Thông tin kế toán quản trị và kiến thức hoạch định chiến lược với vai trò nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh

ThS. TRẦN THỊ TRINH (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) TS. NGUYỄN PHONG NGUYÊN (Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong nghiên cứu này, tác giả đưa ra những khái niệm liên quan đến sự hài lòng của các nhà quản trị về thông tin kế toán quản trị, mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị và sự hiểu biết của nhà quản trị về kế hoạch chiến lược; đồng thời biện dẫn và đề xuất một mô hình điều tiết - trung gian với các giả thuyết thể hiện vai trò của sự tương tác giữa kế toán quản trị và kế hoạch chiến lược trong việc nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, kết quả kiểm định mô hình và các giả thuyết ở các nghiên trong tương lai sẽ đem lại những hàm ý quản trị cho các nhà quản lý nhằm gia tăng sự hài lòng của các nhà quản trị về hệ thống kế toán quản trị trong doanh nghiệp, nâng cao sự hiểu biết của họ về kế hoạch chiến lược, từ đó tăng cường mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị để nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh (KQHĐKD) cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ khóa: Thông tin kế toán quản trị, kế hoạch chiến lược, kết quả hoạt động kinh doanh.

1. Tổng quan về thông tin kế toán quản trị và hoạch định chiến lược

Việc sử dụng hệ thống thông tin kế toán quản trị (MAS) đã và đang phát triển qua nhiều năm từ việc tập trung vào cung cấp thông tin cho hệ thống kiểm soát và phản hồi chính thức đến việc áp dụng tính linh hoạt cũng như hỗ trợ sự đổi mới, sáng tạo và học hỏi trong tổ chức (Henri, 2006). Ngày nay, thách thức đối với các nhà quản trị là đáp ứng nhu cầu thông tin của các bộ phận và điều phối công việc giữa các tiểu đơn vị chức năng có tính phụ thuộc lẫn nhau cao. Chính vì vậy, việc sử dụng MAS đóng một vai trò quan trọng trong tình huống này, chúng được thiết kế để cung cấp thông tin một cách tinh vi hơn để không những tạo điều kiện cho việc ra quyết định trong các phòng ban mà còn tạo điều kiện phối hợp giữa các bộ phận chức năng. Trong khi có một lượng lớn nghiên cứu ủng hộ cho vai trò quan trọng của MAS (Nguyên & Trinh, 2018; Young, Atkinson, & Kaplan, 1998), nhưng lại khá ít nghiên cứu kiểm tra xem làm thế nào hay trong tình huống nào MAS có thể thực hiện được các vai trò hoặc mục đích này.

Để phân biệt các sản phẩm và dịch vụ từ các đối thủ cạnh tranh, một số lượng lớn các doanh nghiệp lớn và nhỏ đang theo đuổi các chiến lược phản ứng nhanh với khách hàng (Gilmore & Pine, 1997). Việc theo đuổi những chiến lược này đưa ra rất nhiều thử thách cho các nhà quản trị, đặc biệt là trong việc thiết kế hệ thống thông tin và cấu trúc tổ chức phù hợp để đáp ứng sự hài lòng về nhu cầu thông tin của các nhà ra quyết định. Theo lý thuyết dự phòng, việc thiết kế MAS đã và đang được miêu tả theo nhiều cách khác nhau (Chenhall, 2003), trong đó cách tiếp cận phổ biến nhất của Chenhall và Morris (1986) đã thể hiện sự hữu ích của các phương diện khác nhau của MAS có thể giúp những người thiết kế hệ thống phát triển MAS, từ đó hỗ trợ các nhà quản lý đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.

