Thời kỳ thí điểm cơ chế “mua cao, bán cao” thay cho “mua cung, bán cấp”

Từ năm 1979 trở đi, chúng ta đã sửa lại hệ thống phân phối trong hệ thống hợp tác xã nông nghiệp, bỏ phân phối theo định suất, định lượng. Đồng thời, gắn kế hoạch hóa với thị trường, kết hợp 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể, cá nhân người lao động và thực hiện thí điểm cơ chế: “mua cao, bán cao” thay cho “mua cung, bán cấp”.
công nghiệp hoá
Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim Nguyễn Văn Kha cùng Đại sứ Liên Xô Saplin thăm nơi sản xuất trong Nhà máy Diesel Sông Công tại lễ bàn giao đợt 1 nhà máy, ngày 4/11/1985. Nhà máy do Liên Xô giúp ta xây dựng là trung tâm chế tạo động cơ lớn nhất Việt Nam bấy giờ, mỗi năm sản xuất 2000 động cơ 55 mã lực và 255 tấn phụ tùng (Ảnh: TTXVN)

 

Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước cùng dựng xây, đi lên chủ nghĩa xã hội. Song những vết thương chiến tranh vẫn còn đó.

Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", công cuộc khắc phục hậu quả sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề. Chưa hết, sau khi kết thúc chiến tranh, Tổng thống Mỹ Gerald R. Ford tháng 5/1975 áp đặt cấm vận thương mại với Việt Nam, ngăn cản việc trao đổi kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam, giữ lại các tài khoản liên quan đến Việt Nam. Lệnh cấm vận kéo dài đến tận năm 1994. Cùng thời gian này, cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam nổ ra từ ngày 01/5/1975 với việc chính quyền Pol Pot cho quân tiến đánh nhiều vùng thuộc lãnh thổ nước ta, từ Hà Tiên đến Tây Ninh; rồi tàn quân Fulro ngóc đầu dậy tại một số tỉnh Tây Nguyên. Đến tháng 02/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc bắt đầu, và kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Đây là thời điểm đất nước gặp muôn vàn khó khăn cả về khôi phục kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ tổ quốc, miền Nam không còn viện trợ của các nước tư bản; ở miền Bắc, nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũng cắt giảm viện trợ, đặc biệt những mặt hàng vô cùng cần thiết đối với một nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh như lương thực, sắt thép, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… Khi còn chiến tranh, mỗi miền nhận được khoảng 1 tỷ USD và Rúp viện trợ mỗi năm. Hội nghị Trung ương 6, tháng 8/1979 nhìn nhận tình hình sau năm 1975 như sau: “Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình là một sự đảo lộn lớn về kinh tế, xã hội trong cả nước. Hơn 2 tỷ đôla viện trợ hàng năm không còn nữa”.

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1976 đã xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối phát triển công nghiệp nước ta trong giai đoạn mới: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu công - nông nghiệp; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, kết hợp kinh tế với quốc phòng”.

Tuy nhiên, đến cuối thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ II những năm 1979 - 1980, sản xuất công nghiệp lâm vào trì trệ, suy thoái. Trong khi số cơ sở và lao động công nghiệp liên tục tăng thì giá trị sản lượng công nghiệp chững lại. Từ giữa năm 1979 trở đi, những khó khăn gay gắt do sản xuất tăng chậm mà nhu cầu nhiều mặt lại tăng nhanh khiến cho tình trạng mất cân đối kéo dài trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống của nhân dân.

Hội nghị trung ương 6 khóa IV năm 1979 đã chỉ ra những sai lầm trong lãnh đạo kinh tế, chủ yếu là do “Việc xây dựng kế hoạch kinh tế vẫn tập trung quan liêu, thiếu căn cứ thực tế và khoa học, chưa kết hợp chặt chẽ kế hoạch hóa với sử dụng thị trường… Có những biểu hiện nóng vội, giản đơn trong cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam”.

Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982) tiếp tục phát triển đường lối của Đại hội IV, đã xác định nội dung chủ yếu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt là: “Tập trung sức phát triển công nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý”.

Điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa giai đoạn 1981 - 1985 là, trong khi tiếp tục khẳng định “nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”, đã có sự điều chỉnh mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, theo hướng coi trọng sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng hơn trước đó. Nếu giai đoạn 1975 - 1980, kết cấu kinh tế được xác định là: “kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu công - nông nghiệp”, thì giai đoạn 1981 - 1985 chuyển thành: “kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý”.

Trong cải tạo công thương nghiệp, tiếp tục nhấn mạnh đến quốc hữu hóa nhưng đã chú ý hơn tới các hình thức và bước đi thích hợp. Về chính sách thương mại, từ năm 1979 trở đi, đã sửa lại hệ thống phân phối trong hệ thống hợp tác xã nông nghiệp, bỏ phân phối theo định suất, định lượng để khuyến khích tính tích cực của người lao động. Đồng thời, gắn kế hoạch hóa với thị trường, kết hợp 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể, cá nhân người lao động và thực hiện thí điểm cơ chế: “mua cao, bán cao” thay cho “mua cung, bán cấp”; bù giá vào lương. Đến cuối giai đoạn, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6/1985) đánh dấu bước đột phá bằng cách thực hiện cơ chế một giá; xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp.

Đào Mạnh Đức