Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nợ và tiền lương

LÊ THỊ PHƯƠNG VY (Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu tìm hiểu mối tương quan giữa tỷ lệ thất nghiệp và đòn bẩy tài chính đến tiền lương trung bình của người lao động ở các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó trọng tâm của bài là giải thích chính sách tiền lương của doanh nghiệp dưới tác động của tỷ lệ thất nghiệp và tỷ trọng sử dụng nợ vay của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có tỷ lệ sử dụng nợ càng cao thì mức lương mà người chủ sẵn lòng trả cho người lao động càng lớn, ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp càng cao thì mức lương mà người lao động nhận được lại càng bị thấp.

Từ khóa: Tiền lương, đòn bẩy tài chính, tỷ lệ thất nghiệp.

1. Giới thiệu

Tiền lương là giá cả của sức lao động mà người sử dụng lao động trả cho người lao động. Đối với người sử dụng lao động thì đó là một khoản chi phí trong chi phí sản xuất - kinh doanh. Để kinh doanh có hiệu quả thì họ phải tối thiểu hóa chi phí này. Đồng thời, phải sử dụng tiền lương như một đòn bẩy kinh tế để khai thác tối đa nguồn lực con người. Đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của họ nên họ chỉ tận tâm làm việc khi họ được trả công xứng đáng. Đối với xã hội, tiền lương là căn cứ để đóng thuế thu nhập, trên cơ sở đó mà phân phối lại thu nhập của xã hội. Mặt khác, có rất nhiều nhân tố tác động làm ảnh hưởng đến tiền lương của người lao động, trong đó có tỷ lệ nợ và thất nghiệp. Trong tài chính, thuật ngữ đòn bẩy tài chính chỉ việc sử dụng nợ để gia tăng khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi, nó sẽ khuyếch đại thu nhập khi doanh nghiệp họat động hiệu quả hoặc gia tăng khoản lỗ nếu như việc kinh doanh không thuận lợi và điều này có những ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tình trạng thất nghiệp làm cho người lao động phải chấp nhận làm việc với một mức lương thấp hơn mong muốn, trong khi người chủ doanh nghiệp có thể gây sức ép lên công nhân trong các chính sách về điều kiện làm việc. Nhận thức được tầm quan trọng của những nhân tố đó đối với tiền lương, bài nghiên cứu này sẽ tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và tỷ lệ thất nghiệp đối với mức lương của người lao động.

2. Cơ sở lý thuyết

Nhiều bài nghiên cứu trước về cấu trúc vốn cho thấy, các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa chi phí phá sản và lợi ích từ việc sử dụng nợ để đưa ra một cấu trúc vốn hợp lý. Berk và cộng sự (2010) cho thấy khi công ty sử dụng đòn bẩy tài chính gặp khó khăn trong việc trả lãi vay thì người lao động sẽ phải chịu một khoản cắt giảm lương tạm thời để đảm bảo cho việc thanh toán nợ vay. Nếu sức khỏe tài chính của công ty cải thiện, mức lương của nhân viên sẽ trở lại mức ban đầu như trong hợp đồng. Tuy nhiên, nếu công ty vẫn không thể trả lãi vay ngay cả khi đã giảm lương của người lao động và đứng trước nguy cơ phá sản, nhân viên có thể bị chấm dứt hợp đồng và những nhân viên mới, tốt hơn sẽ thay thế họ.

Mặc dù hợp đồng cho phép công ty sa thải nhân viên của mình trước khi bị phá sản, nhưng nó vẫn đòi hỏi công ty tiếp tục thanh toán tiền lương như trong hợp đồng đã ký kết. Nhân viên mới thay thế sẽ được trả một mức lương cạnh tranh, lúc này công ty phải tốn một khoản để chi trả cho cả nhân viên mới và cũ. Qua đây, tác giả cho thấy, chi phí từ người lao động là chi phí phá sản gián tiếp quan trọng nhất của một công ty. Khi một công ty có đòn bẩy tài chính càng cao thì xác suất xảy ra phá sản càng lớn, vì vậy công ty phải trả lương cao hơn cho người lao động để bù đắp rủi ro mất việc. Ngược lại, một công ty có cấu trúc vốn thiên về vốn cổ phần thì xác suất xảy ra việc mất khả năng chi trả sẽ thấp hơn, như vậy sẽ trả lương cho người lao động thấp hơn.

