Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam: Tích cực triển khai các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới

Đây là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu nêu ra tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới, giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch Hành động vì sự tiến bộ p

Từ năm 2011 - 2015, công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; Đã có nhiều chính sách, văn bản pháp luật của các cơ quan chức năng được ban hành như Luật về Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặc biệt là Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn (2011 - 2010). Đây thực sự là những điều kiện thuận lợi, giúp Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (TCT) nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung thực hiện, đảm bảo quyền của phụ nữ và thúc đẩy BĐG.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong 5 năm qua, TCT và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai các hoạt động VSTBPN và BĐG đạt kết quả tốt. Nữ CNVCLĐ TCT đã nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn cùng toàn TCT thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết quả công tác bình đẳng giới

Ông Nhâm Minh Thuận - Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban VSTBPN TCT đang trình bày báo cáo tại Hội nghị

Hiện tổng số CNVCLĐ toàn TCT là 13.004 người. Trong đó lao động nữ là 5.411 người, chiếm 41,52% trên tổng số lao động; tổng số lao động nữ làm việc trong khối thuốc lá là 2.186 người, chiếm tỷ lệ 34,96%; tổng số lao động nữ làm việc trong khối bánh kẹo, thực phẩm là 2.098 người, chiếm tỷ lệ 49,8%; tổng số lao động nữ làm việc trong ngành nông nghiệp là 394 người, chiếm tỷ lệ 33,29%; trong khối nghiên cứu khoa học, tổng số lao động nữ chiếm tỷ lệ 41,04%; trong khối thương mại và cung ứng vật tư, lao động nữ chiếm tỷ lệ 25,84%. Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt trong TCT đạt 16,7%; tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng ban, phân xưởng đạt 18%, đạt tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo trong khối doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý (7%).

Các mục tiêu về VSTBPN và BĐG được thực hiện lồng ghép trong nhiều hoạt động chung của TCT và từng đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực việc làm, đời sống, chăm sóc sức khỏe, đào tạo bồi dưỡng, thực hiện các chế độ chính sách… Các chỉ tiêu đề ra của TCT về cơ bản đạt kết quả khả quan với xu hướng năm sau tốt hơn năm trước. Nữ CNVCLĐ đã tích cực tham gia ngày càng quan trọng trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; Giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Tuy có những hạn chế nhất định trong công việc, nhưng nữ CNVCLĐ vẫn được TCT và các đơn vị quan tâm, chăm lo qua việc ban hành và thực hiện những chính sách ưu tiên như ký Thỏa ước lao động tập thể, trong đó quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của nam, nữ bình đẳng như nhau; Bình đẳng trong công tác đào tạo, tuyển dụng; Số lao động nữ được ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mới hàng năm đạt trung bình 200 người/năm, chiếm tỷ lệ 30% trong tổng số lao động được ký hợp đồng. Thực hiện đúng các quy định về chế độ nghỉ thai sản, giờ nghỉ cho việc chăm sóc con cái, gia đình; Không bố trí lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại…, số lao động nữ làm công việc nặng nhọc có thai từ tháng thứ 7 được chuyển công việc nhẹ hơn là 105 người; Công đoàn các cấp thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về BĐG với 3.397 lượt người được tham gia, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ 40%.

Và một trong những việc làm thể hiện sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo TCT về VSTBPN là thành lập Ban VSTBPN. Ban VSTBPN của TCT có 11 người, trong đó Trưởng Ban là đồng chí Phó tổng giám đốc TCT, đồng chí Chủ tịch Công đoàn làm Phó ban và trong quá trình hoạt động, Ban luôn được kiện toàn; Ở các đơn vị thành viên có 20/25 đơn vị thành lập Ban VSTBPN.

Trong 5 năm qua, hoạt động VSTBPN và BĐG của TCT và các đơn vị thành viên đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề được các đại biểu quan tâm. 

Bà Trần Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà trình bày tham luận tại Hội nghị

Theo ý kiến của đại diện Ban VSTBPN Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà: “Phải coi công tác cán bộ phụ nữ thực chất là một trong những nội dung của nhiệm vụ giải phóng phụ nữ; là nhiệm vụ của tất cả các thành viên trong hệ thống chính trị; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cán bộ nữ và nên đưa chỉ tiêu về cán bộ nữ là một nội dung trong nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng và các cấp chính quyền”.

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Ban Nữ công Công ty Thuốc lá Thăng Long trình bày tham luận tại Hội nghị

Còn ở Công ty Thuốc lá Thăng Long, trong 5 năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ trong vị trí quản lý, lãnh đạo chưa tương xứng với năng lực hiện có, chưa sát với mục tiêu TCT đưa ra. Cụ thể: 18,7% số cấp ủy; 15% chức vụ từ giám đốc, phó giám đốc công ty; 15% chức vụ trưởng, phó phòng; 9,09% chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn cấp cơ sở. Trong giai đoạn 2016 - 2020, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ nữ CNVCLĐ; 100% cán bộ nữ được cử tham gia các lớp đào tạo theo kế hoạch của Công ty. 

