Tìm kiếm giải pháp đồng bộ để công nghiệp hỗ trợ Hải Dương tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu

Chiều 4/2/2020, tại Hải Dương đã diễn ra Hội nghị Triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

“Đây là lần đầu tiên một chương trình tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ được tổ chức cho riêng một tỉnh, với sự kết hợp của các cơ quan Trung ương, địa phương và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Hội nghị sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực cho các cơ quan của Chính phủ, tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp.

“Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng cho biết.

Toàn cảnh Hội nghị Triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ trên đà phát triển

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.

“Nếu coi công nghiệp là quả núi, thì công nghiệp hỗ trợ là chân núi. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào tham gia được chuỗi toàn cầu thì doanh nghiệp đó mạnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm gần đây đã trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng trên 9%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian qua

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế như chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp.

Cùng với đó, quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực, và vẫn còn tư duy sản xuất sản phẩm khép kín.

Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, trong khi sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, việc đào tạo nhân lực tại các trường kỹ thuật còn lạc hậu, chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu trong xu thế phát triển công nghệ số…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển bên lề Hội nghị
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển bên lề Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, là một tỉnh nằm ở khu vực trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hải Dương có nhiều lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… và đang ngày càng nâng cao vai trò quan trọng trong bản đồ ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng như trong mối quan hệ khu vực và liên vùng.

“Tôi mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong nước và thế giới, tạo thành một mạng lưới cung ứng tuần hoàn trong địa bàn tỉnh. Đây sẽ là cơ hội rất lớn của Hải Dương để phát triển bứt phá trong giai đoạn tới”, Phó Thủ tướng cho biết.

Mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam và đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.

Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 14%, trong đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.

Cần triển khai loạt giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nêu trên, tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, ngành có liên quan, tỉnh Hải Dương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với các Bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc, bất hợp lý trong Nghị định 111; trong đó làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Xây dựng định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành chính có thế mạnh thay thế sản phẩm nhập khẩu trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ ba bên giữa Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ ba bên giữa Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương

Mặt khác, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí nhằm thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Tham mưu cho Chính phủ thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với định hướng là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng ứng dụng và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ từ nay đến năm 2025, với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, hạn mức vay và tài sản thế chấp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo Samsung Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và đại diện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo Samsung Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và đại diện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh

Đối với tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng và ban hành Đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đến năm 2025 để cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 68.

Rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo và bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng để nhanh chóng hấp thu công nghệ mới vào hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị sẵn có của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế tạo linh kiện, nguyên vật liệu,...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự vui mừng trước sự chủ động tìm kiếm giải pháp phát triển của tỉnh Hải Dương cũng như Bộ Công Thương và sự hỗ trợ kịp thời của Samsung Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ sự vui mừng trước sự chủ động tìm kiếm giải pháp phát triển của tỉnh Hải Dương cũng như Bộ Công Thương và sự hỗ trợ kịp thời của Samsung Việt Nam

Đối với Samsung Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết là tham gia vào các chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng hy vọng Samsung sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đặt tại Hà Nội trong thời gian tới, các Bộ ngành và lãnh đạo Thành phố Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để công trình này nhanh chóng hoàn thiện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bản thân các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần tự thân đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm để tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Thy Thảo