TÓM TẮT:
Cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, song hành với đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống tài chính. Khi kinh tế vĩ mô bất ổn, hệ thống tài chính bộc lộ rủi ro, yếu kém dẫn đến những bất ổn hệ thống, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó chính là sự yếu kém của hệ thống giám sát TTTC. Bài viết nhằm đánh giá thực trạng giám sát TTTC Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường giám sát TTTC trong thời gian tới để hạn chế được rủi ro hệ thống, đảm bảo cho thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Từ khóa: Thị trường tài chính, giám sát, rủi ro hệ thống, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
1. Đặt vấn đề
Giám sát TTTC nhằm ba mục tiêu: (i) đảm bảo sự ổn định, vận hành thông suốt của hệ thống tài chính và nền kinh tế; (ii) đảm bảo sự lành mạnh và an toàn của các thể chế tài chính; (iii) đảm bảo đạo đức kinh doanh thị trường, tính liêm chính của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Trên cơ sở 3 mục tiêu đó, trên thế giới đã tồn tại 4 mô hình giám sát TTTC: Mô hình hệ thống giám sát theo thể chế, mô hình hệ thống giám sát theo chức năng, mô hình giám sát lưỡng đỉnh và mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Việc lựa chọn mô hình giám sát phụ thuộc vào đặc thù, mức độ phát triển của thị trường tài chính, cấu trúc thị trường tài chính hiện có và tổng thể lợi ích quốc gia. Trên thế giới, xu hướng những năm gần đây ngày càng hình thành nhiều mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Mô hình này đang được thúc đẩy, mở rộng ra nhiều quốc gia.
Các thông lệ quốc tế tốt nhất về giám sát TTTC được qui định bởi: i) Ủy ban Basel gồm Hiệp định Basel I và Basel II, III; ii) Tổ chức quốc tế của Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) và iii) Hiệp hội quốc tế về giám sát bảo hiểm. Việt Nam hiện là thành viên của Ủy ban Basel, Tổ chức quốc tế của Ủy ban Chứng khoán.
2. Thực trạng giám sát TTTC Việt Nam
2.1. Mô hình giám sát TTTC
Hiện nay, mô hình giám sát TTTC Việt Nam được mô tả trong sơ đồ sau: (Xem sơ đồ)
Cấu trúc mô hình giám sát TTTC Việt Nam
Trong đó:
- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp giám sát lĩnh vực ngân hàng (Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng thành lập ngày 1/8/2009). Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN thực hiện thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng chống rửa tiền, thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí nhà nước của NHNN Việt Nam.
- Bộ Tài chính giám sát lĩnh vực chứng khoán thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và lĩnh vực bảo hiểm thông qua Cục Bảo hiểm (Cục Quản lí, giám sát bảo hiểm sửa đổi lại chức năng nhiệm vụ ngày 2/12/2009).
- Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc (UBGSTCQG) gia trực thuộc Chính phủ giám sát vĩ mô (được thành lập vào ngày 3/3/2008 theo quyết định của Chính phủ), thực hiện giám sát chung và điều phối hoạt động giám sát chuyên ngành, không có quyền thanh tra tại chỗ.Cơ sở pháp lí cho các cơ quan giám sát thực hiện chức năng, vai trò của mình được qui định trong các văn bản khác nhau: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010, Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000, và các văn bản dưới Luật qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống giám sát TTTC và hướng dẫn các hoạt động giám sát của các cơ quan này.
Qua quá trình triển khai thực hiện, mô hình giám sát TTTC hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế:
Một là, mô hình giám sát TTTC của Việt Nam chưa thể hiện rõ cấu trúc cụ thể, vừa theo mô hình giám sát theo thể chế khi đồng thời tồn tại 3 cơ quan chuyên ngành giám sát ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm là NHNN, UBCK, Cục Bảo hiểm; vừa theo mô hình hợp nhất với sự tồn tại của cơ quan giám sát hợp nhất là Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Hai là, với các qui định về chức năng nhiệm vụ hiện nay của các cơ quan giám sát chuyên ngành đã dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bởi cùng một lúc, các cơ quan trên kiêm nhiệm nhiều chức năng như: vừa thực hiện chức năng cấp phép, xây dựng cơ chế, chính sách; vừa thực hiện chức năng hướng dẫn, triển khai thực hiện cơ chế - chính sách; và kiêm luôn vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính. Điều này dễ gây ra xung đột lợi ích cũng như những rủi ro đạo đức trong hoạt động giám sát. Khó giám sát hữu hiệu các rủi ro chéo do thiếu sự phối kết hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ tình hình giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành trong giám sát thị trường tài chính, do các cơ quan này hoạt động độc lập, riêng biệt từng mảng nghiệp vụ khác nhau.
