Nhà hát Tuổi trẻ
Mang không khí Tết, đượm hơi thở xuân Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến cho khán giả không gian nghệ thuật tươi trẻ, đầy sức sống với những tiểu phẩm hài mới nhất cùng các ca khúc sôi động về mùa xuân, tình yêu, chương trình hài kịch – ca nhạc Chào 2020, "Lời chúc đầu xuân" sẽ được tổ chức vào 20h00 thứ Bảy (1/2) tức mùng 8 Tết Canh Tý và kéo dài trong các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật của 2-3 tuần tiếp theo.
Các vở hài kịch mới được dàn dựng, lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu Thủ đô do tác giả Đinh Tiến Dũng biên soạn, được đạo diễn Chí Trung trau chuốt từng câu từ chi tiết, được các nghệ sĩ hài nổi tiếng của nhà hát thể hiện như: Thanh Dương, Vân Dung, Đức Khuê, Tuấn Anh, Thu Quỳnh, Thanh Tú, Anh Tuấn, Tú Oanh...
Nhà hát múa rối Việt Nam
Chương trình Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ diễn liên tục trước và sau Tết Nguyên đán, ngay từ mùng 1 Tết, nhà hát sẽ mở màn vào 15h30 ngày 25/1 tại sân khấu rối của Không gian văn hóa Việt (79 Hàng Trống).
Bên cạnh các chương trình đặc biệt dành cho khán giả nhí như Công chúa tóc vàng, Miền đất mới của chú bé rừng xanh thì Nhà hát Múa rối VN lại có những chương trình đáp ứng cho cả đối tượng người lớn và trẻ em như Chương trình Đồng vọng rối Việt, Thân phận nàng Kiều.
Rạp xiếc Trung ương
Để phục vụ khán giả “nhí”, Liên đoàn Xiếc VN sẽ khai trương vào mùng 3 Tết âm lịch ở Hà Nội tại rạp xiếc và sau đó mỗi ngày từ 2 đến 3 suất biểu diễn. Đoàn đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ đi biểu diễn phục vụ đồng bào từ Nam Trung Bộ vào phía Nam, phục vụ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Nhà hát Lớn Hà Nội
Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình xiếc Làng tôi sẽ bắt đầu được biểu diễn từ 18h – 19h ngày 30/1/2020 (ngày mùng 5 Tết âm lịch).
Xiếc Làng tôi là mô hình “xiếc tre” lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2005 và 3 năm chu du ở nước ngoài với hàng trăm vở diễn cháy vé. Không chỉ "no" giác quan với những màn tung hứng, nhào lộn, đêm xiếc “Làng tôi” dẫn dắt khán giả vào một bối cảnh đời sống làng quê đậm chất Việt.
Tre là chất liệu chính làm nên vở diễn. Không chỉ là xà ngang, xà dọc, để diễn viên xiếc đu bám, tre tham gia vào câu chuyện như một nhân tố của đời sống. Hàng chục thân tre đủ mọi kích cỡ, liên tục được dàn xếp, “bày binh bố trận”, biến hóa trên sân khấu, khi thì thành cầu tre lắt lẻo, khi lại hóa thành sóng nước, khi thành nhà cửa, khi tạo thành phông nền tĩnh cho sự xuất hiện của con người. Diễn viên tung hứng, đu mình trên những thân tre, đu dây giữa những biến hóa đẹp mắt của loài cây này. Vở diễn xây dựng mối liên hệ mật thiết giữa đời sống cây tre với đời sống con người - tre là người bạn, là công cụ kiếm sống, tham gia vào mọi khâu của cuộc sống và nâng đỡ cuộc sống người dân quê.