Tổ chức bộ máy ngành Công Thương giai đoạn 1986 - 1995

Những năm 1986-1995 cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành Công Thương có nhiều biến động, nhiều bộ được hợp nhất lại, thành lập mới hoặc đổi tên.
ngành công thương
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tháng 9/1994. (Ảnh: TTXVN)

5 nhiệm vụ của ngành Công Thương

Giai đoạn này, ngành Công Thương tập trung vào 5 nhiệm vụ:

- Thứ nhất, phát triển công nghiệp nặng nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế, quốc phòng trong chặng đường đầu tiên, và theo khả năng thực tế, chuẩn bị tiền đề cho sự phát triển kinh tế trong chặng đường tiếp theo. Ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng (điện, than, dầu khí).

- Thứ hai, phát triển các vật liệu mới và tranh thủ công nghệ hiện đại trong công nghiệp nguyên liệu, vật liệu.

- Thứ ba, đáp ứng cho được nhu cầu của nhân dân về những loại hàng thông thường.

- Thứ tư, phát triển thương nghiệp nhiều thành phần trên cơ sở tự do lưu thông hàng hóa theo luật pháp; sắp xếp lại và củng cố thương nghiệp quốc doanh trong kinh doanh vật tư kỹ thuật và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

- Thứ năm, khắc phục tính chất tự cấp tự túc, khép kín, chuyển mạnh sang nền kinh tế hàng hóa, gắn thị trường trong nước với ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.

Những thay đổi về tổ chức, bộ máy

Cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành Công Thương giai đoạn này như sau:

- Tháng 6/1986 ông Trần Anh Vinh được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Điện và Than; bà Lưu Thị Phương Mai được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm.

- Tháng 12/1986 ông Trần Diệp giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học.

- Năm 1987, thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than, Bộ trưởng: Vũ Ngọc Hải.

- Tháng 02/1987, ông Phan Thanh Liêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim thay ông Nguyễn Văn Kha.

- Năm 1988, thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ Ngoại thương và Ủy ban Kinh tế đối ngoại, Bộ trưởng: Đoàn Duy Thành.

- Ngày 26/02/1988, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 41-QĐ/ TW giải thể Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học, chuyển giao nhiệm vụ Tổng cục này cho Bộ Cơ khí và Luyện kim261.

- Ngày 15/3/1988, Ban Bí thư có Thông báo số 76-TB/TW lập thêm Ban Giám sát điện năng tại Bộ Năng lượng262.

- Tháng 4/1988, ông Trương Thiên giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt.

- Tháng 02/1990, ông Trần Lum giữ chức Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim.

- Tháng 3/1990, hợp nhất 3 bộ: Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư thành Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng: Hoàng Minh Thắng.

- Tháng 3/1990, thành lập Bộ Công nghiệp nặng trên cơ sở hợp nhất Bộ Cơ khí và Luyện kim và 3 Tổng cục: Hóa chất, Địa chất, Dầu khí, Bộ trưởng: Trần Lum.

- Năm 1990, thành lập một số Tổng công ty thuộc Bộ Công nghiệp nặng, như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất cơ bản, Tổng công ty Hóa chất công nghiệp và Hóa chất tiêu dùng, Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật Điện...

- Năm 1991, đổi tên Bộ Thương nghiệp thành Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ trưởng: Lê Văn Triết.

- Năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch đổi tên thành Bộ Thương mại, Bộ trưởng: Lê Văn Triết.

- Năm 1995, thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ, Bộ trưởng: Đặng Vũ Chư.

Đaò Mạnh Đức