Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 và một số khuyến nghị

THS. PHẠM THỊ VÂN ANH (Bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế - Luật  - Trường Đại học Tài chính Marketing)

TÓM TẮT:

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nước ta trong tháng 6/2021 ước tính đạt 54,86 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 317,66 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đây là một tín hiệu đáng mừng khi kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm cho dù cán cân thương mại bị thâm hụt 9,9 triệu USD. Do vậy, việc phân tích tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 và đưa ra một số khuyến nghị là rất cần thiết.

Từ khóa: kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thương mại.

1. Tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 317,66 tỷ USD, tăng 32,5%, tương ứng tăng gần 78 tỷ USD với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 158,34 tỷ USD, tăng 29%, tương ứng tăng 35,57 tỷ USD và nhập khẩu đạt 159,33 tỷ USD, tăng 36,3%, tương ứng tăng 42,43 tỷ USD.

Trong 158,34 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,79 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,55 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%. Như vậy, vai trò của khu vực vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp FDI rất quan trọng trong sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 25,05 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,87 tỷ USD, tăng 22,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 17,1 tỷ USD, tăng 64,1%; hàng dệt và may mặc đạt 15,31 tỷ USD, tăng 15,5%; giày dép đạt 10,38 tỷ USD, tăng 27,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,21 tỷ USD, tăng 61,1%. (Biểu đồ 1)

Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng thuộc nhóm này như: thủy sản và hàng rau quả tăng lần lượt là 12,5% và 17,7% so với cùng kỳ năm 2020; cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2021, với mức tăng lên tới 41,3% về lượng và tăng 80% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 681 nghìn tấn, trị giá 1,149 tỷ USD,…

Chỉ có duy nhất 1 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm, với mức giảm nhẹ 0,1%, đó là nhóm nhiên liệu và khoáng sản. Nhóm hàng này chỉ ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch ở mặt hàng dầu thô, với mức giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tình hình nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 159,33 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020 trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,43 tỷ USD, tăng 39,5%. Sự gia tăng nhập khẩu lớn đến từ sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của 48/53 nhóm hàng, như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,4 tỷ USD tương ứng 22,9% - mức tăng lớn nhất trong tất cả nhóm hàng chủ lực Việt Nam; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 6,2 tỷ USD tương ứng 37,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%;...  (Biểu đồ 2)      

 Biểu đồ 2: Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn trong 6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020                          

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 52,2 tỷ USD, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 33,2%. Đứng thứ hai là Hàn Quốc đạt 25,37 tỷ USD, tăng 21,9%, chiếm tỷ trọng 15,9%. Đứng thứ ba là thị trường ASEAN đạt 21,2 tỷ USD, tăng 50,5%, chiếm tỷ trọng 13,3%. Nhật Bản đạt 10,68 tỷ USD, tăng 13,2%, chiếm 6,7%. Hoa Kỳ đạt 7,63 tỷ USD, tăng 9%, chiếm tỷ trọng 4,8%.

Việc tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD được xác định là không đáng lo ngại. Điều này có nguyên nhân bởi chu kỳ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm ở giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Hơn nữa, nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng qua cho thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hàng tư liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu (ước tính tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 40,2% và nhóm hàng tiêu dùng tăng 28%). Yếu tố đưa Việt Nam đến nhập siêu có vấn đề của nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm lên tới 7,7 tỷ USD, song vẫn có những động lực để khu vực này phục hồi trở lại.

3. Kết luận và một số khuyến nghị với doanh nghiệp

3.1. Kết luận

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản,... đến các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU,... Các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Kết quả, thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam với các nước đều gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 205,25 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,6%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 66,23 tỷ USD, tăng 39,2%; châu Âu: 35,58 tỷ USD, tăng 19,2%; châu Đại Dương: 6,62 tỷ USD, tăng 42,3% và châu Phi: 3,98 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. (Biểu đồ 3)

Đây là kết quả từ những lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới, FTA thế hệ mới Việt Nam đã ký kết và bắt đầu có hiệu lực. Đơn cử, Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, theo đó trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng và những điều này sẽ tiếp tục góp phần đưa hàng hóa Việt Nam vươn tầm ra thế giới. 

3.2. Một số khuyến nghị với doanh nghiệp

Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày,... mặc dù tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể sẽ thêm các đơn hàng xuất khẩu mới,...

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất, cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

 Vietnam’s imports and exports in the first half of 2021 and some recommendations

 Master. Pham Thi Van Anh

Department of Economics, Faculty of Economics - Law, University of Finance and Marketing

ABSTRACT:

Total import - export turnover of Vietnam in June 2021 was estimated at 54.86 billion USD, up 25% over the same period last year. Vietnam’s total import - export turnover in the first half of this year reached 317.66 billion USD, increased by 32.5% year-on-year. Despite the country experienced a trade deficit of 9.9 million USD in the first six months, the rate of trade growth was still high. This is a good economic sign as the country have faced complicated developments of Covid-19 pandemic. This paper analyzes the situation of Vietnam’s imports and exports in the first six months of this year and makes some recommendations.

Keywords: export turnover, export, import, trade balance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2021]