VEAM: Vượt khó khăn, doanh thu tài chính và lợi nhuận tiếp tục tăng

Ngày 28/1, tại Hà Nội, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Vượt qua khó khăn do đại dịch, điểm sáng của kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) chính là lĩnh vực doanh thu tài chính và lợi nhuận của công ty mẹ đã vượt kế hoạch mà đại hội cổ đông đã đề ra.

Lợi nhuận tăng nhờ doanh thu tài chính

Để vượt qua khó khăn do dịch COVID 19, VEAM đã nhanh chóng triển khai xây dựng ké hoạch 5 năm (2021-2025), tầm nhìn đến năm 2030 để định hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM, đồng thời làm cơ sở cho việc tái cơ cấu, xây dựng phương án thoái vốn của VEAM trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu của VEAM nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một tập đoàn sản xuất cơ khí có uy tín trong khu vực và trên toàn thế giới. Đặc biệt, rà soát, sắp xếp cơ cấu bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.

Ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc VEAM cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid -19 kết quả sản xuất kinh doanh của VEAM đều bị sụt giảm. Cụ thể, giá trị sản xuất năm 2020 ước thực hiện 2.962,5 tỷ đồng, đạt 82% so với thực hiện năm 2019 và bằng 87% kế hoạch năm 2020; Tổng doanh thu ước đạt 4.385 tỷ đồng bằng 83% so với thực hiện năm 2019 và bằng 78% kế hoạch năm 2020. Tuy nhiên đối với công ty mẹ, doanh thu tài chính và lợi nhuận năm 2020 tiếp tục tăng, cụ thể lợi nhuận đã vượt 13% kế hoạch năm và tăng 8% so với cùng kỳ 2019. Nguồn tăng này chủ yếu là từ đầu tư tài chính ngắn hạn và lợi nhuận, cổ tức được chia tại các công ty con có vốn góp của VEAM.

Đáng chú ý, với sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị và tổng công ty, tổng lỗ các đơn vị đã giảm mạnh, chỉ còn bằng gần 1/3 so với tổng lỗ các năm 2018, 2019. Đơn cử, các doanh nghiệp như SVEAM, TAMAC, Cơ khí Trần Hưng Đạo … đã giảm lỗ từ 30-50% so với kết quả thực hiện năm 2019. Đặc biệt là SVEAM từ đơn vị lỗ liên tiếp trong những năm qua đã có lãi trong năm 2021. Năm 2020, FOMECO tuy không có tăng trưởng so với năm 2019 về sản xuất và doanh thu nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn khi lợi nhuận ước đạt 124% kế hoạch năm, tương ứng với 42 tỷ đồng, tăng 7% so vưới cùng kỳ năm 2019 và đạt 124% kế hoạch năm 2020.

Ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM chủ trì Hội nghị

Nhà máy ô tô VEAM (VM) vẫn tiếp tục khó khăn trong việc giải quyết hàng tồn kho, tuy nhiên với sự hỗ trợ của công ty mẹ VEAM trong việc sắp xếp lại cơ cấu nhân sự, tổ chức lại các phương án kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đối tác, năm 2020 VM đã đẩy mạnh việc gia công phụ trợ và tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất ô tô như Công ty Hino Morto Việt Nam Ltd; Công ty VECV; Công ty Daihatsu Motor…

Hiện VM và các đối tác đang tiếp tục trao đổi các phương án hợp tác sản xuất cho các năm tới để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhóm 4 công ty gồm DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tuy không có tăng trưởng trong năm 2020 nhưng lợi nhuận tăng, vẫn là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp gần 80% doanh thu sản xuất công nghiệp, có lợi nhuận cao và trích nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ theo quy định.

Đối với hoạt động của các công ty liên doanh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả thị trường ô tô, xe máy đều sụt giảm mạnh từ đầu năm. Tính chung cả năm 2020, toàn thị trường tiêu thụ ô tô giảm 7%, trong đó các công ty liên doanh có vốn góp VEAM như Toyota, Honda, Ford đều giảm 11-16%. Tuy giảm về doanh số so với cùng kỳ năm 2019 nhưng các công ty liên doanh của VEAM vẫn cơ bản giữ vững thị phần trong phân khúc sản phẩm của mình.

Sau 4 năm cổ phần hóa hoạt động của các đơn vị thuộc VEAM đã từng bước đi vào ổn định và chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết tất cả các đơn vị trong Tổng Công ty, khiến các đơn vị phải tính toán điều chỉnh lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoạt động của hầu hết các đơn vị bị đình trệ, giá trị sản xuất công nghiệp bị sụt giảm đáng kể. Mặc dù vậy, kết quả năm 2020 cũng ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của tập thể các đơn vị trong Tổng Công ty, đến cuối năm 2020, đã có 5/20 đơn vị trong Tổng Công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và một số chỉ tiêu đã đề ra.

Đại diện DISOCO, SVEAM, Đúc VEAM, FUTU1, FOMECO nhận quyết định khen thưởng 

Tạo nên những kết quả mà VEAM đạt được trong năm vừa qua là sự nỗ lực, cố gắng của các tập thể, đơn vị trong toàn Tổng công ty. Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy của các đơn vị, Tổng Giám đốc Tổng công ty VEAM đã quyết định khen thưởng cho các đơn vị đã có kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật trong năm 2020.

Tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm

Với tiền đề là những kết quả của năm 2020, năm 2021, VEAM đặt mục tiêu doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thế của công ty mẹ bằng 79-80% so với kết quả đạt đạt được của năm 2020. Các chi nhánh và công ty con của VEAM đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu để đảm bảo không lỗ, riêng đối với các công ty con có tỷ trọng lớn về doanh thu như DISOCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục tăng trưởng và đóng góp chính cho mục tiêu chung.

Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2021, công tác tái cơ cấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm được VEAM quan tâm. Theo đó, VEAM sẽ hoàn thiện đề án tái cơ cấu với mục tiêu cổ phần hóa một số công ty TNHH, thoái vốn ở các đơn vị có vốn góp của VEAM mà đang hoạt động không hiệu quả; Thực hiện tăng vốn, thoái vốn tại các công ty có vốn góp của VEAM như Matexim Hà Nội, Nakyco, Cơ khí Vinh…

Sắp xếp bố trí sử dụng lao động cho hợp lý, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực đối với cả cấp quản lý và các chuyên viên nhằm đáp ứng, bắt nhịp với môi trường làm việc năng động hiện nay. Đặc biệt VEAM sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thị trường, nâng cao năng suất lao động.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc năm 2020, dù có nhiều khó khăn, tuy nhiên VEAM vẫn đạt được những kết quả đáng vui mừng. Doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận tăng, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Các Công ty 100% vốn VEAM đã giảm lỗ và có lãi như SVEAM, Cơ khí Trần Hưng Đạo. Đặc biệt một số đơn vị thành viên tuy doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận tăng như FOMECO, DISOCO…

“Năm 2021, VEAM cần giải quyết dứt điểm các tổn đọng tại Nhà máy ô tô VEAM, Ô tô Tràng An. Tiếp tục cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận mang lại lợi ích cho cổ đông. Tăng cường đầu tư có hiệu quả. Đặc biệt, cần nhìn nhận lại về hiệu quả của các dự án đầu tư tại các đơn vị thành viên. Các đơn vị kinh doanh thua lỗ kéo dài cần kiên quyết thoái vốn. Bộ Công Thương sẽ trình chình phủ và sẽ có ý kiến về vấn đề thoái vốn của doanh nghiệp” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết: “Các nội dung mà Thứ trưởng phát biểu, chỉ đạo là những vấn đề chính và hết sức cấp bách của VEAM hiện nay, trong đó có nhiều vấn đề mang tính chủ quan, nội tại, phát sinh lâu năm, mức độ rủi ro vả ảnh hưởng lớn đòi hỏi ban lãnh đạo Tổng công ty, các tập thể, đơn vị phải nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm hơn nữa để xử lý, giải quyết.

Thay mặt ban lãnh đạo Tổng công ty, tôi xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng. Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ tích cực, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động chi tiết, cụ thể, thực hiện các giải pháp đa đạng, đồng bộ, giúp các đơn vị giải quyết khó khăn, tồn đọng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ SXKD, tạo ra những chuyển biến tích cực cho hoạt động của Tổng công ty”.

Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM cho biết: “Trong năm 2021, Ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ cùng các đơn vị khắc phục, giải quyết những tồn đọng, kiện toàn bộ máy, hoàn thiện hệ thống quy chế. Tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, phát triển nguồn nhân lực có khả năng quản lý, vận hành, triển khai có hiệu quả các hoạt động của đơn vị”.

Hưng Nguyên