Có thể nhận thấy, MAS đang ngày càng khẳng định vai trò của mình và việc thiết kế một hệ thống thông tin có những đặc điểm phù hợp, đáp ứng sự hài lòng người sử dụng, thỏa mãn nhu cầu thông tin để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định chiến lược là rất cần thiết. Cũng dựa trên cách tiếp cận của lý thuyết dự phòng, có thể lập luận rằng nghiên cứu về thiết kế MAS sẽ phù hợp trong những mô hình, môi trường mới có thể được phát triển bằng cách xem xét sự phù hợp giữa MAS, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận chức năng và cơ cấu tổ chức (Gerdin, 2005). Xuất phát từ những thực tế này, nghiên cứu này đề xuất một mô hình điều tiết - trung gian, thể hiện quan hệ giữa sự hài lòng đối với việc thiết kế các đặc điểm của MAS và mức độ sử dụng MAS trong quá trình ra quyết định chiến lược của các nhà quản trị.

Trước tiên, nếu như các đặc điểm của MAS được thiết kế một cách phù hợp để nâng cao giá trị cũng như độ chính xác của các thông tin được sử dụng khi các nhà quản trị ra quyết định thì ở mức độ tiếp theo, nếu như các nhà quản trị hiểu rõ hơn về kế hoạch chiến lược đang được thực hiện trong doanh nghiệp thì chính họ sẽ có một cái nhìn sâu rộng hơn và qua đó có thể hỗ trợ ngược lại trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho việc thiết kế MAS để đáp ứng đúng sự mong muốn về nhu cầu thông tin của mình. Vì chính họ nắm được bản chất của những thông tin mà mình đang cần để khơi gợi cho các nhà thiết kế MAS.

Ind (2003) cho rằng, chính những nhân viên trong doanh nghiệp thông qua sự hiểu biết của mình về hoạt động của doanh nghiệp, là những người thực sự xây dựng hình ảnh của tổ chức trong tâm trí của khách hàng và các nhà đầu tư. Tương tự như vậy, chính các nhà quản trị trong tổ chức khi nắm rõ bản chất và cách thức hoạt động của các chiến lược sẽ quay trở lại hỗ trợ thiết kế MAS phù hợp để tăng cường mức độ sử dụng MAS. Adamson, Pine, Van Steenhoven và Kroupa (2006) đã đưa ra một giả định rằng, các nhân viên trong ban điều hành nên nắm được những thông tin cơ bản và bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp để hiểu những thay đổi lớn trong định hướng chiến lược. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người quản lý nắm nhiều thông tin hơn thú nhận rằng họ không hoàn toàn hiểu đầy đủ ý nghĩa của nó. Như vậy, đối với các nhân viên nắm được định hướng chiến lược sẽ biết những thông tin nào là hữu ích, những thông tin nào là thực sự cần thiết của MAS.

Từ đánh giá tổng quan các nghiên cứu có liên quan, tác giả nhận định và đề xuất một mô hình thể hiện mối quan hệ giữa các biến: sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị; sự hiểu biết của các cấp quản trị về kế hoạch chiến lược; mức độ sử dụng hệ thống MAS có thể được kiểm định và vận dụng trong thị trường Việt Nam. Qua đó, có thể giúp trả lời được các câu hỏi nghiên cứu sau: Thứ nhất, sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị có tác động như thế nào đến mức độ sử dụng MAS? Thứ hai, sự hiểu biết về kế hoạch chiến lược của các nhà quản trị có vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị và mức độ sử dụng MAS trong quá trình ra quyết định chiến lược; Thứ ba, mức độ sử dụng MAS tác động như thế nào đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp?

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

2.1. Sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị và mức độ sử dụng MAS

Sử dụng hệ thống thông tin KTQT trong quá trình ra quyết định chiến lược đã trở thành một yếu tố không thể thiếu để các doanh nghiệp đạt được kết quả cuối cùng như mong muốn. Chenhall (2003) đã nghiên cứu về thiết kế hệ thống kiểm soát quản lý (MCS) trong bối cảnh hoạt động của tổ chức. Có nhiều nhà nghiên cứu đã và đang nỗ lực để kiểm tra tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát quản lý bằng cách kiểm tra những hệ thống được thiết kế phù hợp nhất với bản chất của môi trường hoạt động, công nghệ, quy mô cấu trúc, chiến lược và văn hóa quốc gia. Như vậy, để MCS thực hiện được chức năng của nó một cách tốt nhất, các nhà thiết kế phải làm cho nó phù hợp với các yếu tố thuộc về tổ chức.

Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào kiểm tra tác động trực tiếp của việc thiết kế phù hợp các đặc điểm thông tin của MAS đến mức độ sử dụng MAS, nhưng ta có thể thấy giữa chúng sẽ có tác động tích cực. Cụ thể, các nhà quản trị trong quá trình ra quyết định chiến lược sẽ phải sử dụng thông tin của MAS. Nếu như các thông tin này được thiết kế phù hợp với cấu trúc của tổ chức, với yêu cầu mà các nhà quản trị mong muốn hay thỏa mãn chất lượng thông tin của các nhà chiến lược khi ra quyết định thì nó sẽ tăng tính hữu dụng và việc các nhà ra quyết định sử dụng các thông tin này là không thể tránh khỏi.

Galbraith (1973) lập luận rằng, một trong những lựa chọn của tổ chức khi các nhà quản trị không hài lòng với nội dung và chất lượng thông tin là tăng khả năng xử lý thông tin của những người ra quyết định thông qua việc giới thiệu hệ thống thông tin tinh vi hơn, để các nhà quản trị hiểu rõ hơn về quan hệ giữa các thông tin đầu ra và đầu vào và giảm sự không chắc chắn liên quan đến tính khả thi để nhận được các mục tiêu tối ưu của doanh nghiệp.

Bouwens và Abernethy (2000) cũng đã nhận định theo cách này, họ cho rằng các MAS tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Mỗi phương diện của MAS sẽ làm giảm khoảng cách thiếu hụt thông tin và hỗ trợ cho việc giải quyết các mục tiêu đối chọi nhau. Phạm vi rộng của thông tin cung cấp cho các nhà quản lý một loạt các giải pháp để xem xét, giải quyết vấn đề. Điều này cũng cho phép họ hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa thông tin đầu vào và đầu ra (Parthasarthy & Sethi, 1993).

Thông tin tích hợp làm giảm sự không chắc chắn liên quan đến mối quan hệ nhân - quả trong các phòng ban. Bởi vì nó động viên, khích lệ sự học hỏi và tạo ra các ý tưởng, nó cho phép các quản lý bộ phận học hỏi cách điều chỉnh sản phẩm và phương pháp sản xuất để tương thích với các bộ phận khác, nó cũng cho phép các nhà quản lý hiểu rõ hơn về mục tiêu khác nhau tồn tại trong các bộ phận riêng biệt (Young và cộng sự, 1998).

Thông tin tổng hợp cho phép các nhà quản trị xem xét nhiều lựa chọn thay thế và phát triển sự hiểu biết về mối quan hệ đầu vào và đầu ra ở các phòng ban nên sẽ làm tăng các giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề trong quá trình ra quyết định. Thông tin kịp thời cũng có khả năng giảm tính không chắc chắn, cho phép các nhà quản lý liên tục điều chỉnh các hoạt động của họ để đáp ứng với những thay đổi đòi hỏi được yêu cầu, bởi sự tùy chỉnh cũng như những thay đổi xuất hiện trong các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau. Một vài nghiên cứu trong kế toán chỉ ra rằng, hiệu quả của hệ thống thông tin kế toán quản trị phụ thuộc vào chất lượng đầu ra của hệ thống thông tin có thể đáp ứng nhu cầu của người dùng (DeLone & McLean, 1992; Kim, 1989).

Hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin kế toán quản trị cũng phụ thuộc vào nhận thức của người ra quyết định về tính hữu ích của thông tin do hệ thống tạo ra để thõa mãn nhu cầu thông tin của các nhà quản trị cho quy trình hoạt động, báo cáo quản trị, lập ngân sách và kiểm soát trong tổ chức (Sajady, Dastgir, & Nejad, 2012).

