Thủy điện Hòa Bình: Chói ngời tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô

Công trình Thủy điện Hòa Bình đã tạc vào lịch sử của đất nước Việt Nam về một biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Đã có 186 CB CNV - LĐ, trong đó có 13 chuyên gia Liên Xô

Công trường của Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh

Ngày 2/9/1971, mũi khoan thăm dò đầu tiên đã khoan vào lòng đất, khởi đầu cho chặng đường thi công xây dựng Công trình Thủy điện Hòa Bình. Đến đầu năm 1975, Ban Quản lý xây dựng công trình sông Đà (gọi tắt là Ban Sông Đà) - một cơ quan ngang Bộ chính thức được thành lập, lực lượng cán bộ chủ chốt được điều động về từ Công ty Thủy điện Thác Bà cùng một số lượng lớn các cán bộ của các bộ, ngành Trung ương cùng tiến về Hòa Bình để tiến hành công tác qui hoạch cho công trường. Theo đó, hàng vạn thanh niên của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã được tuyển chọn đào tạo để trở thành những công nhân kỹ thuật phục vụ xây dựng công trình, gần một nghìn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam giúp ta xây dựng, Đoàn 565 Anh hùng Bộ đội Trường Sơn vừa rời chiến trường được điều động về công trường bước vào cuộc chiến đấu mới trong thời bình. Đồng thời, thị xã Hòa Bình đã di chuyển một bộ phận dân cư và một số cơ quan, đơn vị nhường đất đai, cơ sở vật chất phục vụ công tác chuẩn bị xây dựng thủy điện; hàng loạt các công trình phụ trợ như nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức, trường học, bệnh viện và khu làng chuyên gia được gấp rút xây dựng phục vụ cho công trường.

Thủy điện Hòa Bình đã tạc vào lịch sử của đất nước Việt Nam về biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Liên Xô - Ảnh: Anh Thy

Đúng 10h ngày 06/11/1979, cả nước hướng về Hòa Bình mừng ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Với khí thế sôi động của công trường, theo đề nghị của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 06/10/1982, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký Quyết định công nhận “Công trường Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” cho công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình.

Sau 4 năm khẩn trương xây dựng các công trình đầu mối, ngày 12/1/1983 đã hoàn thành ngăn sông Đà đợt 1, từ đây dòng Sông Đà chính thức bị ngăn lại chảy theo ý muốn của con người. Ba năm sau, ngày 9/1/1986 đã tiến hành ngăn Sông Đà đợt 2. Thời khắc ngăn sông đợt 2 cũng là một thời điểm vô cùng quan trọng khi hợp long ngăn sông. Hàng ngàn kỹ sư, công nhân, bộ đội và chuyên gia Liên Xô vui mừng gặp nhau với những nụ cười, trong đó có cả những dòng nước mắt xúc động.

Sau lễ ngăn sông lần thứ hai, cả công trường sôi sục khí thế thi công chạy đua với thời gian nước lũ, thực hiện mục tiêu đưa các tổ máy vào phát điện theo kế hoạch. Những khẩu hiệu bằng cả hai thứ tiếng Việt - Nga xuất hiện trên khắp công trường như: “Vinh quang thay những người xây dựng thủy điện”, “Tất cả cho mục tiêu phát điện tổ máy 1 đúng tiến độ và đặc biệt trong chiến dịch đắp đập vượt lũ năm 1988 một mất một còn bắt đầu với khẩu hiệu: “Cao độ 81 hay là chết” làm sôi động khắp cả công trường. Mỗi vị trí thi công là một mặt trận, nên dù khó khăn gian khổ và có cả hy sinh nhưng tất cả CBCNV và các chuyên gia đều không ai rời vị trí kể cả khi xảy ra sự cố.

Với những nỗ lực cố gắng ngày đêm không ngừng nghỉ, ngày 31/12/1988, tua bin tổ máy số 1 bắt đầu quay vòng quay đầu tiên, tiếp đến các tổ máy lần lượt khởi động và vận hành. Ngày 04/4/1994, tổ máy số 8, cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy chính thức hoàn thành. Ngày 24/12/1994, đất nước ta phấn khởi chào mừng sự kiện vô cùng trọng đại, đó là ngày khánh thành Công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, đánh dấu kết quả của 15 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc của hàng vạn cán bộ, công nhân viên và chuyên gia trên công trường, của những người thợ hầm, thợ lắp máy Việt Nam lần đầu tiên thi công và xây dựng một công trình vĩ đại của thế kỷ XX. Trên công trình Thanh niên Cộng sản, nhiều tấm gương lao động sáng tạo được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngay tại công trường như: Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng - nữ lái máy xúc EKG duy nhất của công trường, anh hùng Trần Thọ Chữ, anh hùng Nguyễn Huyền Chiệc, anh hùng Đào Công Chững, anh hùng Nguyễn Hữu Tươi... Đó là các gương mặt anh hùng tiêu biểu cùng hàng vạn cán bộ, công nhân viên và các chuyên gia đã góp sức làm nên nguồn sáng sông Đà.

Đã có 168 CB CNV, chuyên gia hi sinh trên công trường Thủy điện Hòa Bình

Đã có 168 CB CNV - LĐ trong đó có 13 chuyên gia của Liên bang Xô Viết đã ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, trở thành biểu tượng cao đẹp của sự hy sinh, công hiến và biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Xô nay là Việt - Nga vĩ đại.

Trong những thành tựu vẻ vang xây dựng nên công trình Thủy điện Hòa Bình, có sự đóng góp đặc biệt to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Gác lại tình cảm sâu nặng với nơi “chôn rau, cắt rốn”, nơi gắn bó bao đời của tổ tiên, hơn 4.000 hộ dân và gần 8.000 mồ mả cha ông của người dân vùng lòng hồ phải di chuyển đến nơi ở mới, có hàng trăm hộ dân đã di chuyển đến nơi định cư ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, đã thực hiện di dời hơn 300 nghìn m2 tài sản nhà cửa, 75 HTX, 182 cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, 102 công trình công cộng cấp xã; đã có 2.800 ha đất nông nghiệp và hơn 234 km đường giao thông cùng nhiều công trình khác bị ngập chìm trong nước lòng hồ. Đến nay, tỉnh Hòa Bình tiếp tục được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, KT-XH, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xứng đáng với những đóng góp của đồng bào đối với công trình Thủy điện Hòa Bình.

Một Công trình kỳ tích dường như chỉ có trong huyền thoại ở thế kỷ 20 - Ảnh: Anh Thy

Với quy mô và tầm cỡ của công trình thế kỷ, Nhà máy thủy điện trên sông Đà đã và đang phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Thủy điện Hòa Bình đã quản lý khai thác và vận hành an toàn, đồng thời khai thác hiệu quả các chức năng tổng hợp của công trình. Từ khi các tổ máy đi vào vận hành đến nay, thủy điện Hòa Bình đã phát sản lượng điện đạt hơn 180 tỷ kWh, góp phần đắc lực cho phát triển KT-XH của đất nước; thực hiện tốt chức năng chống lũ, chống hạn và bảo đảm giao thông đường thủy trên tuyến sông Đà. Đặc biệt những năm gần đây, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã có đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình và thực hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên nước, môi trường rừng, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương.

Công trình Thủy điện Hòa Bình mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ đã làm nên những kỳ tích dường như chỉ có trong huyền thoại ở thế kỷ 20 được tạo dựng bằng trí óc, công sức, mồ hôi và cả máu của bao người. Thành quả, sự hy sinh, sự lao động miệt mài của cán bộ, chiến sỹ, chuyên gia nước bạn trở thành những biểu tượng cao đẹp, ngời chói trên công trường thanh niên đã tạc vào không gian trời đất Hòa Bình vì mục tiêu cao cả, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước vô biên thành dòng điện dồi dào phục vụ sự phát triển đất nước.