Thủ tục nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam

Hiện nay, thủ tục nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam bao gồm 5 bước, thực hiện tại các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan.

Bước 1: Xin giấy phép nhập khẩu thịt lợn

Doanh nghiệp chuẩn bị và nộp hồ sơ để xin giấy phép nhập khẩu thịt lợn tại Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bao gồm:

  • Mẫu đơn đăng ký nhập khẩu;
  • Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp - bản sao;
  • Mẫu Health Certificate (của nước xuất khẩu) - bản sao;
  • Mẫu chứng nhận HACCP (của nước xuất khẩu) - bản sao.

Sau khi xét hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y gửi văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn.

Bước 2: Đăng ký kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Trước khi container thịt lợn nhập khẩu về cảng, doanh nghiệp chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Chi cục Thú y địa phương, bao gồm:

  • Mẫu đơn đăng ký kiểm dịch - 3 bản;
  • GIấy phép nhập khẩu - bản sao và bản chính để trừ lùi;
  • Mẫu Health Certificate (của nước xuất khẩu) - bản sao;
  • Mẫu chứng nhận HACCP (của nước xuất khẩu) - bản sao;
  • Giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thú y kho hàng hóa - bản sao;
  • Hợp đồng thương mại - bản sao;
  • Invoice - bản sao;
  • Packing list - bản sao;
  • Bill of lading - bản sao.

Sau khi nộp đủ hồ sơ và đóng tiền, doanh nghiệp hẹn ngày kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng.

Bước 3: Mở tờ khai hải quan

Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ để mở tờ khai hải quan đối với thịt lợn nhập khẩu tại Chi cục Hải quan địa phương (Tổng cục Hải quan), bao gồm:

  • Tờ khai hải quan;
  • Invoice - bản sao;
  • Packing list - bản sao;
  • Bill of lading - bản sao;
  • C/O (nếu có)
  • Giấy đăng  ký kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm - bản sao.

Bước 4: Lấy mẫu kiểm dịch động vật, nộp chứng thư kiểm dịch động vật

Sau khi mở tờ khai, doanh nghiệp mở container hàng tại cảng để Chi cục Thú y đến lấy mẫu mang về kiểm nghiệm thịt lợn. Nếu đạt chất lượng, sau 4-5 ngày kể từ khi lấy mẫu, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng thư.

Trong thời gian chờ chứng thư, doanh nghiệp được phép mang hàng về kho bảo quản, nhưng chưa được phép sử dụng. Trên tờ khai hải quan sẽ xác nhận hàng tạm giải tỏa chờ kết quả kiểm tra chất lượng.

Bước 5: Thông quan hàng hóa

Sau khi được cấp chứng thư, doanh nghiệp nộp lại cho Chi cục Hải quan để thông quan lô hàng, chính thức được phép lưu thông sử dụng thịt lợn nhập khẩu.

Thy Thảo