Trò chuyện với tác giả đạt giải Nhất Hoạt động bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt Nam” năm 2017

“Không đi vào lối mòn chụp công nhân hầm lò tan ca hay đặc tả nụ cười trắng xóa trên khuôn mặt lấm lem than bụi như các tác phẩm khác, bức ảnh “Chờ tiếng còi phá hóa” gây xúc động vì tác giả đã lột tả

Theo nhận định của bà Hồ Nga, thành viên Ban Giám khảo chấm Chung cuộc Hoạt động Bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt” năm 2017, bức ảnh “Chờ tiếng còi phá hỏa” đã hội tụ đầy đủ mọi tiêu chí của một bức ảnh vừa thời sự vừa nghệ thuật. “Không đi vào lối mòn chụp công nhân hầm lò tan ca hay đặc tả nụ cười trắng xóa trên khuôn mặt lấm lem than bụi như các tác phẩm khác, bức ảnh “Chờ tiếng còi phá hóa” gây xúc động vì tác giả đã lột tả được nét hồi hộp, chờ đợi tiếng nổ của những người thợ hầm lò. Khai thác than hầm lò ai chả biết là một quy trình nghiêm ngặt, song không ai có thể chắc chắn sau tiếng nổ đó sẽ là gì? Do vậy, nét hồi hộp nghiêm túc trên mỗi khuôn mặt đã ám ảnh người xem. Nhưng thứ ánh sáng dịu dàng mang sắc mầu niềm tin tỏa ra từ những chiếc đèn trên trán của thợ lò mới chính là sự cân bằng cho thấy đây chính là tư tưởng của tác phẩm”.

Phạm Cường trong một lần tác nghiệp dưới hầm lò

Tác phẩm “Chờ tiếng còi phá hỏa” – tác giả Phạm Cường đã giành giải Nhất Hoạt động Bình chọn ảnh "Tôi yêu hàng Việt Nam" năm 2017 nằm trong khuôn khổ Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam năm 2017 do Tạp chí Công Thương tổ chức. Bức ảnh quả thật đã khiến người xem có rất nhiều suy nghĩ. Ít ai biết rằng, tác giả của bức ảnh lại là một tay máy không chuyên. Phạm Cường, sinh năm 1982, hiện là cán bộ Văn Phòng Công ty Cổ phần than Vàng Danh – Vinacomin, công tác ở Uông Bí, Quảng Ninh. Anh “nghiệp dư” chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc của những người thợ lò, cũng là đồng nghiệp của anh, đang làm việc dưới độ âm hàng trăm mét ở mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh).

Chúng tôi tìm gặp Phạm Cường đúng lúc anh đang chuẩn bị xuống lò chụp ảnh mà như Cường làtếu táo là “đang phấn đấu kiếm thêm một "Chờ tiếng còi phá hỏa" để động viên tinh thần thợ mỏ đây". Cường cho biết, mỗi lần theo các thợ lò xuống vỉa 7, Khu 2, giếng Vàng Danh ở độ sâu khoảng 70m để tác nghiệp là anh sẽ có khoảng hơn 3 tiếng dưới lòng đất. Trong bộ đồ chuyên dụng của những người thợ lò, tôi nhìn thấy ngoài hình ảnh một tay máy lăn lộn với nghề còn là một người luôn muốn được trải nghiệm, chia sẻ những khó khăn với thợ mỏ - theo – cách - của – anh – ý.

...cùng tác phẩm "Chờ tiếng còi phá hỏa"

"Bức ảnh này là để tri ân những người cán bộ công nhân viên ngành than, đặc biệt là CBCNV Công ty Cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin nơi mình đang công tác, mong rằng chút đóng góp nhỏ này của mình sẽ trở thành động lực để cả ngành than sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách" - tác giả Phạm Cường chia sẻ. Theo lời kể của tác giả, bức ảnh "Chờ tiếng cói phá hỏa" được anh chụp hồi tháng 6/2017. Hôm đó, anh "vác" máy ảnh, vận đồ trang phục chuyên dụng theo các thợ lò xuống khu vực lò chợ 3B thuộc vỉa 7, Khu 2, giếng Vàng Danh. Mỏ than này Công ty CP than Vàng Danh - Vinacomin đang khai thác từ nhiều năm nay. Đây là một mỏ nằm ở độ sâu từ 70 đến 100m dưới lòng đất.

Về lý thuyết, Cường hiểu rằng khai thác than hầm lò luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Người công nhân phải làm việc trong một môi trường thiếu ánh sáng, thiếu gió trời. Người công nhân mỏ phải tiếp xúc thường xuyên với các chất độc hại như bụi than, đá, kim loại (cadimi, man gan...), phóng xạ và các loại hơi khí độc CH4, CO, CO2… Thợ mỏ công việc thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cháy nổ, đá đổ, sập lò, bục nước, ngạt khí có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng lý thuyết không thì chưa đủ. Để hiểu sâu hơn, có nhiều tư liệu sống về người thợ mỏ hơn, Cường đã không quản ngại khó khăn, xuống hầm cùng các anh.

Hai cha con tác giả trong một lần tác nghiệp

Nhà nhiếp ảnh nghiệp dư đã hiểu hơn rằng, khai thác ngày càng xuống sâu, và xa, địa chất ngày càng phức tạp khiến công tác quản lý kỹ thuật an toàn lại càng khó. Nghề thợ lò có những quy chuẩn cực cao về an toàn lao động. Để xuống được đó, các thợ mỏ phải tuân theo những quy định ngặt nghèo về an toàn lao động. Tuyệt đối không được mang bật lửa, điện thoại di động hay những thứ gì có thể gây cháy. Sau khi được kiểm tra kỹ càng, tác giả cùng các thợ mỏ được "xe" chuyên dụng đưa xuống hầm lò. Từ đây, họ tiếp tục đi theo xe goòng hoặc đi bộ đến nơi làm việc trong hoàn cảnh ngột ngạt, tăm tối, thiếu dưỡng khí…

Bức ảnh anh Phạm Cường chụp vào khoảnh khắc anh em đang đợi tiếng mìn nổ, làm om những lớp than để khai thác. "Trong không gian hạn hẹp, tăm tối, lẫn khói mìn càng tạo thêm cảm giác mịt mờ nếu ai lần đầu tiên chứng kiến. Anh em ngồi lại bên nhau, tập trung cao độ chờ tiếng còi phá hoả để thực hiện nhiệm vụ. Có xuống sâu trong lòng đất, ở bên những người thợ lò những lúc ấy mới thấm hiểu hết sự nguy hiểm của những người thợ lò. Tôi bấm một loạt kiểu ảnh mà thấy khóe mắt cay cay..." – tác giả Phạm Cường chia sẻ.

Thật ra, đối với nhiếp ảnh, Phạm Cường vừa quen vừa lạ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vàng Danh yêu dấu, gia đình anh hai đời theo nghề mỏ. Cha anh chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Ngọc Anh, người đã cống hiến cho mỏ gần 40 năm, nay đã nghỉ hưu. Ông là người đã chụp hàng trăm ngàn bức ảnh có giá trị về nghệ thuật và lịch sử ở vùng đất mỏ. Từ nhỏ anh đã được theo cha đi sáng tác ảnh nhiều nơi, dần dần việc chụp ảnh và "máu" nghệ sĩ trong người anh bộc lộ từ lúc nào không hay.

"Cha là người đã truyền cảm hứng cho tôi, trong những tác phẩm của tôi đều có sự ảnh hưởng không nhỏ từ phong cách nghệ thuật của ông. Trong cuộc thi ảnh Tôi yêu hàng năm 2017, cha tôi cũng có một số tác phẩm dự thi, trong đó tác phẩm "Nụ cười giờ tan ca" của ông cũng được giải Nhất Tuần và được lọt vào vòng bình chọn Chung cuộc. Ngoài ra, tôi còn được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ gia đình, đặc biệt là mẹ và vợ tôi, họ là hậu phương vững chắc, là chỗ dựa tinh thần của tôi góp phần không nhỏ vào giải thưởng mà tôi có được".

Một số tác phẩm của tác giả Phạm Cường gửi tham dự Hoạt động Bình chọn ảnh "Tôi yêu hàng Việt Nam" năm 2017

 Phạm Cường cho biết: “Tôi tham gia Hoạt động Bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt Nam” năm 2017 hết sức tình cờ. Một ngày nọ có một bạn gọi điện, giới thiệu về Chương trình, về Hoạt động Bình chọn ảnh. Tôi lắng nghe và thấy rất thích thú vì chương trình của các bạn ý rất hay, vậy là sớm mai gửi ảnh luôn. Tôi luôn có tình cảm với hàng hóa do người Việt mình sản xuất, đã là người Việt Nam thì chuyện dùng hàng Việt Nam và yêu hàng Việt Nam là hết sức bình thường và dễ hiểu. Giờ đoạt giải thưởng, tình yêu của tôi càng thêm bền vững”.