Nhu cầu của thị trường vẫn luôn là lý do để các nhà sản xuất thay đổi, cải tiến, để sáng tạo đổi mới và đó cũng chính là các thách thức đặt ra đối sản xuất công nghiệp hiện đại. Trước yêu cầu cần nhanh chóng cung cấp các sản phẩm có tính năng mạnh mẽ, đa dụng, thông minh hơn, hay có khả năng tuỳ biến theo nhu cầu của từng cá nhân, mẫu mã đẹp hơn… mà vẫn phải đảm báo tính kết nối thông suốt, bảo mật đa lớp nhưng có thể trải nghiệm dễ dàng, các nhà sản xuất công nghiệp đã phải dành nhiều nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu phát triển. Sự tăng trưởng vượt bậc của các hãng Facebook, Amazon, Google của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc, Ant Group (Trung Quốc) hoặc sự sụt giảm thị phần của Toshiba, Sony hay sự biến mất của Nokia, Windows Phone… hoặc sự xuất hiện của thương hiệu xe Việt Nam, Vinfast, trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới chính là những minh chứng cho thấy công nghệ không chỉ đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của xã hội, sự phát triển của các ngành kinh tế và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, quan điểm và thói quen tiêu dùng của con người mà công nghệ cũng đóng vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp hay tố chức nào.
Lựa chọn nào cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp
Trước sự thay đổi của thị trường, các hãng công nghệ trên thế giới đã nhanh chóng nghiên cứu và giới thiệu các công cụ, giải pháp công nghệ mới có khả năng phân tích tiên đoán trước, kết nối đồng bộ, cung cấp thông tin theo thời gian thực… để hỗ trợ quá trình phân tích đánh giá, quản lý điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả làm việc của các cá nhân, hoàn thiện quản trị doanh nghiệp tổ chức. Các khái niệm sản xuất thông minh, nhà máy số, hệ thống của hệ thống, sản xuất bồi đắp, tính toán biên, người máy tiên tiến, công nghệ đám mây, nhân bản số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đã nhanh chóng trở thành xu thế ứng dụng trong sản xuất công nghiệp với khả năng làm biến đổi mô hình sản xuất, đưa ý tưởng thành sản phẩm thực tế một cách nhanh chóng, chính xác nhất và cũng thay đổi sự hiện diện của sản phẩm đó trên thị trường một cách bất ngờ nhất. Sản xuất thông minh chính là sự áp dụng và tích hợp các công nghệ mới nhất hiện nay, từ kết nối vạn vật công nghiệp (IioT), trí tuệ nhân tạo (AI), ảo hoá (Virtual), điện toán đám mây (Cloud Computing)… trên nền tảng đồng bộ và hợp nhất. Công nghệ có thể được ứng dụng xuyên suốt từ quá trình thiết kế phát triển sản phẩm (CAD), mô phỏng đánh giá trước khi sản xuất (CAE) đến giai đoạn sản xuất thành sản phẩm (CAM)… đến hoạt động quản lý dịch vụ sau bán hàng (Service) khi sản phẩm được đưa vào sử dụng. Đây chính là những bước đầu của quá trình biến đổi từ mô hình doanh nghiệp sản xuất truyền thống sang mô hình nhà máy số. Vinfast chính là doanh nghiệp điển hình đã gặt hái những thành công khi ứng dụng hiệu quả công nghệ trong các hoạt động thiết kế, quản lý, sản xuất để nhanh chóng cung cấp nhiều loại ô tô ra thị trường chỉ sau chưa đầy 2 năm kể từ ngày khởi công nhà máy sản xuất tại Hải Phòng.
Sự bùng nổ nhanh chóng và toàn diện của công nghệ nói chung hay công nghệ số nói riêng phục vụ chuyển đổi số đã mang đến sự lựa chọn đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức trong quá trình ứng dụng. Do vậy việc tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tổ chức. Theo kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới, xu thế ứng dụng công nghệ số tại các công ty sản xuất công nghiệp thường ở được chia theo 2 ngành công nghiệp chính: ngành công nghiệp sản xuất rời rạc (discrete) và sản xuất hàng loạt theo quy trình (process).
Với ngành công nghiệp sản xuất rời rạc, là ngành sản xuất các sản phẩm đơn chiếc hoặc sản phẩm phức tạp, khả năng tuỳ biến cao, các doanh nghiệp thường ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả làm việc nói chung, tối đa khả năng tự động hoá, gia tăng tính kết nối đồng bộ của hệ thống đầu vào và đầu ra. Thường công nghệ được ứng dụng trong các công đoạn:
- Giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (R&D)
- Công đoạn kế kỹ thuật, phân tích đánh giá tối ưu thiết kế (Design and Simulation)
- Mô phỏng đánh giá sản phẩm thiết bị
- Quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM)
- Công đoạn gia công thành phẩm (Production)
- Lập kế hoạch sản xuất tự động (Planning and Scheduling)
- Quản lý kho và chuỗi cung ứng (Warehouse and Logistics)
- Quản trị cơ sở dữ liệu khác hàng (CRM)
- Quản trị điều hành sản xuất (MES)
- Quản lý dịch vụ (Service Management)
- Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
- Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM)…
- Số hoá nhà máy (Smart Factory)
Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt theo số lượng lớn như sản xuất đồ uống, hàng tiêu dùng… lại quan tâm đến số hoá ở công đoạn quản lý chất lượng, quản lý thay đổi, lập kế hoạch sản xuất, quản lý kho và chuỗi cung ứng (Supplier Management), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản trị nguồn lực (ERP), quản lý sản xuất (MES), …
Dù ứng dụng công nghệ số vào giai đoạn nào của quá trình sản xuất thì hầu hết các doanh nghiệp đều bám sát theo chuỗi giá trị sản xuất, từ đó xác định chiến lược phát triển, hình thành nhu cầu cải tiến thay đổi, hoạch định các nguồn lực cần thiết… để xây dựng lộ trình và kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cải tiến chất lượng, có sản phẩm mới tốt hơn, tiết kiệm giá thành hơn, hiệu suất làm việc cao hơn, nâng cao được năng suất lao động, gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Hành trình của các doanh nghiệp sản xuất đến công nghiệp 4.0
Phát triển sản xuất thông minh, thực hiện chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều này càng rõ nét hơn khi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày một khốc liệt, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng nhiều khiến doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, thích ứng để phát triển.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang ở một xuất phát điểm thấp trên con đường đi tới đích cuối cùng là một doanh nghiệp sản xuất thông minh doanh nghiệp số. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc CMCN4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn rất hạn chế, ví dụ như Công nghệ in 3D, nhận dạng bằng sóng vô tuyến, Big Data chỉ ở mức 2%; 3% với Trí tuệ nhân tạo, Định vị thời gian thực v.v…Phần mềm điện toán đám mây có mức độ doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất, 15%, tuy nhiên mức độ khai thác và sử dụng phần mềm này cũng rất khác nhau tại các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy: 22% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu, 17% doanh nghiệp sử dụng phần mềm trên nền tảng đám mây, chỉ có 5% doanh nghiệp cho biết có sử dụng dịch vụ phân tích dữ liệu. Các mô hình quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức trên dưới 5%. Ví dụ như các hệ thống Quản lý chuỗi cung ứng (SCM), Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), Hệ thống thiết lập kế hoạch sản xuất (PPS), Quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM) v.v…đều có mức độ áp dụng chỉ ở mức 2-3%. Bên cạnh đó, khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế; điều này dẫn đến khả năng tự vận hành theo thay đổi, tự động quản trị của doanh nghiệp rất thấp, chỉ ở mức 2% (ở phạm vi toàn doanh nghiệp); 11-12 % (ở các khu vực riêng lẻ trong doanh nghiệp).
Với đích đến chính là nền sản xuất công nghiệp 4.0, trọng tâm chính là các doanh nghiệp 4.0, doanh nghiệp số, mỗi doanh nghiệp cần chọn cho mình một hành trình phù hợp dựa trên dựa trên (1) năng lực hiện tại của doanh nghiệp so với yêu cầu của phát triển công nghiệp thông minh; (2) ưu tiên hay những thách thức hiện tại đối với vấn đề phát triển của doanh nghiệp và (3) hiệu quả mang lại. Đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp. Lộ trình này sẽ thuộc rất lớn vào Chiến lược và tầm nhìn của doanh nghiệp trong một bối cảnh phát triển mới.
Nghị quyết 52-NQ/TW của ngày 27 tháng 9 năm 2019 Bộ Chính trị thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh. Cụ thể hóa định hướng của Đảng, giao nhiệm vụ của Chính phủ, hiện nay, ngành Công Thương đang có sự vào cuộc tích cực. Thiết lập các yếu tố có tính nền tảng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng nhanh chóng cơ hội từ cuộ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành một trong những giải pháp ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên phát triển của ngành Công Thương cũng như mục tiêu nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.
Bà Đàm Thị Hồng Lan - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Vietbay