Trở lại với nước Lào

Người dân nước Lào có niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật từ bi. Trong tâm khảm, họ tự răn mình phải sống ngay thẳng, thật thà; tránh xa điều xằng bậy, dối trá, “tham, sân, si”. Chính vì thế, ở Viêng Chă

    Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tín ngưỡng đó đã tạo nên một “Tính cách Lào” không dễ pha trộn: đàng hoàng, tự tin, ung dung, tự tại. Với nhân sinh quan và thế giới quan như vậy, người Lào ít khi cảm thấy mình bị thiếu thốn về vật chất, bức xúc về danh vọng, dẫu cho nền công nghiệp chưa hiện đại, kinh tế chưa phát  triển…

     Huyền diệu thay, sau khi đến Vắt Sỉ Mương, một trong những ngôi chùa thiêng nhất Viêng Chăn, tôi đã ngộ ra một điều: hiệu ứng nhân  quả, “gieo gì, gặt nấy”-  không chỉ ứng với người Lào mà còn ứng cả với một thành viên trong đoàn của chúng tôi…

     Biết rằng tình cảm chân thành, thực sự xuất phát từ trái tim có sức hút như ma mị và vô cùng ghê gớm, nhưng tôi vẫn nghĩ câu nói của Nguyễn Đình Bắc - phiên dịch viên tiếng Lào cho đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Công nghiệp - trong bữa liên hoan kết thúc chuyến đi, chỉ là … nói cho vui, khi trong lòng cậu ta đang ngập tràn cảm xúc

       Nâng ly rượu trên tay, cụng đánh “keng” một cái, Bắc nói với mọi người :

-          Em sẽ trở lại với nước Lào! Hẹn gặp các anh, các chị ở bên đó nhé!

Tôi đùa :

            -  Chắc là trong chuyến đi này, gặp lại người yêu cũ, bịn rịn quá nên Bắc muốn trở về Viêng Chăn chứ gì? 

Bắc cười cười:

-          Cô ấy đi lấy chồng rồi!

-          Sao em biết? Hôm nọ gặp rồi à?

            Bắc không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà giải thích:

- Em học bên đó sáu năm liền nên em hiểu rõ phong tục, tập quán và tính cách của người Lào. Khi bạn em thay sim điện thoại, cắt đứt mọi liên hệ với em, tức là cô ấy đã có một tình cảm khác. Phụ nữ Lào là vậy!

- Thế thì em còn định sang Lào làm gì?

- Em về Trường Đại học Quốc gia lấy bảng điểm thi tốt nghiệp và có thể sẽ tìm việc làm bên ấy anh ạ!

-  Hà Nội thiếu gì việc mà phải sang Lào?

-  Khả năng này mới xuất hiện mấy hôm nay, nhưng mà em sẽ quyết tâm thực hiện, trước hết là một chuyến trở lại nước Lào theo lời mời của bạn bè, anh em. Em thấy nhớ nước Lào ghê gớm!

- Hi, nhớ là một chuyện, còn chuyển hướng công việc, chuyển hướng cuộc đời lại là chuyện khác. Thôi uống đi… Nào, nâng cốc! À, trong tiếng Lào, nâng cốc là gì nhỉ?

- Nhôốc choọc!

- Ừ, đúng rồi! Nào, nhôốc choọc! Nhôốc choọc! Nào, uống đi…

Chưa hết mệt mỏi sau chuyến công tác; niềm vui và những cảm xúc mới lạ về con người, đất nước Triệu Voi cũng chưa kịp lắng xuống thì tôi nhận được tin nhắn của Bắc: “ Em sắp đi Lào anh ạ! ”. Tôi hết sức ngỡ ngàng, nhắn tin hỏi lại: “Em đi thật à?”. “Em lấy hộ chiếu rồi. Hai tuần nữa em đi!” - Bắc trả lời - “Cần tìm hiểu gì thêm về nước Lào, anh qua nhà em nhé!”