Ba là, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát, theo đánh giá của UBGSTCQG, cũng chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Các thông tin cung cấp giữa các tổ chức tài chính với các cơ quan giám sát có mức độ tin cậy chưa cao. Việc cung cấp thông tin về giám sát TTTC cho thị trường chưa chủ động và thiếu nhất quán. Thông tin cung cấp mới chỉ một chiều, chưa có sự phản biện từ phía nhà đầu tư, các tổ chức tài chính. Các kênh thông tin chủ yếu phản ánh theo các khu vực riêng lẻ, chưa có những thông tin mang tính tổng hợp toàn thị trường.
2.2. Phương thức, nội dung giám sát thị trường tài chính
Giám sát TTTC ở Việt Nam đang dần vận dụng các nguyên tắc giám sát theo các thông lệ quốc tế và được thực hiện trên các thị trường cấu phần như sau:
Thứ nhất, giám sát ngân hàng.
Hoạt động giám sát ngân hàng chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức giám sát từ xa: là việc gián tiếp kiểm tra thông qua tổng hợp và phân tích các báo cáo để đánh giá các nội dung về diễn biến cơ cấu tài sản nợ, tài sản có, chất lượng tài sản, vốn tự có, tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh, việc thực hiện các qui định về tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD và các qui định khác của pháp luật.
Nội dung giám sát từng bước được đổi mới để theo kịp với sự phát triển các hoạt động ngân hàng và các yêu câu của thông lệ quốc tế. Điều này được thể hiện ở việc NHNN đã từng bước hoàn thiện qui định về các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo Basel I và tiến tới là Basel 2. Đầu tiên là Quyết định số 297/1999/QĐ - NHNN quy định về các tỉ lệ đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động của TCTD với mức duy trì tối thiểu là 8%. Quyết định này đã giúp Việt Nam lần đầu tiếp cận những chuẩn mực quốc tế về an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng, mặc dù còn rất sơ khai. Đến năm 2005, Quyết định 457/2005/QĐ - NHNN được ban hành thay thế cho Quyết định số 297. Theo đó, Quyết định 457 quy định các TCTD phải duy trì hệ số an toàn vốn tối thiểu 8% giữa vốn tự có với tổng tài sản có quy đổi rủi ro và vốn tự có bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2. Ngày 20/5/2010, NHNN ban hành Thông tư số 13/2010/TT - NHNN thay thế Quyết định số 457/2005/QĐ - NHNN. Cùng với Thông tư 13, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 141/2006/NĐ - CP yêu cầu vốn pháp định tối thiểu của ngân hàng thương mại (NHTM) phải đạt 3.000 tỉ đồng vào cuối năm 2010. Hai chính sách trên thực hiện một mục tiêu là đảm bảo hơn nữa an toàn vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư 13 còn quy định thêm: (i) xác định vốn tự có cấp 1 và cấp 2 phải chi tiết, cụ thể; (ii) xác định hệ số an toàn vốn riêng lẻ; (iii) hệ số an toàn vốn hợp nhất; (iv) và nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 9%. Bốn năm sau, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT - NHNN ngày 20/11/2014 nhằm thay thế cho Thông tư 13. Thông tư 36 được nhiều chuyên gia đánh giá rất tích cực vì đã khắc phục nhiều nội dung để phù hợp bối cảnh kinh tế - tài chính như thúc đẩy hội nhập kinh tế, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lí nợ xấu, nắn dòng tín dụng đến sản xuất - kinh doanh… Bên cạnh đó, Thông tư 36 còn tạo ra những chuẩn mực mới chặt chẽ hơn trong hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng, quản trị ngân hàng, thông tin công khai minh bạch, khả năng chịu đựng rủi ro hệ thống… Cụ thể như: (i) xác định tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu; (ii) cụ thể hơn về vốn cấp 1 và cấp 2; (iii) yêu cầu về tỉ lệ nợ xấu chuẩn; (iv) quy định tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (LCR)…
Và hiện tại, Thông tư 06/2016/TT - NHNN vào ngày 27/5/2016, về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 đang là điểm dừng cho hoạt động giám sát ngân hàng hướng đến chuẩn mực Basel II mà NHNN đang theo đuổi với một lộ trình khá dài tới 17 năm. Theo đó, Thông tư 06 có ba điều chỉnh lớn: thứ nhất, quy định hệ số qui đổi rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản lên tới 200% tại thời điểm 1/1/2017; thứ hai, giảm có lộ trình cho tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ 1/1/2018; thứ ba, tăng tỉ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước của TCTD.
