Thực trạng ngành Cao su sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định CPTPP

ThS. PHAN THỊ XUÂN HUỆ (Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Sản xuất và chế biến sản phẩm cao su xuất khẩu là một trong những ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam. Hội nhập kinh tế đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành, như: mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành Cao su,… Tuy nhiên, hội nhập cũng tạo ra những khó khăn, thách thức lớn cho ngành, như: Cạnh tranh về giá, chất lượng, thương hiệu sản phẩm,... Bài viết đề cập đến thực trạng và giải pháp phát triển ngành Cao su Việt Nam sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Từ khóa: Hiệp định CPTPP, ngành Cao su, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, Việt Nam.

1. Tổng quan thị trường cao su thế giới

Cây cao su được trồng chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và một phần nhỏ ở châu Mỹ. Theo báo cáo của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên, trước năm 2010, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm, nhưng gần đây tăng chậm. Lượng tiêu thụ cao su thế giới năm 2017 đạt 12,86 triệu tấn, đến năm 2018 đạt 14,02 triệu tấn và tăng lên 14,59 triệu tấn trong năm 2019. Tuy nhiên, thị trường vẫn trong tình trạng dư thừa, do sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2017 là 13,45 triệu tấn, năm 2018 đạt 13,96 triệu tấn và tăng lên 14,84 triệu tấn trong năm 2019.

Hình 1: Cung cầu cao su thiên nhiên thế giới giai đoạn 2014 – 2019

Cung cầu cao su thiên nhiên thế giới giai đoạn 2014 – 2019

Nguồn: Niên giám thống kê 2018

Tình trạng cung vượt cầu đã gây áp lực rất lớn đến giá cao su trong những năm qua. Giá giảm dẫn đến lợi ích kinh tế từ cây cao su giảm, nên người trồng cao su không chú trọng đầu tư.

2. Thực trạng ngành Cao su Việt Nam

2.1. Về sản xuất

Điểm tích cực là Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai về năng suất vườn cây, thứ ba về sản lượng, thứ tư về xuất khẩu trên thế giới. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí này, với sản lượng 1.142 nghìn tấn trên diện tích 965.400 hecta. Cùng với tăng về sản lượng, năng suất cây cao su tại Việt Nam cũng tăng đáng kể, nhờ áp dụng các giống cao sản và tiến bộ trong kỹ thuật trồng và chăm sóc. Việt Nam đã giữ mức năng suất bình quân 1,6 - 1,7 tấn/ha/năm và là mức cao nhất tại khu vực châu Á, đứng thứ hai trên thế giới trong những năm gần đây. Năng suất cao là một trong những yếu tố quan trọng giúp người trồng cao su tại Việt Nam chống chịu và ứng phó linh hoạt khi giá thấp kéo dài từ năm 2012 đến nay.

Bảng 1. Diện tích, sản lượng và năng suất cây cao su tại Việt Nam

Diện tích, sản lượng và năng suất cây cao su tại Việt Nam

Nguồn: Niên giám thống kê 2018

2.2. Về xuất khẩu

Giá trị đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành Cao su không chỉ từ nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên, mà còn từ các sản phẩm cao su và sản phẩm gỗ cao su của ngành Công nghiệp chế biến. Việt Nam xuất khẩu cao su vào hơn 60 thị trường tại các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 66,5%, 8,3% và 3%. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết khối lượng xuất khẩu cao su năm 2018 là 1,56 triệu tấn, tương ứng giá trị 2,09 tỉ USD, với giá xuất khẩu bình quân 1.338USD/tấn, so với năm 2017 tăng 13,3% về sản lượng và giảm 7,0% về giá trị, do giá xuất khẩu giảm. Đến năm 2019, sản lượng xuất khẩu tăng hơn so với năm 2018, sản lượng đạt 1,68 triệu tấn, tương ứng 2,26 tỉ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,0% về giá trị so với năm 2018, giá xuất khẩu bình quân 1.343 USD/tấn.

