Trong ngày 7/11, ông Gao Feng - người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý hủy bỏ một số mức thuế hiện có đối với hàng hóa của nhau, và hai bên đã gần hoàn tất thỏa thuận thương mại sơ bộ sau các cuộc đàm phán tích cực diễn ra trong hai tuần qua. Ông Gao Feng cũng nhấn mạnh, một điều kiện quan trọng đối với thoả thuận thương mại ở giai đoạn này là Hoa Kỳ và Trung Quốc phải đồng thời dỡ bỏ thuế quan. Sau thông tin trên, cả ba chỉ số chứng khoán quan trọng tại Hoa Kỳ, gồm Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đã đồng loạt tăng lên mức cao nhất mọi thời đại khi thị trường lạc quan về triển vọng chấm dứt xung đột thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ đã nhanh chóng bác bỏ thông tin trên. Theo hãng truyền thông CNBC, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết ông chưa đồng ý dỡ bỏ thuế quan cho hàng hoá Trung Quốc, dù phía Trung Quốc mong muốn điều này. Sau câu trả lời của ông Donald Trump, thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ đã đồng loạt giảm điểm.
Xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kéo dài hơn 16 tháng với việc hai quốc gia áp thuế lên hàng tỷ USD giá trị hàng hoá kể từ đầu năm 2018, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và tâm lý người tiêu dùng ở cả hai quốc gia, cũng như làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hiện Chính phủ Hoa Kỳ đang gây áp lực ngày càng lớn đối với Trung Quốc nhằm hạn chế những khoản trợ cấp cho các công ty nhà nước và vấn đề chuyển giao công nghệ.
Mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý về một thỏa thuận thương mại sơ bộ sau cuộc họp kéo dài 2 ngày vào giữa tháng 10/2019, thỏa thuận thương mại này được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố là “lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” vẫn chưa được chính thức ký kết. Các nhà phân tích chỉ ra rằng thỏa thuận thương mại sơ bộ này chưa giải quyết được các xung đột cốt lõi giữa hai nền kinh tế và có thể cần một thỏa thuận toàn diện hơn để chấm dứt các xung đột thương mại. Các khúc mắc chính mà Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cần đàm phán để tiến tới giải quyết dứt điểm cuộc chiến thương mại lần này, gồm việc hoãn lại đợt tăng thuế tháng 12, vấn đề về tập đoàn Huawei, danh sách Thực thể của Hoa Kỳ, cáo buộc thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và việc dỡ bỏ các đợt tăng thuế hiện tại.
Theo hãng tin Reuters, sau tuyên bố của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đồng ý dỡ bỏ thuế quan, quan điểm hoài nghi đã nhanh chóng lan rộng. Một số quan chức thuộc Chính phủ Hoa Kỳ và cố vấn về các vấn đề bên ngoài của Tổng thống Hoa Kỳ đã có ý kiến trái chiều về việc thuế quan được loại bỏ, lo ngại rằng việc này sẽ làm giảm lợi thế của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Ông Michael Pillsbury, giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc cho hay: "Không có điều khoản cụ thể nào cho việc gỡ bỏ thuế theo lộ trình. Phía Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra chi tiết về thời gian cũng như loại thuế sẽ được dỡ bỏ. Phía Trung Quốc mong muốn điều đó và đang cố gắng xoa dịu tâm lý của những người có quan điểm hoài nghi trong nước với lời hứa hẹn một ngày nào đó, thuế sẽ được xóa bỏ".
Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng phủ nhận thông tin mà Trung Quốc đưa ra. Trả lời phỏng vấn Fox Business Network, ông Peter Navarro cho biết "người duy nhất có thể đưa ra quyết định dỡ bỏ thuế quan là Donald Trump."
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang nỗ lực để hoàn tất một thỏa thuận thương mại sơ bộ. Hai nước từng dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận này tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng 11 này. Tuy nhiên, Chile đã hoãn tổ chức APEC do bất ổn chính trị, đồng thời, khiến lịch trình đi đến thoả thuận bị đẩy lùi. Đồng thời, một số thông tin từ Chính phủ Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận thương mại sơ bộ có thể chưa sẵn sàng để hoàn tất cho đến tháng 12/2019.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ký kết thoả thuận thương mại sơ bộ tại Hoa Kỳ. Ông cũng đưa ra đề nghị về địa điểm hai bên có thể gặp mặt là bang Iowa (Hoa Kỳ).