Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn do thiếu hụt nguồn cung trong nước trầm trọng

Báo cáo mới nhất của Rabobank dự báo giá tất cả các loại thực phẩm cung cấp protein từ thịt lợn cho đến thủy sản trên toàn cầu sẽ tăng lên trong thời gian tới trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc bùng phát.

Từ khi xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 8/2018 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hơn 1 triệu con lợn tại nước này bị tiêu hủy, làm thay đổi toàn cảnh hoạt động giao dịch thịt lợn trên toàn cầu. Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng thịt lợn lớn nhất thế giới và thịt lợn là nguồn cung cấp protein chủ chốt của người dân nước này.

Rabobank dự đoán sản lượng thịt lợn Trung Quốc trong năm 2019 sẽ chỉ còn đạt 38 triệu tấn, giảm 30% so với mức 54 triệu tấn của năm 2018 dưới tác động của dịch tả lợn Châu Phi, chạm mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây (theo dữ liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc). Mức sụt giảm này tương đương với tổng cung thịt lợn hàng năm của khu vực Châu Âu và bằng khoảng 130% tổng cung thịt lợn hàng năm của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo mức sụt giảm sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ chỉ khoảng 10% tương đương 5,4 triệu tấn so với năm 2018; tuy nhiên, con số này vẫn bằng khoảng 50% tổng lượng thịt được giao dịch trên toàn cầu. Sản lượng thịt lơn của Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu.

Các chuyên gia phân tích của Rabobank dự báo có từ khoảng 150 đến 200 triệu con lợn tại Trung Quốc sẽ bị giết để phòng ngừa dịch hoặc bị chết do dịch tả lợn Châu Phi. Trong tuần trước , Trung Quốc cho biết đã phải giết 1,01 triệu con lợn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Rabobank là tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới trong hoạt động cung ứng vốn cho mảng thực phẩm và nông nghiệp.

Trong tháng 3/2019, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết tổng số đàn lợn tại nước này trong tháng 2/2019 đã giảm 16,6% và số lượng lợn nái giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tại tỉnh Sơn Đông, khu vực sản xuất thịt heo chính của Tủng Quốc, số lượng lợn nái trong tháng 2/2019 đã giảm 41% so với 7 tháng trước đó. Giá các mặt hàng thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng mạnh 37% trong tháng 3/2019 và đẩy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Rabobank dự báo ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc sẽ mất ít nhất 3 năm để khôi phục sản xuất nếu như không phát sinh thêm rủi ro nào. Vì thế, giá tất cả các loại thực phẩm cung cấp protein sẽ tăng lên. Ông Christine McCracken – chuyên gia phân tích tại Rabobank nhận định, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu nhiều thịt lợn hơn, do đó nguồn cung ở những nước khác sẽ trở nên khan hiếm hơn, và giá sẽ tăng lên, không riêng với thịt lợn mà cả các loại thịt cá khác.

Rabobank, dự báo mức nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ 1,5 triệu tấn lên 4 triệu tấn. Tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn cũng sẽ buộc người tiêu dùng trung Quốc chuyển sang các nguồn cung protein thay thế như thịt gia cầm, thịt bò và thủy hải sản. Với dân số đông, các nguồn cung cấp thịt trên toàn cầu có thể sẽ chuyển hướng nhắm đến thị trường Trung Quốc để giải quyết nhu cầu tiêu thụ của nước này. Số liệu của Hoa Kỳ cho biết các đơn nhập khẩu thịt lợn Hoa Kỳ của Trung Quốc trong tuần trước (1 – 6/4) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. USDA dự báo Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 2,2 triệu tấn thịt lợn trong năm 2019, tăng 41% so với năm 2018.

Trên thị trường, đã có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu thực phẩm ở Trung Quốc đang thay đổi để đối phó với cuộc khủng hoảng thịt lợn tại nước này. Cụ thể, nhu cầu thức ăn nuôi gia cầm và nuôi cá đã tăng trong năm 2018, báo hiệu sản lượng những thực phẩm này đang tăng lên, gần như chắc chắn là để thỏa mãn nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, thức ăn nuôi lợn đã giảm khoảng 1%.

Việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu thịt lợn đã đẩy giá bán thịt lợn tại những nước xuất khẩu tăng lên. Cụ thể, giá lợn tại Mỹ đã tăng 50%, mặc dù số lợn nái tăng 2%. Dự kiến giá lợn tại Châu Âu cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Dịch tả lợn Châu Phi hiện đang lây lan nhanh tại khu vực Đông Nam Á. Đầu tháng 4/2019, Campuchia đã công bố ghi nhận đợt bùng phát dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại nước này.

Rabobank dự báo dịch bệnh sẽ khiến sản lượng lợn của Việt Nam giảm 10% và điều này sẽ khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung thịt lợn trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn.

Quang Đặng / Tổng hợp