PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết tình hình phát triển năng lượng xanh của Việt Nam và hiện tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì trong quá trình phát triển năng lượng xanh?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Phát triển năng lượng xanh là định hướng lớn của Việt Nam, do vậy, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế nhằm phát triển năng lượng xanh, cụ thể là phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và thủy triều.
Cho đến hiện nay, nếu tính cả công suất của các nhà máy thủy điện thì năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 40% trong tổng công suất hệ thống điện của nước ta.
Tuy nhiên nếu loại trừ ra các nhà máy thủy điện lớn, chỉ tính các nhà máy thủy điện nhỏ có công suất dưới 30MW thì rõ ràng năng lượng tái tạo nước ta vẫn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể.
Với sự hấp dẫn của những cơ chế chính sách trong thời gian vừa qua như Chính phủ đã ban hành, như các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời thì rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm và trên thực tế đầu tư vào rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời của chúng ta.
Đến nay, trong hệ thống điện của chúng ta với tổng công suất gần 50.000MW thì có khoảng 4.000MW các nhà máy thủy điện nhỏ, dự kiến đến cuối năm nay chúng ta sẽ có khoảng 1.000MW công suất các nhà máy điện mặt trời sẽ đưa vào vận hành và khoảng hơn 1.000MW điện gió sẽ được đưa vào vận hành vào cuối năm nay.
Tôi cho rằng đó là những kết quả đáng khích lệ trong việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
PV: Việt Nam là một quốc gia biển, với hơn 3.600km đường bờ biển. Vậy theo Thứ trưởng, với tiềm năng về phát triển điện thủy triều, điện sóng biển như vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ có những kế hoạch như thế nào để phát triển các nguồn năng lượng xanh đó?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Năng lượng từ sóng biển là một dạng năng lượng rất có tiềm năng. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, sử dụng năng lượng từ thủy triều, từ sóng biển trên thế giới còn rất hạn chế.
Dù vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ thì trong thời gian tới, nguồn năng lượng có thể nói là rất lớn này sẽ có thể thay thế và đưa vào phục vụ cho mục đích của con người.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua chúng tôi cũng đã nhận được một số đề xuất của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhưng hầu hết các đề xuất này mới chỉ tập trung vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để khai thác năng lượng sóng, năng lượng thủy triều phục vụ cho việc phát điện.
Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, còn các dự án đầu tư thực tế thì đến nay chúng ta vẫn chưa nhận được các đề xuất cụ thể từ phía các nhà đầu tư.
Nhưng chúng tôi cho rằng, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong thời gian tới thì đây cũng là một dạng năng lượng có tiềm năng rất lớn mà chúng ta cần phải quan tâm, nghiên cứu và khai thác nhiều hơn nữa.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, những kinh nghiệm mà Bộ Công Thương đã có thông qua triển khai một số dự án năng lượng tái tạo hợp tác với GIZ sẽ giúp gì cho dự án mới đây Bộ Công Thương phối hợp với JETRO và METI?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: (Liên quan tới dự án hợp tác với Nhật Bản) Hội thảo Đối tác công tư Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức cuối tháng 2 tại Hà Nội đã tập trung vào các công nghệ của năng lượng sạch, cụ thể là làm thế nào để phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững, có hiệu quả, hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của nó; làm thế nào để chúng ta áp dụng các loại công nghệ vào sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn;…
Đồng thời, nhằm phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với WB, ADB, Nhật Bản, EU và nhiều nước khác để làm sao trong thời gian tới chúng ta thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững, để làm sao chúng ta có hệ thống năng lượng đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong khi vẫn đảm bảo về môi trường, cùng với thế giới hạn chế tối đa các tác động làm ảnh hưởng tới môi trường gây ra biến đổi khí hậu.
PV: Thưa Thứ trưởng, vậy để hạn chế các tác động tới môi trường như ông nói, kế hoạch phân bổ nguồn phát triển năng lượng Việt Nam còn tiếp tục phát triển nhiệt điện hay không, hay sẽ tập trung vào phát triển năng lượng sạch?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Rõ ràng đối với Việt Nam là đất nước đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ,nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm của chúng ta rất cao.
Riêng trong lĩnh vực điện lực thì nhu cầu sử dụng điện hàng năm của chúng ta tăng 10%. Khác so với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ, các nước này nhu cầu năng lượng chỉ tăng trưởng khoảng 1%/năm, có những nước tăng trưởng âm do áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với Việt Nam, như tôi đã đề cập ở trên, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng trưởng rất nhanh, vì vậy nên chúng ta cần phải có cơ cấu các nguồn năng lượng một cách hợp lý giữa thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, điện khí và các dạng năng lượng tái tạo.
Trong thời gian tới, chủ trương của Chính phủ chúng ta là phải đẩy nhanh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp mà chúng ta có, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo mà ở đây là năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải phát triển ở mức độ hợp lý các loại năng lượng truyền thống, để làm sao chúng ta đảm bảo được an ninh năng lượng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.