Bên cạnh đó, phương pháp giám sát dựa trên cơ sở đánh giá, xếp loại TCTD theo hệ thống chỉ tiêu CAMEL đã được thiết lập, tạo tính hiệu quả trong việc giám sát từ xa của NHNN.
Giám sát an toàn hoạt động tín dụng của các TCTD đã được NHNN thực hiện bởi việc thay đổi hoàn chỉnh các Qui định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro thuộc hoạt động tín dụng: Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Qui định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD (hiện được thay thế bằng Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Ngoài ra, các qui định về tiếp cận dịch vụ ngân hàng trong hai luật về ngân hàng cũng đã được sửa đổi nhằm phù hợp với các cam kết về dịch vụ tài chính của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Thứ hai, giám sát thị trường chứng khoán.
UBCKNN là đơn vị trực tiếp giám sát TTCK nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lí các giao dịch, hành vi giao dịch, việc cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán vi phạm qui định của pháp luật liên quan, bao gồm nhóm các hành vi giao dịch bị cấm, nhóm các hành vi vi phạm qui định giao dịch khác tại Luật Chứng khoán, Thông tư hướng dẫn về giao dịch của Bộ Tài chính, Qui chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán và các qui định khác.
Các phương thức giám sát của UBCKNN được thể hiện thông qua giám sát các giao dịch hàng ngày, nhiều ngày và định kì thông qua hệ thống máy tính giám sát giao dịch kết nối với Sở Giao dịch Chứng khoán; thông qua báo cáo giám sát giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán, dữ liệu và thông tin báo cáo của TTLKCK; báo cáo, công bố thông tin, phản ánh của các công ty chứng khoán, công ty đại chúng, các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán; các nguồn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tin đồn và các nguồn thông tin khác. Ngoài ra, phương thức kiểm tra định kì hoặc kiểm tra bất thường cũng được áp dụng nhằm mục tiêu phát hiện và xử lí kịp thời các sai phạm của các tổ chức, cá nhân.
Một trong những hoạt động giám sát chủ đạo của UBCKNN là hoạt động giám sát công bố thông tin liên quan đến giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng kí giao dịch, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư theo đúng qui định của pháp luật. Nội dung giám sát này bao gồm giám sát việc báo cáo, thực hiện công bố thông tin về giao dịch của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường theo qui định và giám sát thực hiện giao dịch theo các thông tin đã công bố của các đối tượng này.
Ngoài các hoạt động trên, UBCKNN còn giám sát việc cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường: Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu kí Chứng khoán (TTLKCK), thành viên lưu kí chứng khoán, công ty quản lí quĩ đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát, ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ mở tài khoản tiền đầu tư chứng khoán, các cá nhân và tổ chức khác tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch.
Thứ ba, giám sát thị trường bảo hiểm.
Công tác quản lí, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được tăng cường một cách chủ động, tích cực, thường xuyên với nhiều phương pháp, cách thức linh hoạt, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa và kiểm tra, thanh tra tại chỗ. Bên cạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính thường xuyên và giám sát thông qua tổng hợp, phân tích tình hình thị trường bảo hiểm (từ báo cáo của DNBH và thông tin dư luận xã hội, phản ánh của các cơ quan báo chí...) Bộ Tài chính đã chủ động làm việc trực tiếp với doanh nghiệp (DN) để nắm bắt tình hình thực tế thị trường nói chung và từng DN nói riêng theo định kì hàng năm và theo các công việc phát sinh cụ thể. Qua đó, Bộ Tài chính (Cục Quản lí Giám sát Bảo hiểm) cũng đã giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của DN gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Với các phương thức, nội dung giám sát TTTC hiện nay của Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được còn những hạn chế nhất định:
Một là, giám sát TTTC chủ yếu tập trung vào giám sát an toàn vi mô trên cơ sở thiên về giám sát tuân thủ hơn là giám sát dựa trên rủi ro.