Hình 2: Sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su giai đoạn 2014 – 2019

Sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su giai đoạn 2014 – 2019

Nguồn: Niên giám thống kê 2018

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo thị trường cao su Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2020, do thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có triển vọng đạt được từng phần. Bên cạnh đó, thị trường hy vọng việc cắt giảm lãi suất của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích thích nhu cầu tiêu thụ cao su. Ngoài ra, theo Hội đồng Cao su Quốc tế ba bên (ITRC), sản lượng cao su của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới như Thái Lan, Indonesia và Malaysia dự báo giảm 800.000 tấn, do ảnh hưởng bởi bệnh nấm.

3. Cơ hội và thách thức của ngành Cao su khi Việt Nam ký kết CPTPP

3.1. Cơ hội

Theo nghiên cứu dự báo tác động TPP tới Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số các nước tham gia CPTPP. Hiệp định CPTPP mang đến cho ngành Cao su nhiều cơ hội, tiềm năng và triển vọng. Đối với cao su thiên nhiên, CPTPP sẽ đưa thuế nhập khẩu từ 3% giảm còn 0%, theo đó mỗi nước thành viên CPTPP sẽ có lộ trình cắt giảm riêng cho từng nhóm sản phẩm và sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 16 năm, sau khi CPTPP có hiệu lực. Do đó, CPTPP tạo cơ hội cho sản phẩm cao su Việt Nam mở rộng thị trường đến các nước mà công nghiệp chế biến cao su chưa phát triển nhiều như Peru, Chile, Brunei, New Zealand, Úc. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Canada,

Singapore với mức thuế 0% để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tục theo sự phát triển kinh tế toàn cầu, đặc biệt là của các ngành công nghiệp sản xuất ô tô, giao thông vận tải, xây dựng, y tế và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành Cao su cũng có nhiều thuận lợi khi được Nhà nước công nhận là cây “đa mục tiêu”, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, vừa cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn, đồng thời phủ xanh đất trống, rừng nghèo để góp phần bảo vệ môi trường

Thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành Cao su: Khi CPTPP có hiệu lực, nếu sản xuất ở Việt Nam và xuất khẩu cao su qua các nước thành viên CPTPP như Nhật Bản, Úc… sẽ được hưởng thuế suất 0%. Nhờ vậy, các khu công nghiệp và ngành Cao su Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tận dụng ưu đãi về nguồn nguyên liệu tại chỗ và thuế; đồng thời sẽ có điều kiện hợp tác, liên doanh liên kết trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

3.2. Thách thức

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ngành Cao su đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong xu hướng cung vượt cầu, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá thành, hiệu quả đầu tư kinh doanh, nhất là về chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại. Những nguồn nguyên liệu khác cạnh tranh với cao su thiên nhiên vẫn đang phát triển nhanh như cao su nhân tạo tổng hợp từ dầu thô và cao su từ các cây khác. Chất lượng cao su của Việt Nam chưa thực sự đồng đều, thương hiệu chưa mạnh. Một số lô hàng của tiểu điền chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành Cao su Việt Nam, kéo giá trị xuất khẩu giảm vì giá thấp hơn thị trường quốc tế. Mặt khác, cũng theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác, do vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn như Nhật Bản.

Cạnh tranh với các sản phẩm cao su xuất khẩu sang các nước trong CPTPP: Tham gia CPTPP, nếu sản phẩm cao su của Việt Nam xuất khẩu qua các nước trong CPTPP được hưởng thuế 0%, thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng vậy. Vì vậy, nếu chất lượng sản phẩm chưa cao, thương hiệu không tốt, giá cả kém cạnh tranh, chính sách bán hàng không linh hoạt, Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với các nước trong CPTPP.