Tôi tìm đến nhà Bắc. Ngôi nhà ba tầng mới xây, cạnh dốc La Pho, gần đường Hoàng Hoa Thám. Bố mẹ của Bắc đều là người Chương Mỹ, Hà Tây. Bắc sinh năm 1982 và được theo học khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Quốc gia Lào từ năm 2000 đến cuối nam 2006.

Một năm học tiếng, năm năm học chuyên môn, cùng với sự cố gắng giao tiếp, hoà nhập nên Bắc nói tiếng Lào rất khá. Vẻ mặt hiền lành và bản tính thật thà, chất phác, cùng với thổ ngữ lơ lớ khi nói Hà Tây thành… Há Tầy khiến cho nhiều người tưởng Bắc là dân Lào chính cống. Đi phiên dịch cho đoàn, Bắc chỉn chu trong mọi công việc, làm cho ai cũng hài lòng. Sự đôn hậu, hiểu biết, nhiệt tình của Bắc đã chiếm được tình cảm của người Việt cũng như người Lào ở Viêng Chăn, Vang Viêng, Luông Phra – băng và những nơi đoàn chúng tôi đã đi qua. Rồi, như người ta thường nói, có phúc thì có phần, dần dần tôi đã tìm ra được lí do khiến Bắc trở lại nước Lào…

Được Bắc cho phép, tôi lục lọi trong tủ sách nhỏ trong nhà để tìm những tài liệu cần thiết cho công việc của mình. Tôi rất thích tập “Ca khúc Lào”, trong đó có bài “ Charm par meuang Lao”, (dịch ra tiếng Việt là “Hoa đẹp Chăm pa”), một ca khúc mà cả đoàn chúng tôi - chỉ với cây đàn ghi ta gỗ - mà già, trẻ, gái, trai; cả người Việt lẫn người Lào đều say sưa hát khi ngồi trên ô tô đi từ Viêng Chăn lên Luông Phra - băng. Đáng tiếc là phần tiếng Lào, tôi đã nhờ Bắc và nhờ cả Sổm Hắc, Trưởng đại diện Công ty Comico Lào Việt - thành viên trong đoàn - phiên âm giúp nhưng cả hai người, vì “không giành tình yêu cho âm nhạc” nên không thuộc hết bài hát này. Rời nước Lào, tôi cứ xuýt xoa tiếc rẻ cho mọi người, vì không có điều kiện nên không khắc ghi vào tâm khảm được một bài hát nổi tiếng của xứ sở hoa chăm pa để làm kỉ niệm…

Chép xong phiên âm lời bài hát bằng tiếng Lào vào sổ tay, lật sang phần “Mục lục”, tôi thấy bản “Danh sách học viên nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ” do Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức, từ ngày 20-8 đến 26-9-2007, kẹp ở trang cuối cùng của tập ca khúc. Tôi hỏi Bắc:

-          Em vẫn giữ liên lạc với các anh bên Lào phải không?

-          Vâng! Lần nào các anh ấy sang công tác, em cũng được gọi đi phiên dịch !     

          -   Hi, em có số sung sướng đấy! Hợp tác toàn với các … ông to! Em sang Lào, chắc phải có sự “mách nước” và giúp đỡ của các vị này?

-  Vâng! Các anh ấy mời em sang và bảo nếu muốn làm việc ở Lào thì sẽ hết lòng giúp đỡ!

- Thế cái ông cán bộ, tối hôm nọ đánh xe đến khách sạn Xay - Sổm - Bun đón em, có trong danh sách này không?

- Dạ có! Anh ấy tên là Nị Thà , hiện đang làm việc ở Văn phòng Uỷ ban Kế hoạch Đầu tư Lào.

-          Còn ông này, Băn Lu Xít? – Tôi nhìn vào bản danh sách, hỏi tiếp.

-          Anh ấy là phó phòng, thuộc Vụ Kiểm định và Giám sát đầu tư.

-          Coong Thoong?

-          Trưởng phòng, Bộ Năng lượng và Mỏ!

-          Sỷ Nguồn?