Ông Nguyễn Năm Tiến - Chủ tịch Công đoàn, Phó Ban VSTBPN Công ty Thuốc lá Sài Gòn trình bày tham luận tại Hội nghị

Theo đề xuất của Công đoàn Công ty Thuốc lá Sài Gòn: Cán bộ nữ trong Ban Nữ công đều làm công tác kiêm nhiệm nên trong hoạt động còn hạn chế, chưa có kỹ năng lồng ghép giới trong hoạt động phong trào thi đua, nhất là trong công tác tuyên truyền pháp luật về BĐG, vì vậy cần tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ năng cho các nữ cán bộ; Tạo mọi điều kiện Ban Nữ công tổ chức các hoạt động phong trào, tạo không khí sôi nổi thu hút lao động nữ tham gia; quan tâm giải quyết tốt các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ để họ yên tâm sản xuất. 

Bà Nguyễn Thu Ba - Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris trình bày tham luận tại Hội nghị

Ở Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris: Mặc dù làm việc trong công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lao động nữ vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách, được tạo nhiều cơ hội học tập thăng tiến như nam giới. Thông qua Hội nghị Người lao động, hàng năm Ban Nữ công đã xây dựng và thực hiện các chính sách đối với lao động nữ, qua đó quyền lợi của lao động nữ được đảm bảo, đời sống được tăng lên rõ rệt, không có trường hợp nào khiếu kiện về vi phạm quyền lợi. Đã có nhiều phong trào trở thành truyền thống hàng năm, thu hút đông đảo cán bộ nữ tham gia, tạo nên khí thế sôi nổi, đoàn kết, giúp họ yên tâm làm việc, điển hình như các phong trào: “Hội thi khéo tay”, “Hội thi VPM Gotʹ t talent”, “Hội diễn văn nghệ”…

Tiến tới 100% các đơn vị thành viên thành lập Ban VSTBPN

Để tiếp tục thực hiện các hoạt động VSTBPN và BĐG có hiệu quả, giai đoạn 2016 - 2020, TCT đề ra mục tiêu nâng cao trình độ của phụ nữ về mọi mặt, đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ CNVCLĐ về cơ hội, sự tham gia và hưởng lợi trên các lĩnh vực hoạt động. Trong đó nổi bật là một số tiêu chí: Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng đạt từ 25% trở lên; có ít nhất 1 lãnh đạo chủ chốt là nữ ở 80% các đơn vị; đào tạo 100% lao động nữ trong diện thuộc đối tượng đào tạo theo kế hoạch đào tạo của TCT; 100% phụ nữ làm nghề độc hại, nguy hiểm được khám bệnh chuyên khoa và bệnh nghề nghiệp; 100% phụ nữ có thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi không phải làm đêm; 100% các đơn vị có tổ chức tuyên truyền về BĐG cho CBCNVLĐ…

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, TCT đã đưa ra một số giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, công đoàn các cấp đối với hoạt động VSTBPN; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ tham gia công tác VSTBPN các cấp; tiếp tục cải tiến nội dung, phương thức hoạt động VSTBPN, tăng cường lồng ghép trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách; xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ nữ, đồng thời thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo yêu cầu chuẩn hóa cán bộ; tiến hành sơ kết, tổng kết theo định kỳ, đánh giá kết quả và khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động VSTBPN nhằm động viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ làm công tác VSTBPN; đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về giới và BĐG vào nội dung sinh hoạt của Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Cùng với những giải pháp đồng bộ, TCT cũng kiến nghị với các Bộ, ngành chức năng: Bộ Công Thương quan tâm và chỉ đạo cụ thể hơn để định hướng cho công tác BĐG và VSTBPN của TCT nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung; hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những nội dung liên quan đến các hoạt động VSTBPN để nâng cao hoạt động của Ban VSTBPN tại các đơn vị; Bộ Công Thương hỗ trợ công tác biên soạn tài liệu phục vụ tuyên truyền để thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn ngành Công Thương.

Những năm qua, với những chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn mong muốn, tạo những điều kiện thuận lợi để người phụ nữ được phát huy tốt vai trò của mình trong xã hội. Đã có nhiều gương điển hình về người phụ nữ với những đóng góp đáng kể cho đơn vị, cho xã hội. Tuy nhiên trong thực tế, ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại những bất cập làm hạn chế sự phát huy vai trò của người phụ nữ, trong đó có nhiều nguyên nhân như định kiến, sinh sản, yếu mềm… Bởi vậy để vai trò của người phụ nữ được thực sự bình đẳng trong các doanh nghiệp, trong xã hội thì không phải chỉ dựa vào các giải pháp của đơn vị, của các tổ chức, mà điều quan trọng hơn nữa chính là những người phụ nữ cần biết tự phấn đấu, vươn lên, vượt qua mọi định kiến để khẳng định vị trí, năng lực của mình.