Như vậy, ra quyết định chiến lược là một nhiệm vụ hay công việc không thể lập trình được vì các trường hợp ngoại lệ liên tục xảy ra, đòi hỏi các quyết định thường xuyên hơn. Tình huống này tạo ra nhu cầu cập nhật thông tin thường xuyên hơn, cụ thể hơn là các nhà thiết kế xây dựng được một MAS có các đặc điểm phù hợp để điều chỉnh hay đưa ra những thông tin chất lượng đáp ứng sự hài lòng cho người sử dụng trong các tình huống thường xuyên và ngoài vòng kiểm soát. Từ những nghiên cứu và nhận định trên, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: Sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị có tác động dương tới việc sử dụng hệ thống thông tin kế toán quản trị trong quá trình ra quyết định chiến lược.

2.2. Vai trò của sự hiểu biết về kế hoạch chiến lược trong mối quan hệ giữa sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị và MAS

Kim (1989) đã lập luận rằng, việc sử dụng hệ thống thông tin kế toán quản trị là dựa vào nhận thức về chất lượng thông tin của người dùng như độ tin cậy, hình thức của các báo cáo, tính kịp thời và phù hợp với quy trình ra quyết định chiến lược. Thông tin kế toán quản trị được phân loại thành 2 nhóm: (1) thông tin ảnh hưởng đến việc ra quyết định, được sử dụng chủ yếu cho mục đích kiểm soát tổ chức; và (2) thông tin hỗ trợ cho quá trình ra quyết định chiến lược, hầu hết được sử dụng cho phối hợp của tổ chức (Kren, 1992).

Do đó, các nhà quản trị cần nắm rõ được bản chất của thông tin mà mình cần sử dụng để tư vấn cho các nhà thiết kế MAS để làm cho thông tin thỏa mãn nhu cầu. Doll và Torkzadeh (1988) nghiên cứu sự hài lòng của người sử dụng thông tin đã dùng một số khái niệm để đo lường hiệu quả của hệ thống thông tin kế toán: nội dung thông tin, độ chính xác, dễ sử dụng và tính kịp thời. Huber (1990) cũng cho rằng, việc tích hợp của các hệ thống thông tin kế toán dẫn đến sự phối hợp trong tổ chức, giữa bộ phận thiết kế MAS và các nhà quản trị ra quyết định để làm tăng chất lượng của các quyết định.

Vậy nên, để hệ thống thông tin quản trị hoạt động như một thành viên trong nhóm hiệu quả, kiến thức về các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là một yêu cầu cơ bản. Điều này đã được nhấn mạnh nhiều lần bởi cả người quản lý sản xuất và bán hàng. Các kế toán giỏi cần phải cố gắng tìm hiểu và liên quan nhiều hơn tới các chiến lược của doanh nghiệp thay vì chỉ nắm các số liệu (Pierce & O'Dea, 2003). Các tác giả này cũng đã so sánh các câu trả lời cho cùng một câu hỏi cho các nhà quản trị về phạm vi và chất lượng thông tin để phân tích dữ liệu định lượng và định tính, để hiểu rõ hơn về nhu cầu thông tin của các nhà quản lý cấp cao và thăm dò những thay đổi mong muốn trong thông tin và vai trò trong tương lai của MAS. Wooldridge và Floyd (1990) nhận định sự tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược có liên quan đến hiệu quả hoạt động của tổ chức được cải thiện, nó định nghĩa sự tham gia này như là sự hiểu biết về chiến lược và tăng cao sự cam kết của các nhà quản trị cấp trung.

Vậy, khi các nhà quản trị nắm rõ và am hiểu về các kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp, họ sẽ là những trợ thủ đắc lực để tham vấn và hoàn thiện trong việc thiết kế hay điều chỉnh thông tin MAS có nội dung như yêu cầu mà họ mong muốn, từ đó nâng cao mức độ sử dụng MAS khi ra quyết định. Từ những biện luận này, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết sau:

H2: Sự hiểu biết về kế hoạch chiến lược của các nhà quản trị có vai trò điều tiết dương tới mối quan hệ giữa sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị và mức độ sử dụng MAS.