Ngoài ra, cơ chế quản lý và môi trường kinh doanh chưa đồng bộ cũng gây khó khăn cho ngành và doanh nghiệp. Chính sách thuế và thuế giá trị gia tăng chưa tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành Cao su. Thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao su sơ chế cần được áp dụng như các nông sản sơ chế khác để thúc đẩy xuất khẩu trong lúc cung vượt cầu.

Hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa chặt chẽ trên cả nước, chỉ mới áp dụng tốt ở những doanh nghiệp lớn. Hiện vẫn còn thiếu rào cản thương mại và kỹ thuật để ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh trong nước.

4. Giải pháp phát triển bền vững ngành Cao su

Việt Nam có sản lượng xuất khẩu cao trên thế giới, nhưng đều xuất khẩu dưới dạng chế biến thô. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước. Do đó, để phát triển bền vững ngành Cao su, tái cơ cấu lại ngành là cần thiết, trong đó vừa củng cố nội lực của các doanh nghiệp, vừa cần các chủ trương, chính sách và cả chiến lược phát triển từ Chính phủ đối với ngành Cao su.

4.1. Đối với Nhà nước

- Cần xây dựng chiến lược và chính sách đồng bộ đối với ngành Cao su, có lộ trình cụ thể trên cơ sở các quy hoạch của Nhà nước kết hợp với những giải pháp khả thi, phù hợp theo đề xuất của doanh nghiệp và Hiệp hội Cao su Việt Nam.

- Tăng cường quản lý chất lượng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su: Xây dựng quy chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu đầu vào và điều kiện sản xuất của các nhà máy chế biến để các doanh nghiệp tuân thủ một cách nghiêm túc.

- Tháo gỡ các vướng mắc về chính sách thuế: Cụ thể là giải quyết sự bất hợp lý về thuế giá trị gia tăng đối với mủ cao su sơ chế như những nông sản khác.

- Hỗ trợ Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng thương hiệu ngành và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho ngành Cao su để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm rủi ro khi phụ thuộc một vài thị trường.

4.2. Đối với doanh nghiệp

- Cần liên kết chặt chẽ cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam tạo mối liên kết theo chuỗi để tăng lợi thế cạnh tranh.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ uy tín sau bán hàng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp tiến đến xây dựng thương hiệu cho ngành Cao su Việt Nam.

- Tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm cao su, đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp chế biến liên quan đến cao su, vừa gia tăng giá trị, vừa tạo điều kiện cho nguồn nguyên liệu trong nước được tiêu thụ một cách bền vững.

- Thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Công Thương (2018), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam.

2. Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Việt Nam (2014), Báo cáo ngành Cao su thiên nhiên Việt Nam.

3. Hiệp hội Cao su Việt Nam - Trần Thị Thúy Hoa, Năm 2017 - 2018: Dấu ấn ngành Cao su Việt Nam trên thế giới. Tạp chí Cao su Việt Nam (2018).

4. Trần Thị Thúy Hoa, Tô Xuân Phúc, Nguyễn Tôn Quyền, Cao Thị Cẩm (2018), Báo cáo ngành Cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững.

5. Tổng cục Thống kê Việt Nam, Niên giám Thống kê năm 2018.

6. http://vneconomy.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2019-chan-nuoi-va-cao-su-la-diem-sang-20200106093235743.htm

THE SITUATION OF VIETNAM’S RUBBER INDUSTRY

AFTER THE CPTPP TAKES EFFECT

• Master. PHAN THI XUAN HUE

Department of Economics, Faculty of Economics – Law,

Tra Vinh University

ABSTRACT:

Producing and processing rubber products for export is one of the important manufacturing industries in Vietnam. The country’s economic integration process has brought many development opportunities for the industry like the expansion of export markets and the increase in foreign investment. However, the economic integration also creates great challenges for the industry, such as the competition on price, quality and product brands. This article presents the current situation and proposes development solutions to Vietnam's rubber industry after the CPTPP agreement takes effect.

Keywords: CPTPP agreement, rubber industry, foreign investment, Vietnam.