Tổng công ty Viglacera (VGC): Ước lãi 10 tháng năm nay vượt 36% mục tiêu cả năm

Tổng công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC) vừa cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10 tháng năm nay đạt 136% kế hoạch năm và đang tiếp tục triển khai các thủ tục thoái vốn Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Tổng công ty Viglacera
 Buổi họp giao ban tháng 10/2023 của Tổng công ty Viglacera.

Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2023 với lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 108% kế hoạch tháng đề ra. Luỹ kế 10 tháng năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận lãi tăng thêm 72,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 135% kế hoạch cả năm nay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty Viglacera đạt gần 1.589 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này trong tháng 10/2023 ước đạt khoảng 57 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera cho biết thêm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong tháng 10 đạt 110% kế hoạch tháng, lũy kế 10 tháng đạt 136% kế hoạch năm. Trong năm nay, doanh nghiệp này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.210 tỷ đồng; như vậy, lợi nhuận lũy kế 10 tháng ước đạt gần 1.646 tỷ đồng.

Đối với mảng vật liệu xây dựng, kênh xuất khẩu là điểm nhấn khi đạt 105% kế hoạch tháng 10/2023 và luỹ kế 10 tháng năm nay đã tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm gạch ốp lát và kính ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Về triển vọng kinh doanh quý 4, ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera chia sẻ, sẽ tiếp tục tập trung vào 2 lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản. Đối với lĩnh vực bất động sản, Tổng công ty Viglacera sẽ phát triển, mở rộng quy mô các khu công nghiệp tại các địa phương có lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông, nguồn điện và chính sách đầu tư…

Mảng bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính của Tổng công ty Viglacera trong năm 2024. Hiện công ty đang sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp, với phần diện tích thương phẩm còn lại khoảng 1.139 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh khi dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có tín hiệu tích cực trở lại sau giai đoạn trầm lắng.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Tổng công ty Viglacera vừa qua đã sản xuất thành công kính siêu trắng (ultra clear glass) đầu tiên tại Việt Nam. Đây là loại vật liệu xây dựng mới có tiềm năng phát triển lớn trong cả ngành xây dựng và năng lượng tái tạo. Kính siêu trắng được xác định là sản phẩm chủ lực của Tổng công ty Viglacera trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu VGC Tổng công ty Viglacera
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VGC của Viglacera từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Sonadezi Châu Đức (SZC): Lãi đậm mảng BĐS dân cư, lợi nhuận quý 4 có thể tăng 76%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Viglacera tiếp tục triển khai các thủ tục cho công tác thoái vốn Nhà nước theo chủ trương của Bộ Xây dựng, đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2024 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2024-2028. Vừa qua, ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera đã phê duyệt gói thầu “Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và định giá cổ phần Tổng công ty Viglacera cho mục đích thoái vốn Nhà nước”.

Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng công ty Viglacera là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex – công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%. Sau đợt thoái vốn hồi năm 2017, Bộ Xây dựng hiện có chủ trương thoái khoảng 38% vốn cổ phần tại Tổng công ty Viglacera trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 10/11, cổ phiếu VGC có giá tham chiếu tại mức 50.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 55% so với thời điểm đầu năm nay.

Lan Anh