại dịch Covid-19 hiện vẫn chưa được kiểm soát tốt và nhiều khu vực trên thế giới vẫn áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn chăn sự lây lan của đại dịch.

Các chuyên gia y tế hiện cảnh báo Lễ Tạ ơn tại Hoa Kỳ có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm dịch bệnh trong bối cảnh có khoảng 6 triệu người dân nước này du lịch nghỉ lễ bằng đường hàng không bất chấp cảnh báo yêu cầu ở nhà của Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Hoa Kỳ hiện là một trong những điểm nóng đại dịch Covid-19 trên thế giới với số ca tử vong lên tới 2.000 ca/ngày, tương đương cứ 40 giây lại có một người Mỹ chết vì dịch Covid-19.

Quang Đặng (Theo Reuters)