-          Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khăm Muộn!

-          Khắt Thạ Na?

-          Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia!

-          Su Kăn?

-          Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Viêng Chăn!

-          Vi Lay?

-          Trưởng phòng, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội!

-          Viêng Ma Ny?

-          Chị ấy là Trưởng phòng, ở Bộ Thông tin - Văn hoá!

-          Khai Sỷ?

-          Cô ấy còn rất trẻ! Chuyên viên của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào!

-          Bun Khôông?

-   Anh ấy là Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Say Nhạ Bu Ly. Trời ui! Giữa em và anh Bun Khôông, có những kỉ niệm sâu sắc không thể nào quên được!

-          Vậy hả? Hãy kể cho mình nghe đi!

-          Vâng…

Thế rồi, Bắc kể cho tôi nghe một sự cố đã xảy ra hồi tháng chín năm ngoái mà  chính vì sự cố này, tình cảm của Bắc với những người anh em bên nước Lào đã gắn bó lại càng thêm gắn bó.

....Giữa lúc Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Kế hoạch và Đầu tư bước vào giai đoạn quan trọng thì anh Bun Khôông bị ốm. Là người phiên dịch cho đoàn, Bắc và một nhân viên quản lí lớp học đã đưa anh đến bệnh viện Sanh Pôn. Anh ấy khai cho Bắc phiên dịch với bác sĩ là “ăn phải cái gì đó nên bị đau bụng…” và được bác sĩ chẩn đoán “Ngộ độc thức ăn”, kê đơn thuốc rồi cho về trị bệnh. Nào ngờ, uống thuốc vào, bệnh tình không khỏi mà lại có dấu hiệu tăng lên làm anh đau đớn, quằn quại, mặt tái nhợt, mồ hôi vã ra như tắm. 12 giờ đêm 24 - 9 - 2007, trời mưa như trút nước, Bắc đón ta - xi, đưa anh từ Nhà khách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở 16 Thuỵ Khuê vào phòng cấp cứu. Không rõ bằng cách nào, cái tin một cán bộ Lào sang Việt Nam công tác bị ốm nặng, bay ngay đến Sở Y tế Hà Nội và đích thân Giám đốc Sở chỉ thị cho Bệnh viện Sanh Pôn phải hết sức chú ý, cứu chữa tận tình. Lần này thì các bác sĩ “thẩm vấn” Bun Khôông rất kĩ. Qua sự phiên dịch của Bắc, bác sĩ mới biết là trong tiền sử, bệnh nhân đã một lần phải cắt ruột thừa và một lần phải nối ruột già. Bằng phương pháp nội soi và những xét nghiệm hiện đại, các bác sĩ đã tìm ra căn bệnh của Bun Khôông : viêm tuỵ cấp. Một ống nhựa mềm được đưa vào cơ thể bệnh nhân, hút sạch thức ăn trong dạ dày và sau hội chẩn, y lệnh điều trị mới được thực thi ngay tức khắc. Những cơn nấc cụt và những cơn đau giảm dần, Bun Khôông qua khỏi cơn nguy hiểm, nhưng những ngày sau đó, anh phải nằm gần như bất động tại phòng số 404, tầng 4, bệnh viện Sanh Pôn…

Lớp học kết thúc, Trưởng đoàn học viên Lào cử hai cán bộ ở lại Việt Nam, số còn lại phải về nước ngay để triển khai công việc. Những ngày Bun Khôông bị ốm, mặc dù không thể bỏ bê công  việc phiên dịch phục vụ đoàn, nhưng hễ có thời gian là Bắc lao vào bệnh viện, cùng y tá chăm sóc anh hết sức chu đáo - từ miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, vệ sinh cho đến thay giặt bộ quần áo anh mặc trên người. Biết con mình bận bịu vì công việc và nghĩa cử, cả tuần không bước chân về nhà, bố mẹ Bắc gọi điện động viên con yên tâm và cố gắng “làm thật nhiều việc tốt cho người ta...”

Đầu tháng 10 - 2007, Bun Khôông ra viện. Bắc cùng với cán bộ quản lí lớp học đưa anh lên sân bay Nội Bài và không quên chiêu đãi người bạn Lào một chầu phở Hà Nội nóng hổi, tại quán phở nổi tiếng nhất đường Hoàng Quốc Việt. Giờ chia tay, Bun Khôông rưng rưng cảm động. Anh gọi điện thoại về cơ quan, rồi gọi về nhà và đưa điện thoại cho Bắc nghe những lời cảm ơn của vợ anh từ tỉnh Say Nhạ Bu Ly xa lắc:

          - Bắc là ân nhân của chồng tôi! Bắc cũng là ân nhân của cả gia đình tôi! Cảm ơn Bắc rất nhiều! Rất mong có ngày được đón Bắc tại Say Nhạ Bu Ly, tại nước Lào hoặc được gặp Bắc tại Việt Nam! - Bằng tiếng Lào, vợ anh Bun Khôông đã nghẹn ngào nói qua điện thoại với Bắc như vậy. Rồi sau đó, chị tự lái xe lên sân bay Viêng Chăn đón chồng. Ngày hôm sau, Bắc lại nhận được điện thoại của vợ chồng Bun Khôông, báo tin anh chị đang sum vầy đầm ấm cùng con cái…     

 Đi thực tế, tận mắt nhìn thấy những thành tựu của Việt Nam, hiểu biết cách làm của Việt Nam để đem kiến thức về ứng dụng ở nước Lào là một trong những yêu cầu quan trọng đối với các cán bộ tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Sau những chuyến phục vụ đoàn đi tìm hiểu sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng; nắm bắt công tác giao đất, giao rừng ở Bắc Giang, Bắc còn đưa các anh, các chị đến Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, Siêu thị Big C; các danh lam, thắng cảnh, di tich lịch sử ở Thủ đô… để họ có điều kiện mua sắm, giải trí, thư giãn và mở rộng sự hiểu biết.

Cũng như ở Việt Nam, các cán bộ Lào đi công tác phải xẻn xo, tiết kiệm vì tiền công tác phí được cấp có hạn mức. Người đến Việt Nam lần đầu tỏ vẻ ngạc nhiên trước những khu nhà cao tầng, khu công nghiệp, siêu thị, công trình thể thao đồ sộ… đã đành; những người đã từng học tập, công tác tại Việt Nam trước đây cũng ngạc nhiên không kém bởi những thay đổi diệu kì của công cuộc đổi mới.

            Ngoài giờ làm việc, các anh, các chị muốn được mắt thấy, tai nghe nhiều vấn đề mới phát sinh, phát triển trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Những lúc đi lòng vòng, thăm thú như vậy, không ai muốn ngồi ta - xi, phần vì tiền nong có hạn, phần vì khó quan sát, ghi chép, tìm hiểu, nên Bắc đã trở thành “người lái xe ôm chuyên nghiệp” cho đoàn cán bộ Lào. Không còn ranh giới của người trong nước và người ngoài nước; người phục vụ và người được phục vụ - giữa Bắc và những cán bộ Lào chỉ có tình cảm anh em trong sáng, chân thành. Bắc nhớ lại:

- Có hôm, em “tăng - bo” ba chuyến liền. Về đến nhà, các anh, các chị đưa tiền mua xăng nhưng em đâu có lấy! Em bảo rằng: được giúp các anh, các chị là em  hạnh phúc lắm rồi!

Bố của Bắc làm nghề lái xe ô tô và cũng là một người rất hiếu khách. Đã từng công tác xa nhà, đã từng quen biết người Lào và đã từng rong ruổi trên các nẻo đường của đất nước Triệu Voi mênh mông nên ông rất hiểu biết, thông cảm, chan hoà, nồng nhiệt với những người bạn Lào của con. Thỉnh thoảng, ông lại tạo điều kiện cho anh chị em trong đoàn tự tay chế biến những món ăn Lào tại gia đình mình để họ được thưởng thức hương vị quê hương ngay tại Hà Nội. Quý mến anh em, ông còn kiếm được cả những chai rượu xuất xứ từ tỉnh Phong Sa Lì, loại rượu chiết suất từ một thứ rễ cây rừng, rất bổ, rất ngon, rất quý mà giá cả lại phải chăng, được người Lào ưa thích. Hàng xóm nhà Bắc vẫn còn nhớ mãi những vị khách đến từ xứ sở hoa chăm pa, chan hoà mộc mạc, từ chối ăn cơm trong phòng khách, đề nghị chủ nhà cho trải chiếu ở ngay ngoài hè  để  vừa ăn cơm, uống rượu, vừa đón gió hồ Tây thổi về mát rượi và hát hò, cười nói râm ran…

Còn trẻ nhưng do được giáo dục bài bản, có kiến thức tương đối sâu rộng, được sống trong một gia đình có nền nếp và ít nhiều đã “cọ xát” trong cơ chế thị trường khi làm việc cho các Công ty Du lịch ở Việt Nam nên Bắc rất có trách nhiệm và kỉ luật. Hôm đoàn đến Viêng Chăn, anh Nị Thà, cán bộ Văn phòng Uỷ ban Kế hoạch Đầu tư Lào, đánh ô tô đến đón Bắc đi chơi. Để bạn đợi chờ, Bắc rất nóng ruột, nhưng sắp xếp cho mọi người ăn uống, nghỉ ngơi xong xuôi, cậu ta mới rời đoàn, gặp bạn. Tối hôm đó, Bắc được các bạn ở Bộ Thông tin - Văn hoá Lào tặng một đĩa nhạc và xin phép Nị Thà, đưa Bắc đi chơi với lời hứa: ba giờ sáng, Bắc sẽ được trả về khách sạn Xay - Sổm – Bun để sớm hôm sau, đưa đoàn lên Luông Phra - băng, nhưng Bắc khéo léo chối từ với lí do : nhỡ trong đêm, có ai đó đau bụng như anh Bun Khôông thì sao?

Trong câu chuyện trên đường đi từ Viêng Chăn lên Luông Phra - băng, anh Sổm Hắc nói rằng vùng đất mà đoàn đang đi qua, xưa kia là hang ổ của Trùm phỉ Vàng Pao và những người đã theo y trước đây vẫn còn… nhiều lắm! Không muốn nghĩ đến điều gở nhưng tôi vẫn nửa thật, nửa đùa nói với mấy người ngồi cùng hàng ghế: “ Anh em nhìn quanh trong xe xem có gì làm vũ khí được không? Còn tôi, nếu động dụng xảy ra, đã có cây đàn ghi - ta ở cuối xe kia rồi!”. Cùng lúc đó, một thông tin đến với mọi người là mới có một ô tô chở gỗ bị đốt cháy, xác xe vẫn còn nằm ở bên đường. Chưa ai kiểm chứng điều này nhưng khẩu AK do anh Sương mang đi để bảo vệ đoàn, đã được lên đạn sẵn sàng, là có thật!

Khoảng ba giờ sáng, xe bị sự cố giữa trập trùng đồi núi. Chúng tôi mò mẫm chui vào bụi cây ven đường tìm kiếm những hòn đá tảng, chèn bánh xe, đề phòng ô tô tuột dốc lao xuống vực. Nghĩ đến lời cảnh báo của Sổm Hắc, tôi thấy rờn rợn sau gáy nhưng Bắc thì cứ thản nhiên thừa hành nhiệm vụ. Về đến khách sạn Ra Ma, Bắc lấy nước sôi cho mọi người “úp” mì tôm sau chặng đường dài gần mười tiếng đồng hồ, còn mình thì ý nhị : “Em chẳng muốn ăn!”.