Trong khi hoạt động TTTC ngày càng tinh vi, với sự phát triển mạnh về qui mô và loại hình dịch vụ, nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn thì giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ chủ yếu mới dựa trên các nguyên tắc, rà soát tính tuân thủ qui định pháp luật, chưa tập trung nhiều vào việc phát hiện sớm các rủi ro của thị trường và các định chế tài chính, chưa thực hiện giám sát dựa trên rủi ro. Hơn nữa, việc giám sát tính tuân thủ của các định chế tài chính hiện nay vẫn chưa chặt chẽ. Có thể thấy, thực tế hiện nay tình trạng nhiều ngân hàng chưa đủ mức vốn tối thiểu do pháp luật qui định vẫn còn, nhiều NH chưa tuân thủ kỉ luật thị trường, vẫn còn có những NH “lách luật”, vi phạm qui định về lãi suất huy động dưới nhiều hình thức. Trên TTCK, thực trạng tái phạm và vi phạm cho thấy công tác giám sát và cưỡng chế thực thi chưa đủ tính răn đe để ngăn ngừa, phòng tránh các hành vi vi phạm. Một thực tế khác là các chế tài xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán là quá thấp đến mức nhà đầu tư sẵn sàng vi phạm, sẵn sàng nộp phạt để đổi lại những lợi ích lớn hơn từ những hành vi vi phạm và lạm dụng thị trường,…
Giám sát an toàn vĩ mô TTTC chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tượng thị trường tín dụng tăng trưởng nóng trong một thời gian dài, tất yếu sẽ gây ra những mất cân đối về thanh khoản và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu đã không được quan tâm, xử lí từ sớm thông qua các công cụ và chính sách an toàn vĩ mô. Yếu tố an toàn, cẩn trọng cũng không thể hiện rõ khi hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán, quản lí quĩ được cấp phép và nâng cấp phạm vi hoạt động trong thời gian ngắn mà không tính đến những tác động tiềm tàng đến thị trường tài chính, mức cung tiền tệ, tố cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hai là, chưa áp dụng các công cụ hiện đại phục vụ cho giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô.
Các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo, kiểm định rủi ro cho cả hệ thống tài chính nói chung và cho từng định chế tài chính nói riêng còn ít được phát triển và ứng dụng.
Ba là, các tiêu chuẩn, chuẩn mực an toàn hoạt động của Việt Nam còn có nhiều sự khác biệt so với thế giới.
Từ đó gây ra khó khăn khi giám sát các tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, các tiêu chí cho hoạt động giám sát TTTC chưa được xây dựng một cách đầy đủ, việc giám sát vẫn chưa bao quát được tất cả các lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn kinh tế, nhất là tập đoàn tài chính trong nước, các tập đoàn xuyên quốc gia. Giám sát các rủi ro chéo còn yếu kém do thiếu sự phối hợp, liên thông trong giám sát toàn bộ TTTC xuất phát từ việc các cơ quan giám sát hoạt động một cách độc lập, thiếu sự chia sẻ thông tin lẫn nhau.
3. Đề xuất các giải pháp tăng cường giám sát TTTC Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, việc cải cách hệ thống giám sát TTTC nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát là điều cần thiết, góp phần phát triển bền vững TTTC Việt Nam. Từ những phân tích thực trạng giám sát TTTC trên, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, đổi mới mô hình giám sát TTTC.
Trong dài hạn, cần tiến tới chuyển đổi sang mô hình giám sát hợp nhất, bởi Việt Nam đáp ứng đủ 4 điều kiện để áp dụng mô hình này: Thứ nhất, qui mô hệ thống tài chính nhỏ; Thứ hai, mức độ tập trung của hệ thống tài chính cao, tài sản của 4 ngân hàng TMCP nhà nước chiếm 45% tổng tài sản của toàn hệ thống, quy mô tài sản của hệ thống ngân hàng chiếm hơn 80% qui mô thị trường tài chính; Thứ ba, Việt Nam có xu hướng hình thành các tập đoàn tài chính; Thứ tư, Việt Nam có mức độ chuyển đổi/tự do hóa tài chính rất nhanh. Bên cạnh đó, khi Việt Nam chưa có cơ quan giám sát các tập đoàn tài chính thì việc áp dụng mô hình hợp nhất giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này.
Tuy nhiên, nếu theo mô hình giám sát hợp nhất, Việt Nam cần cân nhắc các yếu tố: mục tiêu rõ ràng và luật chi phối, tính độc lập và trách nhiệm giải trình, các nguồn lực, việc thực thi hiệu quả, tính toàn diện của quản lí và giám sát, hiệu quả về mặt chi phí, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, xây dựng cơ chế xử lí khủng hoảng. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể, trước mắt có thể hợp nhất một phần, sau đó mới hợp nhất toàn bộ. Để làm tốt yêu cầu này, trước tiên Việt Nam cần phân định rõ ràng, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giám sát, đặc biệt cần tăng cường hiệu lực phối hợp của các cơ quan giám sát cũng như nâng cao hơn nữa vị trí pháp lí cho UBGSTCQG. Tiếp theo, tùy thuộc vào trình độ phát triển của hệ thống tài chính và thể chế chính trị Việt Nam, có thể từng bước áp dụng mô hình giám sát hợp nhất một phần rồi tiến tới hợp nhất giám sát toàn bộ TTTC.
Hai là, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát TTTC dựa trên rủi ro.
Trước mắt, cần thu hẹp các chuẩn mực trong nước với chuẩn quốc tế (hoàn tất Basel II, tiến tới Basel III). Xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu giám sát và ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, các mô hình định lượng và các quy chuẩn, chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính. Qua đó, giảm thiểu các rủi ro toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả giám sát toàn TTTC.
Xây dựng các tiêu chí phân loại và giám sát các tập đoàn tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo nguyên tắc cơ bản là thực hiện giám sát chặt chẽ, song không làm triệt tiêu tính năng động, sáng tạo của TTTC. Đồng thời, cần xây dựng các quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lí nhà nước; giữa cơ quan quản lí nhà nước với các cơ quan giám sát chuyên ngành trong việc chia sẻ trao đổi thông tin, cùng hợp tác, phân tích, đưa ra cảnh báo, kiến nghị chính sách.
Ba là, nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng công nghệ giám sát và năng lực của bộ máy nhân lực giám sát
Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, nhất quán và áp dụng công nghệ giám sát hiện đại (ít nhất là phải có hệ thống thông tin quán lí để cập nhật thông tin từ cơ sở được giám sát đến cơ quan giám sát một cách nhanh chóng, kịp thời và đưa ra các dự báo kịp thời, chính xác), và nâng cao năng lực phân tích chính sách và dự báo tài chính vĩ mô của các cán bộ giám sát. Đây là những điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực giám sát an toàn vĩ mô và giám sát dựa trên rủi ro.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tô Ngọc Hưng, Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính 2011.
2. Nguyễn Văn Tiến, Dương Thị Phượng, Hiệu lực hoạt động của hệ thống giám sát tài chính Việt Nam. Hội thảo: Hiệu lực của hệ thống giám sát tài chính Việt Nam, ngày 26/6/2010, Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Tài chính. Hà Nội.
3. Vũ Nhữ Thăng, Giám sát nền tài chính quốc gia: Những vấn đề đặt ra và giải pháp chính sách. Hội thảo “Tài chính Việt Nam 2013 - Tăng cường giám sát nền tài chính quốc gia: Giải pháp chính sách”. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.
4. Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2012 đã được Chính phủ phê duyệt.
SITUATIONS OF MONITORING VIETNAMS FINANCIAL MARKET
Ph.D. TRINH HONG HANH
Faculty of Banking, Banking Academy
ABSTRACT:
Until the global financial crisis in the year of 2007 and 2008, Vietnam’s financial market had rapidly developed and contributed to the growth of Vietnam’s economy positively. However, some potential risks of Vietnam’s financial system had also occurred. If the macroeconomic of a country is unstable, risks related to the nation’s financial system will occur and have adverse impacts on the nation’s growth. One of the main culprits of this situation is a weak monitoring system for the financial market. This study is to assess situations of the monitoring system for Vietnam’s financial market in order to propose suitable solutions to strengthen monitoring activites, prevent systematic risks, and ensure stability for the financial market development.
Keywords: Financial market, monitoring, systematic risk, bank, security, insurance.