Trưng bày trọn bộ 16 bảo vật quốc gia tại Hà Nội

Từ ngày 10/1/2017 đến hết tháng 5/2017, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ trưng bày trọn bộ 16 bảo vật quý đang được lưu giữ tại Bảo tàng.

Trên diện tích 100m2, trưng bày sử dụng phương tiện kỹ thuật tổng hợp, hiện đại và thủ pháp nghệ thuật nhằm bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn và thẩm mỹ cao. Chú trọng khai thác nội dung lịch sử, văn hóa và tài liệu khoa học phụ (bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa...) nhằm kể câu chuyện hấp dẫn, dễ hiểu của mỗi bảo vật quốc gia.

Trong đó, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng trống đồng Ngọc Lũ, với niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm, được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012. Thuộc nhóm A, loại I Heger, đây là chiếc trống đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. Hoa văn trang trí phong phú, hoàn hảo, tinh mỹ. Ngoài mô - típ hoa văn hình học còn có các vành, băng hoa văn chính tả thực cảnh diễu hành hóa trang, hát đối đáp, đánh trống, giã gạo, hình thuyền chiến với các chiến binh đang thực hiện nghi lễ hiến tế, hình các loại động vật như hươu, chim... Không chỉ là biểu hiện cao nhất của công nghệ đúc đồng, trống đồng Ngọc Lũ còn là sản phẩm lao động, tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng sáng tạo của người Đông Sơn, trở thành biểu tượng của cộng đồng cư dân Lạc Việt.

Sách “Đường Kách mệnh” được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012

Bên cạnh đó, tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012, là pho tượng sinh động nhất trong hệ thống tượng tròn Đông Sơn. Tượng được thể hiện theo khối thủng, có nhiều góc cạnh đòi hỏi kỹ thuật khuôn đúc phức tạp. Pho tượng không chỉ là bằng chứng về loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đã được khởi nguồn từ văn hóa Đông Sơn mà còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú, sự lạc quan, yêu đời cũng như trình độ đúc đồng đỉnh cao của người Việt cổ… Hay “Cây đèn hình người quỳ” là hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài khéo và phản ánh thẩm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này…

Đặc biệt, trong số này có tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sách Đường Kách mệnh- là tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 – 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và chuyển về nước; Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” – Hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, gắn bó với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hà Minh