Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Hội nghị nhằm tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2009 và triển khai Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong nghiệp đến năm 2020
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 20 tháng 11 năm 2020, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 (Chiến lược SXSH) và Phát động Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, đại diện Sở Công Thương và Trung tâm tư vấn khuyến công các tỉnh, Thành phố; Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững cùng các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đến đưa tin về sự kiện.

Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009. Chiến lược đã xác định mục tiêu “Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững”.

ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: “Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Công Thương với vai trò đơn vị chủ trì thực hiện Chiến lược SXSH đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và đặc biệt là phối hợp với các Sở Công Thương triển khai hàng loạt các hoạt động từ cấp Trung ương đến địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược và các Tỉnh, Thành phố đều có Trung tâm SXSH, khuyến công, TKNL. Đó là tiền đề rất quan trọng để nối tiếp các hoạt động SXSH, tiêu dùng bền vững sau này.”

Sau 10 năm thực hiện, với những hỗ trợ từ Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp thuộc Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam Đan Mạch về môi trường, Chiến lược SXSH đã được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn 2009 – 2015 và đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra trong Chiến lược SXSH. Một số kết quả quan trọng của giai đoạn này là: Xây dựng được một trang thông tin điện tử SXSH; Đào tạo và xây dựng được mạng lưới chuyên gia tư vấn, giảng viên về SXSH trên toàn quốc; Gần 50 tỉnh, thành phố ban hành Chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược; Xây dựng và ban hành được hơn 20 hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng SXSH cho hơn 20 lĩnh vực sản xuất khác nhau. Hàng trăm phóng sự, pano, tờ rơi về SXSH được xây dựng và phổ biến.

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong nghiệp đến năm 2020
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Sở Công Thương và Trung tâm tư vấn khuyến công các tỉnh, Thành phố; Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng các nước trên thế giới đang áp dụng phổ biến. Trước những yêu cầu cấp thiết của việc tiêu dùng không bền vững đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải đưa ra một chương trình hành động cụ thể. Ngày 11/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nếu Chiến lược SXSH tập trung vào việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và năng lượng chủ yếu trong hoạt động sản xuất thì Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến bảo toàn chuỗi giá trị của nguyên nhiên vật liệu, năng lượng trong toàn bộ vòng đời của nó.

Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong nghiệp đến năm 2020

Năm 2019, với việc đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bên vững giai đoạn đến năm 2020 và Chiến lược SXSH, Bộ Công Thương đã xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe, giới thiệu những mô hình thành công trong áp dụng Chiến lược SXSH, đồng thời được phổ biến, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Gian hàng trưng bày của Daikin
Gian hàng của Daikin tại Hội nghị.

Cũng tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam và Daikin Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như tầm nhìn chiến lược trong vấn đề môi trường, các cơ chế tài chính hỗ trợ tiêu dùng bền vững…

Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030:

  • Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  • Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh;
  • Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng;
  • Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm;
  • Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững;
  • Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái;
  • Đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng;
  • Đẩy mạnh mua sắm bền vững;
  • Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững;
  • Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải;
  • Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  • Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  • Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  • Thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh;
  • Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Lan Anh