Đối với mối quan hệ giữa tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp, Phillips (1958) cho thấy tiền lương được xác định dựa vào cung và cầu của thị trường lao động và mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương là nghịch biến. Khi nhu cầu lao động đang ở mức cao và tỷ lệ thấp nghiệp thấp, các chủ doanh nghiệp thường được kỳ vọng sẽ tăng mức lương, mỗi doanh nghiệp và mỗi ngành sẽ đề nghị mức tiền lương trên mức phổ biến một chút nhằm thu hút nguồn lao động từ các doanh nghiệp và ngành khác. Lipsey (1960) tìm thấy hơn 80% những thay đổi trong tiền lương từ năm 1862 đến 1913 ở Vương quốc Anh được giải thích bằng tỷ lệ thất nghiệp. Ví dụ, trong giai đoạn 1893-1904, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng 100% (từ 3% lên 6%) sẽ làm tiền lương thay đổi 2,2%. Thêm vào đó, bằng việc sử dụng dữ liệu từ 19 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong giai đoạn từ năm 1950 đến 1983, Grubb (1986) cho thấy những bằng chứng về mối tương quan nghịch giữa tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương của người lao động. Cụ thể, 1% tăng lên của tỷ lệ thất nghiệp sẽ dẫn đến một sự suy giảm khoảng 1% trong tiền lương.

Trái với những lập luận đã nêu ở trên, một số bài nghiên cứu trước đây lại cho rằng, mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương là đồng biến. Xuất phát từ sự e ngại đối với rủi ro mất việc làm, người lao động thường đòi hỏi từ một phần thu nhập thay thế trong trường hợp họ gặp phải rủi ro thất nghiệp, đó chính là bảo hiểm thất nghiệp. Bằng việc sử dụng dữ liệu từ 76000 cá nhân trong giai đoạn 1977-1980 từ CPS (Current Population Survey), Topel (1984) cho thấy bảo hiểm thất nghiệp làm tăng tỷ lệ không có việc làm do sa thải tạm thời và sa thải vĩnh viễn, đồng thời bảo hiểm thất nghiệp còn làm giảm phần bù trong tiền lương mà người lao động đòi hỏi trên mỗi đơn vị rủi ro thất nghiệp. Cụ thể hơn, nếu khoản trợ cấp thất nghiệp giảm 10%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm khoảng 8%. Ngoài ra, tác giả còn cho thấy bảo hiểm thất nghiệp còn làm tăng thời gian không có việc làm do tâm lý ỷ lại khoản trợ cấp và mất thời gian đi tìm việc làm thay thế. Thất nghiệp dự kiến sẽ làm tăng mức lương của người lao động và mức tăng này sẽ phụ thuộc vào thu nhập bị giảm của họ trong thời gian không có việc làm.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của 200 các công ty phi tài chính được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HNX và HOSE trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014. Các dữ liệu được lấy từ nguồn Datastream.

Mô hình (1) dùng để phân tích tác động của đòn bẩy tài chính đến mức lương trung bình, trong khi mô hình (2) dùng để phân tích mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và mức lương trung bình.

Ln(WAGE) =  + LEV + SIZE + PROD + MB + PROFIT + TANG + VOLA +   (1)

Ln(WAGE) =  + LEV + UNE + LEV x UNE + SIZE + PROD + MB + PROFIT + TANG + VOLA +   (2)

Biến phụ thuộc là mức lương trung bình (WAGE) được tính bằng tổng chi phí nhân công chia cho tổng số lao động. Các biến giải thích bao gồm đòn bẩy tài chính (LEV) được tính bằng tổng nợ chia tổng của tổng nợ và giá trị vốn hóa thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp (UNE) thể hiện tỷ lệ thất nghiệp trên thị trường lao động. Quy mô công ty (SIZE) được tính bằng logarit của tổng tài sản. Năng suất lao động (PROD) được tính bằng tổng doanh thu chia cho số lao động. Tỷ số giá thị trường trên giá trị sổ sách (MB) là một biến số đại diện cho cơ hội phát triển công ty và tính bằng tổng nợ và vốn cổ phần chia cho tổng tài sản. Khả năng sinh lợi (PROFIT) được tính bằng lợi nhuận hoạt động chia cho tổng tài sản. Tài sản hữu hình (TANG) được tính bằng tài sản hữu hình chia cho tổng tài sản. Biến động trong thu nhập (VOLA) được tính bằng chênh lệch EBIT giữa các năm.

4.  Kết quả và thảo luận

Bảng 1. Thống kê mô tả biến của toàn mẫu

Variable

Observation

Mean

Std. Dev.

Min

Max

WAGE

1000

17820000

16030000

78447

93520000

LEV

1000

0.6122779

0.2492956

0.001525

0.971882

SIZE

1000

26.76654

1.404948

23.45136

31.08692

PROD

1000

1.606231

2.21834

0.0192859

27.35049

MB

1000

0.8932467

0.4319015

0.0754102

5.184213

PROFIT

1000

0.0788335

0.0875231

-0.365884

0.5327705

TANG

1000

0.1964232

0.1887128

0.0001388

0.8653106

VOLA

1000

0.0373205

0.0471833

0.0000435

0.4792533

UNE

1000

0.0217111

0.0027925

0.018

0.026

Từ bảng thống kê mô tả (Bảng 1) ta thấy, giá trị trung bình của mức lương (WAGE) là khá cao 17,820,000 đồng. Đòn bẩy tài chính có giá trị trung bình 0,612, cho thấy hầu hết các công ty trong mẫu nghiên cứu có cấu trúc vốn thiên về sử dụng nợ. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 2.17%.

                     Bảng 2. Kết quả hồi quy

Biến

Mô hình

(1)

(2)

LEV

 

0.321***

0.225

(0.123)

(0.41)

SIZE

0.104***

0.099***

(0.02)

(0.02)

PROD

0.065***

0.063***

(0.007)

(0.007)

MB

0.192***

0.218***

(0.053)

(-0.052)

PROFIT

2.036***

1.899***

(0.25)

(0.245)

TANG

-0.365***

-0.381***

(0.094)

(0.106)

VOLA

0.585*

0.587*

(0.303)

(0.322)

UNE

 

-30.513**

 

(12.28)

LEVxUNE

 

23.506

(18.57)

 

Ghi chú: Bảng trình bày kết quả hồi quy tác động của đòn bẩy tài chính và tỷ lệ thất nghiệp đến mức lương trung bình của người lao động của 200 công ty phi tài chính tại Việt Nam bằng mô hình GLS. Sai số chuẩn được trình bày trong ngoặc đơn, dưới các hệ số hồi quy. * có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, ** có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, *** có ý nghĩa thống kê ở mức 1%

Kết quả Bảng 2 cho thấy biến tỷ lệ nợ (LEV) ở mô hình (1) có một mối tương quan đồng biến với mức lương trung bình của người lao động, kết quả này giống với kết quả nghiên cứu của Maksimovic và cộng sự (1991). Lý giải điều này, theo Jensen và Meckling (1979) thì các giám đốc vì lợi ích bản thân thường có xu hướng mở rộng quy mô của công ty, thậm chí thực hiện cả những dự án gây hại đến lợi ích của người lao động cũng như cổ đông. Trong trường hợp này, nếu sử dụng nợ vay sẽ giúp hạn chế vấn đề đầu tư quá mức, do đó hạn chế lãng phí dòng tiền tự do của công ty vào các dự án không sinh lợi. Các công ty sử dụng nợ vay phải trả các khoản lãi và gốc nên khi nợ vay càng nhiều, công ty hạn chế được đầu tư quá mức, từ đó giảm bớt tác động tiêu cực đến lợi ích của người lao động. Vì vậy, đòn bẩy có tương quan dương đối với mức lương của người lao động.

Kết quả hồi quy cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp có tương quan ngược chiều với mức lương của người lao động ở mức ý nghĩa 5%, điều này trùng với kết quả nghiên cứu của Phillips (1958). Trong những năm tỷ lệ thất nghiệp thấp, áp lực cạnh tranh tìm kiếm việc làm giữa người lao động không cao, người lao động có thể tìm việc làm dễ dàng hơn. Ngoài ra, do nguồn cung lao động thấp, doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn nên đành phải chấp nhận trả một mức lương cao hơn để có thể tuyển dụng được những nhân viên phù hợp với doanh nghiệp của mình. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp cao, nguồn cung lao động dồi dào, do đó người lao động trở nên thất thế hơn so với chủ doanh nghiệp. Vì vậy, lúc này họ sẽ chấp nhận một mức lương thấp hơn để có thể được nhận vào làm việc.

Ngoài ra, kết quả hồi qui cũng cho thấy hệ số quy mô công ty (SIZE) ở cả mô hình (1) và (2) lần lượt là 0,104 và 0,099, đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, nghĩa là các công ty lớn có xu hướng trả lương cao hơn cho nhân viên. Các biến năng suất lao động (PROD), khả năng sinh lợi (PROFIT) và tỷ số M/B đều cho kết quả hồi quy là đồng biến với mức lương trung bình tại mức ý nhĩa 1%. Điều này hoàn toàn phù hợp với dự đoán khi mà năng suất của người lao động càng cao, công ty có khả năng sinh lợi lớn và cơ hội tăng trưởng nhiều thì mức lương mà người lao động nhận được càng cao. Biến động thu nhập (VOLA) có mối tương quan dương với mức tiền lương ở cả hai mô hình. Điều này phù hợp với nhận định rằng một doanh nghiệp có thu nhập càng bất ổn thì rủi ro mà người lao động phải đối mặt là càng cao. Do đó,  một mức lương cao sẽ làm người lao động có động lực để chấp nhận làm việc ở những công ty này.

5. Kết luận

Bài nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và tỷ lệ thất nghiệp đến tiền lương của người lao động. Bằng việc sử dụng dữ liệu từ các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bài nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ càng cao thì mức lương trung bình mà người lao động nhận được sẽ càng cao. Điều này được giải thích dựa trên sự e ngại rủi ro của người lao động, một doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao đồng nghĩa với việc khả năng đi đến kiệt quệ tài chính và phá sản của doanh nghiệp đó càng lớn, người lao động chỉ chấp nhận làm việc chỉ khi mức lương của họ đủ lớn để bù đắp cho rủi ro mà họ có thể gặp phải trong tương lai. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn tìm thấy những bằng chứng cho mối quan hệ nghịch biến giữa thất nghiệp và tiền lương. Khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thị trường lao động dư thừa, người lao động gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm, hành vi chấp nhận một mức lương thấp hơn như là một giải pháp để giải quyết tình trạng thất nghiệp ở thời điểm hiện tại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Berk, J. B., Stanton, R., & Zechner, J. (2010). Human capital, bankruptcy, and capital structure. The Journal of Finance, 65(3), 891 - 926. Grubb, D. (1986). Topics in the OECD Phillips curve. The Economic Journal, 96(381), 55 -
  2. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1979). Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs, and ownership structure. Economics social institutions(pp. 163-231). Dordrecht, Netherlands: Springer. Lipsey, R. G. (1960). The relation between unemployment and the rate of change of money wage rates in the United Kingdom, 1862-1957: a further analysis. Economica, 1-31.
  3. Maksimovic, V., & Titman, S. (1991). Financial policy and reputation for product quality. The Review of Financial Studies, 4(1), 175 -
  4. Phillips, A. W. (1958). The relation between unemployment and the Rate of change of money wage rates in the United Kingdom, 1861–1957 1. economica, 25(100), 283 - Topel, R. H. (1984). Equilibrium earnings, turnover, and unemployment: New evidence. Journal of Labor Economics, 2(4), 500 - 522.

 The relationship among unemployment rate, debt ratio and wages

 Le Thi Phuong Vy

Faculty of Banking, University of Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study examines the relationship among unemployment, financial leverage and the average wage of workers in Vietnam. Specifically, this study investigates the impact of unemployment and debt ratio on a company's wage policy. The study’s results show that unemployment is negatively related to labor wages while a higher debt ratio leads to higher wages.

Keywords: Wages, debt ratio, unemployment rate.