Vĩnh Long: Nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh Vĩnh Long đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định kinh tế,an sinh xã hội, tạo đà để năm 2024 ngành lao động sẽ khởi sắc hơn.

Nâng cao chuyên môn cho người lao động

Thời gian qua công tác đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chính quyền địa phương của tỉnh Vĩnh Long quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, kinh phí và các nguồn lực liên quan khác để đẩy mạnh thực hiện.

Tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền để phổ biến các thông tin về nghề nghiệp, học nghề, việc làm cho người lao động. Trong đó, hàng năm đều tổ chức các Ngày hội về giáo dục nghề nghiệp – việc làm với quy mô từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã và đơn vị trường học.

Sở LĐ TB và XH Tỉnh Vĩnh Long tổ chức Ngày hội việc làm - Giáo dục nghề nghiệp năm 2023

Hiện trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 11 cơ sở công lập (02 trường cao đẳng, 08 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Long); 08 cơ sở ngoài công lập (01 trường trung cấp, 04 trung tâm GDNN, 03 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN).

Ngoài ra hiện có 05 trường trung cấp ở ngoài tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ trung cấp theo hình thức liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp có bước chuyển biến tích cực.

Giai đoạn 2021 – 2023 tuyển sinh GDNN trên địa bàn tỉnh được 97.948 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.180 người, trung cấp 4.584 người, sơ cấp 14.146 người, đào tạo thường xuyên dưới 03 tháng 78.038 người; góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến cuối năm 2023 đạt 65,56%; trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 22,42%.

Đào tạo nghề đi đôi với giải quyết việc làm

Các giải pháp nhằm tăng cường gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động cũng được chú trọng thực hiện. Hầu hết các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều có mối quan hệ liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức cho học sinh sinh viên thực tập, thực hành nghề nghiệp tại doanh nghiệp đồng thời kết hợp giới thiệu cho các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên học sinh sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra nhiều cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện các hoạt động đào tạo, tư vấn tạo nguồn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc thực tập kỹ thuật ở nước ngoài. Qua đó góp phần cho học sinh – sinh viên sau tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề có việc làm ổn định đạt tỷ lệ bình quân trên 83%.

Trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, dưới 03 tháng cho lao động nông thôn, thời gian qua cũng quán triệt phương châm: “Chỉ mở lớp đào tạo nghề khi xác định được phương án việc làm và thu nhập của người lao động sau học nghề”.

Có thể thấy, việc quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đã góp phần tích cực cho thực hiện tốt giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị của tỉnh còn 4,22%, tỷ lệ hộ nghèo ước còn 0,41%.

Trong phương hướng, nhiệm vụ tới, ngành chức năng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; chú trọng tranh thủ, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục tăng cường gắn kết đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động; ...Đồng thời khai thác có hiệu quả các chính sách đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành đối với nguồn lực lao động của địa phương, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Tú Linh