Xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo phù hợp Tổng sơ đồ VIII

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo như thế nào cho phù hợp trong Quy hoạch phát triể

Trong ngày hôm nay, 15/3/2018, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương (EREA) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Phương pháp xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo phù hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia”.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp” sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (Dự án V – LEEP), để thực hiện nghiên cứu về khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào Hệ thống điện Việt Nam trong Quy hoạch Tổng sơ đồ phát triển hệ thống điện giai đoạn tiếp theo (Tổng sơ đồ VIII).

Diễn giả chính của Hội thảo này là các chuyên gia của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) và các chuyên gia quốc tế từ Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia của Hoa Kỳ (NREL), cùng chia sẻ về các yêu cầu cũng như thách thức đặt ra trong việc xây dựng Tổng sơ đồ VIII và phương pháp xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo phù hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng EREA cho biết, sau đi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, thị trường năng lượng tái tạo đã có nhiều khởi sắc. Xu hướng này được thể hiện qua số lượng lớn các hồ sơ đăng ký thực hiện đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời mà Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã nhận được trong thời gian gần đây.

Tuy vậy, ngoài những ưu điểm đối với môi trường và phát triển bền vững nhờ giảm phát thải khí CO2 gây ô nhiễm, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng đối mặt với những thách thức về khả năng hấp thụ và truyền tải công suất phát từ nguồn năng lượng tái tạo khi kết nối lưới điện chưa đủ mạnh, những vấn đề về ổn định hệ thống cũng như yêu cầu về tối ưu chi phí phát và vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải.

Theo ông Nguyễn Thế Thắng – đại diện Viện Năng lượng, những rào cản của Việt Nam khi tích hợp tỉ lệ lớn nguồn điện gió và điện mặt trời vào hệ thống điện bao gồm: Giá thành sản xuất của điện gió, điện mặt trời còn cao; Giá mua điện gió, điện mặt trời chưa phản ánh hết các chi phí hệ thống điện phải chịu khi vận hành tích hợp khối lượng lớn nguồn điện gió, điện mặt trời; Chưa kể điện gió, điện mặt trời lại chiếm diện tích sử dụng đất rất lớn, trung bình khoảng 1ha/1MWp công suất điện mặt trời.

Về kỹ thuật, điện gió, điện mặt trời thường tập trung tại các khu vực xa phụ tải nên việc truyền tải về trung tâm phụ tải khó khăn và tốn kém; Nguồn điện này lại không ổn định, dao động công suất rất lớn trong thời gian ngắn cần các nguồn dự phòng cho sự biến đổi này như thủy điện, các thiết bị lưu trữ điện… Trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm về vận hành tích hợp cai các nguồn điện gió và điện mặt trời.

TS. Jaquelin Cochran, đại diện NREL đã đề xuất các hoạt động để thúc đẩy nâng cao tỉ lệ điện tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam

TS. Jaquelin Cochran, đại diện NREL cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về nghiên cứu tích hợp lưới tại Hoa Kỳ, với mỗi kịch bản năng lượng tái tạo, cần xác định chi phí vận hành, các tác động và phương án có chi phí thấp nhất để tăng mức độ linh hoạt của hệ thống. Đồng thời TS. Jaquelin Cochran cũng đề xuất các hoạt động để thúc đẩy nâng cao tỉ lệ điện tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong một ngày với nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia hai bên, ý kiến thảo luận của các đơn vị, các đối tác phát triển, các chuyên gia và các tổ chức liên quan. Trên cơ sở đó định hình rõ những yêu cầu, những thuận lợi và thách thức để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII của Việt Nam.