Tiểu thương Saigon Square rủ nhau đóng cửa quầy né sự truy quét hàng giả

Đóng quầy nghỉ bán, chia thành các nhóm 7-10 người ngồi buôn chuyện hoặc giả vờ quét dọn vệ sinh không kinh doanh... Đó là "chiêu" của các tiểu thương tại trung tâm mua sắm Saigon Square và Lucky Plaza dùng để né lực lượng quản lý thị trường trong đợt kiểm tra hôm 10/1/2020,

Đủ chiêu trò tránh né lực lượng chức năng

Ngày 10/1/2019, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, sau 2 ngày lực lượng quản lý thị trường ra quân thực hiện chiến dịch cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Saigon Square và Lucky Plaza, đến ngày 10/1, các tiểu thương ở hai trung tâm mua sắm này đã đồng loạt... đóng cửa quầy.

Giới tiểu thương không còn công khai thách thức hay tỏ thái độ chống đối. Điều này trái ngược với nhiều đợt kiểm tra trước đây, khi cơ quan chức năng rời đi, hàng hóa lại được bày bán công khai như chưa có việc gì xảy ra.

quản lý thị trường

Trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza
Nhiều cửa hàng đóng cửa khi lực lượng chức năng đến kiểm tra. Các tiểu thương không còn chống đối lực lượng chức năng khi kiểm tra, kiểm soát hàng hóa

Trước đó, vào ngày 8 và 9/1, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP.HCM dưới dự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục QLTT đã thu giữ hàng ngàn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Montblanc, Burberry, YSL, Valentino, Prada, Hermes, Chanel tại 14 địa điểm kinh doanh trong trung tâm thương mại Saigon Square và Lucky Plaza.

Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu là kính, túi, ví, giày dép, dây lưng. Ước tính giá trị hàng vi phạm khoảng 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, sáng 10/1, lực lượng QLTT tiếp tục mở đợt tấn công thứ 3 vào những tụ điểm kinh doanh này và ghi nhận sự chuyển biến tích cực, các gian hàng kinh doanh trong Trung tâm thương mại Saigon SquareLucky Plaza đồng loạt đóng cửa, tụ tập theo từng nhóm đông người, treo biển nghỉ bán, hoặc giả vờ quét dọn... để tránh cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, cho biết lực lượng chức năng sẽ truy quét mỗi địa bàn liên tục trong nhiều ngày và sẽ đột xuất quay lại kiểm tra khi cần.

"Lực lượng QLTT muốn tiểu thương cam kết không kinh doanh các mặt hàng vi phạm, chuyển hướng sang các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", ông Đạt nhấn mạnh.

Đây là chiến dịch mở màn trong chuỗi các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được Tổng cục QLTT thực hiện tại khu mua sắm sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Nơi mà bấy lâu giới làm ăn trong nghề vẫn rỉ tai nhau là tụ điểm tập kết, công khai kinh doanh buôn bán hàng nhái, hàng giả.

"Không đánh trống bỏ dùi"

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, những năm gần đây, việc triển khai kiểm tra, kiểm soát các địa bàn “nóng” về hàng giả, hàng nhái đã được các lực lượng chức năng quan tâm, chỉ đạo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các cuộc kiểm tra chưa mang lại hiệu quả bởi các mặt hàng nhanh chóng được bày bán trở lại sau khi lực lượng chức năng “rút quân”.

"Tại thời điểm ấy, rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính hiệu quả của các hoạt động thanh tra kiểm tra và có hay không chuyện đánh trống bỏ dùi trong các chiến dịch chống hàng giả, gian lận thương mại", ông Đạt cho biết,

Với quyết tâm làm trong sạch thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, lực lượng QLTT đã huy động toàn lực lượng với quyết tâm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ.

"Chúng tôi muốn để tiểu thương hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của việc kinh doanh để từ đó ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng vi phạm, chuyển hướng sang các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, lực lượng QLTT đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2020 có 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.

Đến hết tháng 12/2020 có 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.

“Đấu tranh với hàng giả là cuộc chiến lâu dài và đầy khó khăn thách thức mà không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt. Khó nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm để bảo vệ người tiêu dùng cũng như giới doanh nghiệp kinh doanh chân chính”, lãnh đạo Tổng cục QLTT nêu quyết tâm.

 

Hạ An