Xây dựng ngành thép hoàn chỉnh từ thượng nguồn đến hạ nguồn

Chúng ta đã có một nền công nghiêp thép khá hoàn chỉnh từ thượng nguồn (quặng sắt) đến hạ nguồn là sản phẩm tinh với thứ hạng 13 thế giới về sản lượng thép thô (theo phân hạng của Hiệp hội Thép Thế giới – WSA tháng 4/2022).
ngành thép

Ngành thép từ một nền công nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu với trình độ KHCN thấp, nhờ thành tựu của quá trình đổi mới, đến nay, ngành thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ KHCN, làm chủ một nền công nghiệp thép với tổng công suất 25 triệu tấn thép thô/năm (trong đó có 2 ngạch công nghệ chính: công nghệ lò cao sử dụng nguyên liệu quặng sắt công suất 16 triệu tấn/năm; và công nghệ lò điện sử dụng thép phế với công suất 9 tấn/năm), với sản phẩm đa dạng bao gồm thép hình, thép ống, thép tấm. Các sản phẩm đã được gia công xử lý đến các sản phẩm tinh như thép vằn, dây, tôn tấm lợp, vỏ đồ hộp... đáp ứng được nhu cầu của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân.

Các sản phẩm của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn cao nhất trong nước và quốc tế, đáp ứng được không những nhu cầu của các lĩnh vực, các ngành trong nền kinh tế quốc dân mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Từ một ngành kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay Việt Nam vươn lên, là một quốc gia xuất khẩu hàng chục tỷ USD.

Như vậy là chúng ta đã có một nền công nghiêp thép khá hoàn chỉnh từ thượng nguồn (quặng sắt) đến hạ nguồn là sản phẩm tinh với thứ hạng 13 thế giới về sản lượng thép thô (theo phân hạng của Hiệp hội Thép Thế giới – WSA tháng 4/2022). Từ quốc gia đứng cuối trong nhóm ASEAN+6 khi Hiệp hội Thép Việt Nam tham gia Hiệp hội Sắt thép Đông Nam Á thì hiện nay chúng ta đã đứng đầu ASEAN về sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép.

Tuy nhiên thực tế cho đến nay, mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thép thành phẩm các loại, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng, bao gồm cả xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải….

Bài toán ở đây không hẳn là vấn đề về năng lực sản xuất thép mà còn ở câu chuyện nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm) và phân chia ra các loại sản phẩm khoảng hàng trăm, hàng triệu khác nhau rất chi tiết, vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm).

Vì vậy, ccần có một ngành công nghiệp trung gian. Đây chính là điểm nối giữa ngành công nghiệp thép với các ngành sử dụng thép cuối cùng. Để cung ứng cho các ngành chế biến chế tạo hiện nay Việt Nam đã có 2 Khu Liên hợp luyện kim lớn của Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất. Hai doanh nghiệp này đã có đủ năng lực cung ứng thép chất lượng cao và thép tấm cán nóng cung cấp cho các nhà máy container, đóng tàu... với chất lượng đảm bảo yêu cầu cho các hộ sử dụng này;

Các nhà máy Posco VST, Posco VN, CSVC… đã cung cấp một số sản phẩm thép không gỉ sử dụng trong ngành đồ điện dân dụng, đóng tàu, ô tô và xe máy….

Một số doanh nghiệp khác như Công ty Dự ứng lực thép Hoà Phát, Formosa cung cấp các sản phẩm thép kéo dây đáp ứng một phần nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất thép chế tạo bu lông, ốc vít của các nhà máy trong nước...

Bên cạnh đó còn có các cơ sở gia công chế biến như là cầu nối giữa ngành thép với các ngành, lĩnh vực sử dụng thép trong nền kinh tế quốc dân, góp phần vào việc giải quyết bài toán tương thích về quy mô, loạt sản xuất để các ngành lĩnh vực có sử dụng thép dễ dàng tiếp cận hơn với các vật liệu đầu vào của quá trình chế biến, chế tạo của họ như: Công ty TNHH gia công dịch vụ Thép Sài gòn SGC (KCN Biên Hòa II Đồng Nai), Công ty TNHH Trung tâm gia công POSCO Việt Nam (Cẩm Giàng, Hải Dương), Công ty CP mạ kẽm công nghiệp Vingal - VNSTEEL (KCN Biên hòa II Đồng Nai); các nhà máy cơ khí, các cơ sở thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ gia công chi tiết sử dụng vật liệu thép, tức là bước đầu có kết nối từ các nhà máy cung cấp thép đến các hộ sử dụng thép cuối cùng trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo.

Mới đây nhất, một thành viên VSA là Công ty CP ĐTTM SMC đã hợp tác đầu tư với Samsung C&T khánh thành (ngày 19/8/2022) một trung tâm gia công và 01 nhà máy cơ khí chính xác tại KCN Phú Mỹ II với công suất gia công 10 triệu sản phẩm/năm, lần đầu tư SMC đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng điện tử Samsung. Đây là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp thép Việt Nam đáp ứng nhu cầu của ngành điện, điện tử

Tuy nhiên, một số lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn phải nhập khẩu thép làm nguyên liệu đầu vào như thép hợp kim, thép dụng cụ, thép trong các cấu kiện và phụ tùng thiết bị… và dư địa để hợp tác giữa ngành thép với các ngành khác để cung ứng thép thay thế hàng nhập khẩu vẫn còn lớn.

Vũ Trung