Tổng công ty Viglacera (VGC): Đã sẵn sàng triển khai 50.000 căn nhà ở xã hội

Tổng công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC) vừa cho biết đã sẵn sàng triển khai loạt dự án nhà ở xã hội với mục tiêu cung ứng 50.000 căn nhà trong giai đoạn 2022 - 2030.
Nhà ở xã hội kim chung
Dự án nhà ở xã hội CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) do Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư.

Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC – sàn HoSE) vừa cho biết hiện nhiều dự án nhà ở xã hội của công ty đã sẵn sàng để triển khai, chỉ đợi thị trường thuận lợi để chính thức khởi công, hướng đến mục tiêu đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera, các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới được lên kế hoạch phát triển toàn diện với các dự án cụ thể như: Dự án Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam), Dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung - Hà Nội, Dự án Nhà ở công nhân tại Hải Yên - Quảng Ninh hoặc thông qua tham gia đấu thầu các dự án mới tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức, với việc Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ bước đầu tháo bỏ những rào cản pháp lý cho nhà đầu tư và đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi) áp dụng từ ngày 1/1/2025 sẽ tháo gỡ một số khó khăn cho các chủ đầu tư. Trong Luật Nhà ở cũ, các chủ đầu tư phải dành 20% diện tích dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội nhưng Luật mới cho phép chủ đầu tư: (1) xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí khác nằm ngoài dự án nhà ở thương mại hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất nhà ở xã hội và (2) phát triển các dự án nhà ở thương mại và kinh doanh dịch vụ thương mại tối đa 20% diện tích dự án nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại này.

Các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở dành cho công nhân, được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ sinh thái khu công nghiệp hiện nay của Tổng công ty Viglacera.

Giá cổ phiếu VGC Tổng công ty Viglacera
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VGC của Viglacera từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Diện tích đất KCN cho thuê mới và MOU của Tổng Công ty Viglacera (VGC) ở mức cao nhất 3 năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện Tổng công ty Viglacera sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha. Các khu công nghiệp này đã thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với hơn 16 tỷ USD vốn FDI, trong đó có các doanh nghiệp tên tuổi lớn trên thế giới như Samsung, Amkor, Canon, Hyosung, Anam Electronics, IRC Tire, Toyoda Gosei…

Trong bối cảnh mảng vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, mảng bất động sản khu công nghiệp đã trở thành động lực chính, thúc đẩy kết quả kinh doanh của Tổng công ty Viglacera trong thời gian qua.

Theo ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera, luỹ kế 11 tháng năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty ước đạt 1.663 tỷ đồng, hoàn thành 137% kế hoạch cả năm nay; trong đó, lợi nhuận công ty mẹ hoàn thành 142% kế hoạch cả năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2023, Tổng công ty Viglacera ước tính sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 218 ha diện tích kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, tiếp tục giữ vai trò đóng góp chính cho mức doanh thu chung của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 5/1, thị giá cổ phiếu VGC đạt 52.000 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang