Trở thành Anh hùng nhờ phát triên thủy điện

Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, nhờ sự cần cù, nhẫn nại trong lao động với những suy nghĩ sáng tạo, tìm tòi học hỏi, cộng với tầm nhìn xa, trông rộng, Ban Chủ nhiệm HTX đã đưa Duy Sơn II phát triển lên

 

Hãy trở lại với Duy Sơn II vào những năm đầu được giải phóng, bước đầu đi vào con đường làm ăn tập thể. Đồi núi, đồng ruộng khô cằn, xơ xác tiêu điều, chằng chịt những hố bom sâu hoắm. Những rừng cây đại ngàn bị cháy sém vì chất độc hoá học, bao mái nhà xiêu vẹo vì đạn bom của kẻ thù, những mảnh đời chơi vơi, thất học, chỉ biết lam lũ với mảnh ruộng mà không đủ  cái ăn, đủ mặc đâu dám nghĩ đến cuộc sống no đủ, tiện nghi… Gắn bó nhiệt thành với quê hương, ông Lưu Ban - Chủ nhiệm đầu tiên của HTX lúc bấy giờ, cứ mãi trăn trở về con đường đi lên. Nhiều lần ông đi khảo sát, đứng nhìn lên “Núi đồi lồng lộng thế này, suối khe chảy cuồn cuộn thế kia, sao ta không làm ra điện?. Điện phải đi trước một bước mà…!”. Không phải không có lời ra, tiếng vào, nhất là nhân lực và vốn tìm ở đâu? Nhưng ông Lưu Ban quyết tâm làm. Chưa bao giờ sức mạnh tập thể, hội đủ mọi thành phần từ nông dân, trí thức, mọi tầng lớp nhân dân đều bắt tay vào cuộc. Ý chí cùng với nổ lực của con người đã chinh phục được dòng suối tự nhiên, bắt dòng nước phải phục vụ cuộc sống con người…Đến đầu năm 1984, tuốc bin có công suất 400 kW/giờ được ấn nút khởi quay, tạo ra dòng điện là ước mơ cháy bỏng tự ngàn đời của người dân Duy Sơn; Duy Sơn II trở thành điểm sáng về làm thuỷ điện của cả nước. Điều này cũng trở thành nền tảng vững chắc, khâu đột phá quan trọng trong suốt quá trình hoạt động sau này. Chưa bằng lòng với kết quả ban đầu vì tiềm năng nguồn nước trên Hòn Cóc, Hòn Tàu còn rất nhiều, HTX quyết định nâng công suất trạm thuỷ điện thông qua việc đầu tư lắp đặt thêm một tuốc bin có công suất 800 kW, nâng tổng công suất của trạm lên 1.200 kW. Khi còn giữ trọng trách lớn của đất nước, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như: Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Võ Văn Kiệt…, đã về thăm Duy Sơn II và đều khen ngợi thành quả lao động sáng tạo vượt bậc của Duy Sơn II và những thành tích đó, Chủ nhiệm Lưu Ban được phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lao động”, còn trạm thuỷ điện hoạt động ngày càng hiệu quả cho đến ngày nay, thu về mỗi năm trên 2 tỷ đồng, tiền bán điện. Nguồn điện Duy Sơn II không chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho các ngành nghề trên địa bàn toàn xã Duy Sơn, vươn ra đến HTX Dệt-may Duy Trinh và sau này hoà vào lưới điện của quốc gia.

Tôi may mắn được nhiều lần trò chuyện với ông Lưu Ban. Trong câu chuyện ông ít nói về mình, ông rất vui mừng về những bước tiến vượt bậc HTX mà ông là người đã dày công tạo dựng thuở ban đầu. Càng trân trọng hơn, ông đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng một lớp cán bộ trẻ, xông xáo, năng động, có trình độ chuyên môn cao, đưa HTX tiến xa hơn nữa trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng.

Khi ông Lưu Ban được nghỉ hưu, lui về vai trò “cố vấn” cho HTX, anh Nguyễn Quang Thử lúc bấy giờ chưa đầy tuổi 30 được đề cử làm chủ nhiệm. Trong khi nhiều HTX nông nghiệp gặp khó khăn; có nơi phải giải thể vì thua lỗ hoặc phải chuyển đổi mô hình, cơ cấu hoạt động… thì chủ nhiệm HTX Duy Sơn II, Nguyễn Quang Thử, đại diện Ban chủ nhiệm đứng ra nhận khoán vốn trước đại hội xã viên, theo mức bảo toàn và sinh lợi từ 12 đến hơn 20% mỗi năm. Sau đó, HTX mở mang các ngành nghề mới, đẩy mạnh nghề may mặc, xuất khẩu hàng hoá sang các nước Đông Á. Tuy lợi nhuận chưa cao nhưng cái được lớn là giải quyết việc làm tại chỗ cho con em lao động nông nhàn trong HTX và khu vực chung quanh. Vẫn chưa có cơ may làm giàu chủ nhiệm, Thử cùng đội ngũ quản lý ứng vốn làm trước, sau đó vận động bà con xã viên mua sắm gần 100 khung dệt, lắp đặt và sản xuất tại HTX lo cung ứng đầy đủ nguyên liệu, nhận tiêu thụ thành phẩm sản xuất ra. Duy Sơn II còn thành lập Xí nghiệp Mỹ nghệ mây-tre, giải quyết được gần 60 lao động. Sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang nhiều nước Đông Âu, có lúc không đủ nguồn hàng cung ứng cho khách hàng. Trên cơ sở của phân xưởng sản xuất đế giày, Duy Sơn II liên kết thành lập Cty TNHH Văn Sơn, đặt tại khu vực Gò Dỗi (xã Duy Trung) để đào tạo tay nghề, lắp đặt thiết bị, làm ra nhiều mặt hàng may mặc xuất khẩu và hơn 1 năm nay đưa vào liên doanh với Tổng Công ty Dêt-may Hoà Thọ, thu hút gần 300 lao động có tay nghề cao, thu nhập hàng tháng ổn định. HTX còn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất giày xuất khẩu tại thị trấn Nam Phước, tạo việc làm cho hơn 400 lao động.

Kế tục lớp người đi trước, anh Phạm Văn Du đã được xã viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX từ 5 năm nay. Không kém phần táo bạo, anh mạnh dạn thu hút đầu tư mạnh vào khu du lịch sinh thái thuỷ điện Duy Sơn II, đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách xa gần trong hành trình giữa hai Di sản thế giới là Hội An và Mỹ Sơn. Ban Quản lý HTX còn giảm dần các ngành nghề hoạt động kém hiệu quả, mở rộng các hình thức hoạt động mới, như tín dụng nhân dân, đầu tư tuyến kênh tưới tiêu cho đồng ruộng, nâng cấp lưới điện, chuyển Xí nghiệp Mây tre đan thành Công ty TNHH một thành viên trực thuộc HTX…

Đi trên những con đường mới của Duy Sơn II hôm nay, du khách, dù có khó tính đến mấy cũng phải trầm trồ ngợi khen về nhưng đổi thay kỳ điệu trên vùng quê yên tĩnh nhưng không kém phần sôi động từng ngày. Con đường chính hơn 8 km chạy từ Tỉnh lộ 610 chạy vào Khu du lịch thuỷ điện và rẽ lên UBND xã Duy Sơn được láng bê tông nhựa bằng phẳng. Hàng chục km đường liên thôn, liên xã vào tận cùng ngõ ngách đều được bê tông hoá, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Ghi nhận nhiều thành tích đạt được, ngoài Chủ nhiệm đầu tiên Lưu Ban, HTX còn được phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” và đón nhận Huận Chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân Chương Độc lập hạng Ba, Nhiều cá nhân của HTX được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen…các loại.

 

 

  • Tags: