Triển vọng sáng của doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Năm 2020, dưới sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành chế biến lương thực, thực phẩm vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, thậm chí còn được hưởng lợi. Vì thế, bước sang 2021, các doanh nghiệp ngành này kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá hơn bởi còn nhiều trợ lực cho sự phát triển.

“Cuộc đua” mở rộng sản xuất

Hiện các doanh nghiệp vẫn chưa chính thức công bố báo cáo kinh doanh quý 4 và cả năm 2020. Nhưng sơ bộ đã cho thấy kết quả kinh doanh khả quan hơn so với nhiều ngành khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm vẫn tiếp tục báo lãi. Đơn cử, báo cáo kinh doanh sơ bộ năm 2020, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (một thành viên của Tập đoàn PAN) ghi nhận doanh số tiêu thụ chung đạt 192 triệu USD, tăng 20% và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 235 tỷ đồng.

Với đà phát triển trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thực phẩm đã mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, đầu tư thêm nhà máy để tiếp tục tiến lên trong năm 2021.

Hồi tháng 10/2020, Công ty Cổ phần Masan MEATLife đã công bố việc mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm thông qua rót vốn 613 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần tại Công ty 3F VIỆT. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, đây là bước đi chiến lược hướng đến tầm nhìn chuyển đổi Masan MEATLife thành một công ty hàng tiêu dùng thực thụ.

Tương tự, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (một thành viên của Tập đoàn PAN) cũng dự kiến tăng vốn điều lệ và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh ngành tôm, đầu tư 200-250 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất 15.000 tấn/năm vào đầu năm 2021.

Công ty TNHH Meizan CLV cũng đang lên kế hoạch mở rộng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm gia tăng. Theo dự kiến nhà máy này sẽ hoàn thành năm 2021, nâng công suất lên hơn 200% so với hiện tại.

Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng đã lên kế hoạch thành lập một số công ty con để đầu tư khu chăn nuôi lợn công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa và Bình Phước...

Ngoài ra, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam cũng đang đón nhận nhiều “đại bàng” tới đầu tư. Cuối tháng 12/2020, tại tỉnh Bình Phước đã khánh thành tổ hợp nhà máy CPV Food Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD. Đây được cho là tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Mục tiêu trong năm 2021, tổ hợp nhà máy chế biến thịt gà sẽ xuất khẩu sang Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Đông…

Masan MEATLife
Công ty Cổ phần Masan MEATLife đã rót vốn 613 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần tại Công ty 3F VIỆT

 

Gia tăng xuất khẩu nhờ FTA

Theo Bộ Công Thương, sản xuất và chế biến sữa, đồ uống, dầu ăn và bánh kẹo dự báo tăng trưởng và trở thành các phân khúc thị trường chế biến năng suất nhất của Việt Nam. Đặc biệt, sau khi các thỏa thuận thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành chế biến thực phẩm sẽ được mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn. Tính đến năm 2020 cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm.

Cũng về vấn đề này, báo cáo của FiinGroup nhận định, năm 2021, nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế theo FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp các doanh nghiệp trong ngành này cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC sugar) cho biết, EVFTA chính thức có hiệu lực được xem là đòn bẩy tích cực khi thuế suất áp dụng đối với mặt hàng đường nhập khẩu vào châu ÂU là 0%. Do đó, công ty sẽ tiếp tục khai thác các quốc gia mới, gia tăng đơn hàng và đẩy mạnh thị phần ở thị trường quốc tế. Vừa qua, TTC sugar đã xuất khẩu thành công 500 tấn mật rỉ organic đầu tiên sang thị trường Mỹ, nâng tổng số thị trường của doanh nghiệp này lên 24 quốc gia.

Tuy nhiên, năm tới, các doanh nghiệp ngành này cũng gặp không ít thách thức. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho rằng, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả, thương hiệu… với các doanh nghiệp nước ngoài tại chính "sân nhà". Cùng với đó, lãnh đạo Công ty Sao Ta nhận định, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều lên hệ thống tiêu thụ thực phẩm dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...), thu nhập người tiêu dùng cũng bị giảm đi, khiến giá cả tiêu thụ chỉ ở mức trung bình.

Dù vậy, một khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 94,7% doanh nghiệp đã nhận ra những khó khăn mà ngành lương thực thực phẩm đang phải đối mặt và đang điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối của mình để có thể thích nghi với khủng hoảng. Vì thế, các doanh nghiệp cho rằng Covid-19 đang tạo ra cú huých thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và cả chiến lược của ban lãnh đạo… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa, thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, cải tiến sản phẩm…