Tình hình nhân lực Việt Nam hiện nay và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

ThS. NGUYỄN NGỌC MINH (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nước ta hiện nay có số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số chiếm tỷ lệ 76,45% là nước đang ở giai đoạn “dân số vàng”. Tuy nhiên, số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 21,60%. Có thể thấy, chất lượng nhân lực ở nước ta còn thấp, cơ cấu lao động bất hợp lý, đang mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, cần sớm có những giải pháp tháo gỡ. Bài viết phân tích về tình hình nhân lực Việt Nam hiện nay và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ khóa: Nguồn nhân lực, trình độ lao động, nhu cầu tuyển dụng, thất nghiệp.

I. Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay
1. Quy mô và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) Theo đó, quý 2/2017, dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 71,85 triệu người, tăng 1,4% so với quý 2/2016, nữ tăng 1,14%, khu vực thành thị tăng 0,08%. Quy mô LLLĐ từ 15 tuổi trở lên đạt 54,52 triệu người, tăng 0,3% so với quý 2/2016, nữ giảm 0,31%, khu vực thành thị tăng 0,28%. Quý 2/2017, tỷ lệ tham gia LLLĐ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 76,45%, giảm so với quý 1/2017 và so với cùng kỳ năm trước.
2. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT)
LLLĐ từ 15 tuổi trở lên có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên quý 2/2017 là 11,78 triệu, tăng 564 nghìn người (5,03%) so với quý 2/2016. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm sơ cấp nghề (8,44%), tiếp đến là nhóm trung cấp (5,01%), nhóm đại học và trên đại học (4,64%) và nhóm cao đẳng (2,98%). Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong tổng LLLĐ là 9,09%; cao đẳng là 3,17%; trung cấp là 5,43%; và sơ cấp nghề là 3,53%. Quý 2/2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 21,6% trong LLLĐ, tăng 0,98 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
3. Số lượng và cơ cấu việc làm
Quý 2/2017, số người có việc làm là 53,40 triệu, tăng 164,3 nghìn người (0,31%) so với quý 2/2016 và 39,7 nghìn người (0,07%) so với quý 1/2017. Quý 2/2017, có khoảng 9,12% người đang làm việc tự đánh giá công việc chính hiện tại chưa phù hợp với ngành/nghề được đào tạo; 1,86% coi công việc đang làm là công việc tạm thời trong thời gian chờ đợi/tìm kiếm công việc khác thay thế, trong đó có khoảng 50% đang tìm kiếm việc làm, 80,6% sẵn sàng đảm nhận công việc mới ngay khi có cơ hội.
4. Thu nhập Quý 2/2017, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,2 triệu đồng, giảm 197 nghìn đồng (3,6%) so với quý 1/2017 và tăng 349 nghìn đồng (7,2%) so với cùng kỳ năm 2016.
Quý 2/2017, nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học có thu nhập cao nhất (7,49 triệu đồng, có cùng xu hướng giảm thu nhập so với quý 1/2017 như các nhóm trình độ khác nhưng có mức giảm cao nhất (736 nghìn đồng, 8,9%). Đáng lưu ý là thu nhập của nhóm lao động có trình độ sơ cấp (6,04 triệu đồng) cao hơn nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng. 5. Tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm
Quý 2/2017, cả nước có 1.081 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 20 nghìn người so với quý 1/2017 và 7,1 nghìn người so với quý 2/2016. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,26%, thấp nhất trong 5 quý gần đây. Số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 183,1 nghìn người, tăng 44,2 nghìn người so với quý 1/2017; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63% (quý trước là 2,79%). Nhóm trình độ “cao đẳng” có 82,6 nghìn người thất nghiệp, giảm 21,6 nghìn người so với quý 1/2017; tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm còn 4,96% nhưng vẫn ở mức cao nhất. Nhóm trình độ “trung cấp” có 92,7 nghìn người thất nghiệp, tăng 9,4 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%. 6. Về nhu cầu tuyển dụng lao động
Quý 2/2017 có 254,4 nghìn chỗ làm việc được các DN đăng để tuyển dụng, giảm 16,2 nghìn người (7,2%) so với quý 1/2017. Nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 56,4% tổng số, giảm 0,8 điểm % so với quý 1/2017 (57,2%). Nhu cầu tuyển dụng của các công ty “ngoài nhà nước” chiếm 82,4%, tăng 2,1 điểm % so với quý 1/2017. Tóm lại: Việt Nam đang trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển đất nước, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh, nên đòi hỏi chất lượng lao động phải cao với một cơ cấu hợp lý hơn. Hằng năm, mặc dù với hơn một triệu lao động trẻ ra nhập thị trường lao động, nhưng công tác đào tạo vẫn tồn tại nhiều yếu kém kéo dài, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực vẫn không được cải thiện đáng kể, nhiều nghề xã hội có nhu cầu nhưng ít người học. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động qua đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng vẫn tiếp tục gia tăng.
II. Giải pháp
1. Nâng cao trình độ văn hóa, thúc đẩy mạnh cải cách giáo dục
- Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các trường dạy nghề và đào tạo chuyên nghiệp. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong cả nước.
- Xây dựng nền giáo dục theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”.
- Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo.
- Thiết lập được hệ thống thông tin thị trường lao động để cung cấp, xử lý thông tin tạo cơ sở tin cậy xác định nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng, gắn sử dụng nhân lực với việc làm.
- Coi trọng hướng nghiệp, dạy nghề, tập trung vào mục tiêu nhân lực.
2. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực
Trong đó, cần tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực. Cần hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn cả nước nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.
3. Đảm bảo nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực
Ngân sách nhà nước là nguồn lực chủ yếu để phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020. Tăng đầu tư phát triển nhân lực cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Cần xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung chi để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội (hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực ở các vùng sâu, vùng xa, cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách,…).
Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Nhà nước có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của người dân đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng các hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Góp vốn, mua công trái, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực. Cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách mạnh để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tăng đầu tư phát triển nhân lực nói chung và đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề nói riêng .
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình Kinh tế vi mô - Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Trang web Tổng cục Thống kê Việt Nam.
3. Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tạp chí Cộng sản.
4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Tạp chí Lao động và Xã hội.

VIETNAM'S HUMAN RESOURCES SECTOR AND HUMAN RESOURCE DEVELOPMENT SOLUTIONS

MA. NGUYEN NGOC MINH

Faculty of Economics - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Vetnam currently has 76.45% of working age population in total population, which is in the "golden population" period. However, the number of trained workers with certificates accounts for 21.60%. It can be seen that the quality of human resources in our country is low, the structure of labor unreasonable, and we are losing competitiveness in the international labor market. In that light, there should be solutions to address these problems. The paper analyzes the current situation of human resources in Vietnam and gives solutions to improve the quality of human resources.

Keywords: Human resources, level of employment, demand for employment, unemployment.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây