Điều chỉnh dự án
Theo quyết định, chủ đầu tư dự án là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về quy mô, nội dung đầu tư, Quyết định nêu rõ, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an, bao gồm:
a). Đầu tư hạ tầng kỹ thuật; thuê hạ tầng truyền dẫn;
b). Xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và các yêu cầu chức năng, nghiệp vụ của ngành Công an phục vụ thu thập, cập nhật thông tin;
d). Tổ chức thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân;
đ). Đào tạo về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo sử dụng phần mềm ứng dụng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý dân cư trên toàn quốc.
Tổng mức đầu tư của dự án sau thuế là hơn 3.085 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2021.
Như vậy so với kế hoạch, thời hạn hoàn thành đã lùi lại 1 năm.
Những lý do cơ bản
Trước đó, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2016, quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được vận hành từ ngày 1/1/2020.
Tính đến cuối tháng 9/2019, công an các địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, Bộ Công an đã tiến hành tổ chức, xử lý được hơn 70 triệu dữ liệu dân cư tại 52 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Sau khi hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ nhập liệu; tổ chức cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân; triển khai vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chính thức đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2020 theo đúng tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã gặp một số khó khăn do là một dự án có quy mô lớn, được triển khai từ Trung ương đến tận từng xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, việc triển khai dự án có liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt tác động đến toàn bộ người dân.
Tiếp theo, tiến độ cấp vốn còn chậm và sự quan tâm, phối hợp của các đơn vị có liên quan chưa được chặt chẽ và hiệu quả.
Thứ ba, tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, việc thu thập thông tin dân cư của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như để bà con hiểu được nội dung khai báo thông tin dân cư cho chính xác thì lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải là người biết tiếng dân tộc để giải thích cho bà con dễ hiểu.
Cuối cùng, việc tổ chức xử lý dữ liệu sau khi các địa phương hoàn thành thu thập thông tin dân cư với khối lượng lớn, thời gian thực hiện ngắn, trong khi thiết bị, máy móc để xử lý dữ liệu chưa được trang bị, cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Đó là những lý do cơ bản khiến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị chậm lại 1 năm so với kế hoạch, được vận hành vào năm 2021.