2.3. Sử dụng MAS và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Hệ thống thông tin kế toán quản trị đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong quá trình ra quyết định chiến lược ở tất cả các loại hình doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Sajady và cộng sự (2012) cho rằng, hệ thống thông tin kế toán quản trị sẽ cải thiện quá trình ra quyết định của người quản lý, kiểm soát nội bộ, chất lượng của các báo cáo tài chính và hỗ trợ cho quá trình giao dịch của doanh nghiệp.

Abernethy và Brownell (1999) cho rằng, hiệu quả hoạt động của tổ chức là cao nhất khi các nhà quản trị kết nối với các mức độ của việc thay đổi kế hoạch chiến lược với sử dụng MAS. Trong khi đó, Agbejule (2011) cho thấy, hiệu quả hoạt động của tổ chức được nâng cao bằng sự tương tác giữa văn hóa tổ chức và sử dụng đồng thời MAS. (N. P Nguyên & Trinh, 2018) trong nghiên cứu của mình thực hiện tại môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã kết luận MAS đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhà quản trị, hỗ trợ các nhà quản trị ra các quyết định chiến lược một cách chính xác, hiệu quả trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu (Nguyễn Phong Nguyên & Quế, 2016) được thực hiện tại Việt Nam cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của MAS trong sự thành công của doanh nghiệp. Như vậy, từ các kết luận của các nghiên cứu trước đây, nhóm tác giả muốn một lần nữa khẳng định vai trò của MAS tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khi có sự xuất hiện của các biến mới trong mô hình nghiên cứu được đề xuất.

H3: Mức độ sử dụng MAS có tác động dương tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

3. Kết luận

Nghiên cứu này nhằm gợi ý cho các nghiên cứu kiểm định tiếp theo để kiểm định sự phù hợp của mô hình và các giả thuyết trong bối cảnh ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra hàm ý cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tăng cường xây dựng và vận dụng một hệ thống thông tin kế toán quản trị bài bản và khoa học thông qua việc tăng cường sự hài lòng của các nhà quản trị (những người sử dụng thông tin) về MAS cũng như mức độ hiểu biết của họ về kế hoạch chiến lược, để từ đó có thể tích hợp với MAS nhằm đem lại cho doanh nghiệp những lợi thế cạnh tranh.

Mô hình đề xuất của tác giả sẽ bổ sung vào sự hiểu biết còn đang hạn chế của chúng ta đến các yếu tố sự hài lòng về thông tin kế toán quản trị và sự hiểu biết về kế hoạch chiến lược của các nhà quản trị tới việc sử dụng MAS có tác động đến kết quả cuối cùng mà doanh nghiệp mong muốn. Kết quả nghiên cứu từ việc kiểm định mô hình cũng có thể đưa ra được một cái nhìn đúng đắn về sự cần thiết phải thiết kế được một MAS có những đặc điểm phù hợp để thỏa mãn nhu cầu thông tin của các nhà ra quyết định, cũng như vai trò của các nhà quản trị am hiểu chiến lược. Nghiên cứu cũng mang hàm ý quản lý đặc biệt quan trọng đối với những doanh nghiệp đã, đang và sẽ thiết kế một MAS phù hợp, cũng như sẽ tạo các điều kiện nhất có thể để các nhà quản trị khi ra các quyết định có thể tiếp cận được tất cả thông tin cần thiết trong quá trình ra quyết định chiến lược.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abernethy, M. A., & Brownell, P. (1999). The role of budgets in organizations facing strategic change: an exploratory study. Accounting, Organizations and Society, 24(3), 189-204.
  2. Adamson, G., Pine, J., Van Steenhoven, T., & Kroupa, J. (2006). How storytelling can drive strategic change. Strategy & Leadership, 34(1), 36-41.
  3. Agbejule, A. (2011). Organizational culture and performance: the role of management accounting system. Journal of Applied Accounting Research, 12(1), 74-89.
  4. Bouwens, J., & Abernethy, M. A. (2000). The consequences of customization on management accounting system design. Accounting, Organizations and Society, 25(3), 221-241.
  5. Chenhall, R. H. (2003). Management control systems design within its organizational context: findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, Organizations and Society, 28(2-3), 127-168.
  6. Chenhall, R. H., & Morris, D. (1986). The impact of structure, environment, and interdependence on the perceived usefulness of management accounting systems. Accounting Review, 16-35.
  7. DeLone, W. H., & McLean, E. R. (1992). Information systems success: The quest for the dependent variable. Information Systems Research, 3(1), 60-95.
  8. Doll, W. J., & Torkzadeh, G. (1988). The measurement of end-user computing satisfaction. MIS Quarterly, 259-274.
  9. Galbraith, J. (1973). 1973 Designing complex organizations Reading, Mass.: Addison-Wesley.
  10. Gerdin, J. (2005). Management accounting system design in manufacturing departments: an empirical investigation using a multiple contingencies approach. Accounting, Organizations and Society, 30(2), 99-126.
  11. Gilmore, J. H., & Pine, B. J. (1997). The four faces of mass customization. Harvard Business Review, 75(1), 91-102.
  12. Henri, J.-F. (2006). Organizational culture and performance measurement systems. Accounting, Organizations and Society, 31(1), 77-103.
  13. Huber, G. P. (1990). A theory of the effects of advanced information technologies on organizational design, intelligence, and decision making. Academy of Management Review, 15(1), 47-71.
  14. Ind, N. (2003). Inside out: How employees build value. Journal of Brand Management, 10(6), 393-402.
  15. Kim, K. K. (1989). User satisfaction: A synthesis of three different perspectives. Journal of Information Systems, 4(1), 1-12.
  16. Kren, L. (1992). Budgetary participation and managerial performance: The impact of information and environmental volatility. Accounting Review, 511-526.
  17. Nguyên, N. P., & Quế, Đ. N. (2016). Tác động của định hướng thị trường và áp lực cạnh tranh đến mức độ sử dụng thông tin kế toán quản trị nhằm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế (JED, Vol. 27 (11)), 98-123.
  18. Nguyên, N. P., & Trinh, T. T. (2018). Vai trò của kế toán quản trị trong việc nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Công Thương, 10, 356-362.
  19. Parthasarthy, R., & Sethi, S. P. (1993). Relating strategy and structure to flexible automation: A test of fit and performance implications. Strategic Management Journal, 14(7), 529-549.
  20. Pierce, B., & O'Dea, T. (2003). Management accounting information and the needs of managers: Perceptions of managers and accountants compared. British Accounting Review, 35(3), 257-290.
  21. Sajady, H., Dastgir, M., & Nejad, H. H. (2012). Evaluation of the effectiveness of accounting information systems. International Journal of Information Science and Management (IJISM), 6(2), 49-59.
  22. Wooldridge, B., & Floyd, S. W. (1990). The strategy process, middle management involvement, and organizational performance. Strategic Management Journal, 11(3), 231-241.
  23. Young, S. M., Atkinson, A., & Kaplan, R. (1998). Management Accounting: Prentice-Hall, New Jersey.

 The role of management accounting information and strategic planning knowledge in enhancing business performance of enterprises

MA. TRAN THI TRINH

Faculty of Economics, Nong Lam University, Ho Chi Minh City

Dr. NGUYEN PHONG NGUYEN

Department of Research Administration - International Relations, University of Economics Ho Chi Minh City

 ABSTRACT:

This study discusses the concepts related to managers' satisfaction with the management accounting information, the extent to which management accounting information is used, and the managerial knowledge on strategic planning. Moreover, this study theorizes and proposes a mediated moderation model and corresponding hypotheses in explaining the interaction effect of the management accounting information and managerial strategic planning knowledge on the performance of enterprises. The results of the tested models and hypotheses in future studies may bring management implications to businesses in Vietnam while they are working towards enhancing their managers' satisfaction with the accounting management information, promoting managerial strategic planning knowledge and improving business performance.

Keywords: Management accounting information, strategic plans, business performance.