Uống được rượu nhưng trong suốt một tuần tháp tùng đoàn, không bao giờ Bắc nhấp một ngụm, kể cả khi dự “tiệc đứng” trong các khách sạn, được anh em mời khan, mời vãn. Chỉ cho đến khi về tới Nghệ An, đoàn tổ chức liên hoan chia tay để người vào xứ Huế, kẻ ở lại thành Vinh, “đại quân” kéo về Hà Nội, Bắc mới uống hết mình. Đêm đó, tôi cùng vài ba anh em trong đoàn đã ngồi với Bắc khá lâu tại khách sạn Sa Ra và hiểu khá rõ nỗi lòng của người thanh niên này. Bắc tâm sự:

- Em sinh ra ở Việt Nam nhưng học tập và trưởng thành ở nước Lào. Em muốn thành lập một doanh nghiệp, phát triển sản xuất và kinh doanh tại nước Lào để góp phần làm cho nơi em đã từng ăn học ngày càng giàu mạnh. Có lẽ em phải sang Lào để tìm hiểu và chuẩn bị cho kế hoạch làm ăn lâu dài vì ở đó, em có rất nhiều bạn bè sẵn lòng giúp đỡ. Khi doanh nghiệp vững mạnh, em sẽ làm giàu cho cả đất nước Việt Nam nữa. Em có một trái tim nhưng lại có hai Tổ quốc. Em nghĩ như thế có đúng không, anh?

 Khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình sửng sốt trước suy nghĩ của Bắc. Lớp trẻ bây giờ thật hiện đại, thức thời, thực tế, táo bạo và giàu mơ ước. Tuy vậy, tôi vẫn cười cười vì không tin vào những giây phút phiêu diêu ở người uống rượu:

- Đúng lắm, đúng lắm! Các công ty đa quốc gia đã có từ lâu rồi! Nhưng mình thấy là lạ trước tư duy “một trái tim, hai Tổ quốc” của cậu đấy. Thôi, còn khối dịp để nhắc lại chuyện này. Bây giờ khuya rồi, có “nhôốc choọc” được nữa không? Uống thêm ly nữa nhé!

Cứ tưởng “rượu vào, lời ra”, nói để mà nói, không ngờ bây giờ, Bắc trở lại với nước Lào thật sự! Hoá ra, những con người nghiêm túc, thật thà, chất phác thì ngay cả trong lúc lâng lâng vì có chút hơi men, ngay cả trong lúc cảm xúc thăng hoa vì một lí do nào đó, họ cũng vẫn nghiêm túc, thật thà, chất phác! Bởi vì, trong sâu thẳm tâm hồn họ, làm gì có sự hắc ám để mà xuất tiết, bộc lộ ra bên ngoài những mưu toan đen tối?

Đình Bắc mến thương! Em đi nhé! Những người bạn Lào tốt bụng sẵn sàng dang tay chào đón, giúp đỡ em nhưng anh biết, em không sang đó để tìm kiếm một sự tri ân bởi tình cảm của em, của gia đình em đối với những người bạn Lào khi họ gặp khó khăn, trong sáng đến vô ngần.

Phải chăng thuyết nhân quả, gieo gì - gặt nấy, của Đức Phật từ bi đã đúng khi các anh các, chị bên Lào được đón nhận một thanh niên Việt Nam trọn tình, vẹn nghĩa với họ? Phải chăng thuyết nhân quả, gieo gì - gặt nấy, của Đức Phật từ bi đã đúng khi, trước dự định của em, mẹ em cười mà như mếu, mếu lại như cười, nhưng đôi mắt ánh lên sự bình thản, tự tin : “Thôi được rồi! Con đi rồi con lại về mà! Vả lại, Viêng Chăn với Hà Nội có xa xôi, cách trở gì đâu!”. Em có một trái tim nhưng có hai Tổ quốc ư? Anh đã nghĩ kĩ rồi, điều đó đúng đấy, Bắc ạ - ít nhất là trong hoàn cảnh và trường hợp của em. Chúc cho chuyến trở lại nước Lào, viếng thăm bè bạn và tìm hiểu tình hình để triển khai thực hiện những ước mơ đầy tính nhân văn của em gặp nhiều may mắn!

 

 

  • Tags: