Xây dựng nguyên tắc sống đúng đắn trong thời đại mạng xã hội

TS. Nguyễn Hồng Anh (Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong thế giới mà mạng xã hội thống trị thông tin, nơi mà 90% người Việt sử dụng internet đang dùng mạng xã hội để theo dõi tin tức, nơi mà nguồn tin chính thống và không chính thống trộn lẫn vào nhau, dù thật hay giả, dù đúng hay sai, chúng có tác động rất lớn đến suy nghĩ hành động của từng cá nhân. Do đó, việc xác định niềm tin và nguyên tắc sống đúng đắn là điều vô cùng cần thiết trong thế giới thông tin đa chiều hiện nay. Triết học sẽ giúp chúng ta tập trung, suy nghĩ sâu sắc, có cảm xúc và giúp chúng ta xây dựng nguyên tắc sống đúng đắn như thế nào, là nội dung chính trong bài viết này. 

Từ khóa: Mạng xã hội, triết học, nguyên tắc sống, thông tin.

1. Nguyên tắc sống và triết học

Nguyên tắc sống (Priciples of life), là một chuỗi nguyên tắc dẫn dắt suy nghĩ và hành động của chúng ta, những nguyên tắc này có được từ bản thân, gia đình, nhà trường, từ sách chúng ta đọc, từ phim chúng ta xem, và từ môi trường xung quanh chúng ta.

Ví dụ, một sinh viên cho rằng copy là hành động chấp nhận được, nên cho phép mình thản nhiên copy trong kỳ thi, hết lần này đến lần khác, cho dù bao nhiêu lời dạy, nhắc nhở và các biện pháp phạt của nhà trường, thầy cô đưa ra cũng không làm sinh viên này thay đổi. Điều này có nghĩa là đối với sinh viên này nguyên tắc Trung thực không được đánh giá cao, nó không được nằm trong danh sách phải tuân thủ.

Trong tác phẩm As A Man Thinketh (1902), tác giả James Allen có viết “Con người tạo ra chính họ - nhờ công cụ của những suy nghĩ mà họ lựa chọn và trau dồi. Trí tuệ là người thợ dệt cả quần áo bên trong của tính cách lẫn bộ cánh bên ngoài và như vậy, có thể từ trước đến nay con người dệt trong sự ngu dốt và đau khổ, nhưng cũng có thể dệt trong sự khai sáng và phúc lành”.

Trong tác phẩm “Một quan điểm về sống đẹp” (1937) của Lâm Ngữ Đường, một học giả nổi tiếng người Trung Quốc, ông khẳng định “Tư tưởng là một nghệ thuật chứ không phải khoa học”. Ông lo lắng khi chúng ta quá tôn thờ các mô hình học thuyết phương Tây, mục đích của các mô hình học thuyết này là nhằm nâng cao doanh số, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại cho con người những sản phẩm tối ưu nhất với giá cả phù hợp nhất, mà chúng ta quên đạo làm người, quên triết học. “Người bình thường, thậm chí người có học cũng nghĩ triết học là môn không cần thiết…” (The feeling of the average man, even of the educated person is that philosophy is a “subject” which he can best afford to go without).

Trong tác phẩm The Fountainhead (1943) của nhà văn Ayn Rand, một tác phẩm được mệnh danh là cuốn kinh thánh về con người, một tác phẩm được bình chọn là tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20, bà Ayn Rank đã xây dựng nhân vật Howard Roark có những chính kiến và nguyên tắc sống rõ ràng cho riêng mình, và anh đã chiến đấu với thế giới bên ngoài như thế nào để bảo vệ các nguyên tắc sống mà anh đã chọn. 

Trong tác phẩm “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” (2009) của tác giả Inamori Kazuo, một doanh nhân Nhật Bản, ông mang đến một định nghĩa rõ ràng hơn nữa về mối quan hệ giữa triết học và nguyên tắc sống, ông cho rằng con người cần phải rèn luyện thêm nhân cách thứ hai. Nhân cách thứ nhất là nhân cách có được từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhân cách thứ hai có được từ triết học, những tư tưởng mà qua giông ba bão tố trăm năm, ngàn năm vẫn còn nguyên giá trị. Bản thân ông đã rèn luyện triết học, rèn luyện nguyên tắc sống: “Từ khi còn trẻ, tôi đã có tư duy mang tính triết học về con người, về giới kinh doanh. Ngoài sách chuyên ngành, những cuốn sách gối đầu giường của tôi chủ yếu là về Phật giáo và Triết học. Tôi thường xếp chúng ở trên giường và mở ra nghiền ngẫm trước khi đi ngủ. Rồi cuộc đời sẽ đi về đâu? Sinh vật gọi là loài người phải có cách sống như thế nào? Tôi luôn trăn trở về những vấn đề mang tính triết học như vậy ngay từ nhỏ”.

Vậy có thể nói, các học giả từ phương Đông sang phương Tây đều có cùng quan điểm, rằng nguyên tắc sống đúng đắn có từ triết học, đòi hỏi phải trao dồi và rèn luyện. Chúng sẽ dẫn dắt suy nghĩ và hành động của chúng ta, đưa chúng ta trở thành con người của ngày mai. Chúng ta trở thành người văn minh hay lạc hậu, cầu tiến hay trì trệ, là người giải quyết vấn đề hay chấp nhận hoàn cảnh… tất cả đều tùy thuộc vào nguyên tắc sống mà chúng ta lựa chọn.

2. Mạng xã hội và ảnh hưởng

2.1. Ảnh hưởng của mạng xã hội

Theo nghiên cứa của ROGER BOHN & JAMES SHORT từ trường đại học California Chicago, hiện nay, người dân Mỹ tiếp nhận một lượng thông tin nhiều chưa từng có hàng ngày từ Internet và các nơi khác: 34GB nội dung và 100.000 từ mỗi ngày thông qua điện thoại, các kênh giải trí, mạng xã hội, internet, sách báo… Kết quả là, sự quá tải thông tin gây cản trở cho quá trình tập trung và suy nghĩ (human attention to focus is continually hampered and interrupted all too often, which does not help in the process of reflection and deeper thinking.).

Ông Edward Hallowell, bác sĩ tâm thần học người Mỹ đã nhận định, “chưa bao giờ mà bộ não chúng ta phải làm việc nhiều như bây giờ, chúng ta bỏ quá nhiều thời gian cho máy tính và điện thoại, óc chúng ta quá bận rộn xử lý thông tin từ khắp các nguồn, vì thế chúng ta mất khả năng suy nghĩ và cảm nhận. Phần lớn các thông tin này là những tin tức hời hợt và nông cạn. Chúng ta đang hy sinh sự sâu sắc, cảm xúc, và tách rời khỏi những người xung quanh chúng ta. “Never in human history, our brains had to work so much information as today. We have now a generation of people who spend many hours in front of a computer monitor or a cell phone and who are so busy in processing the information received from all directions, so they lose the ability to think and feel. Most of this information is superficial. People are sacrificing the depth and feeling and cut off from other people.”

Trong nghiên cứu của bà Bailey Parnell “Social Media as a Risky Behaviour”. Risky behavior được định nghĩa là những hành động như uống rượu, tình dục, ma túy, và thuốc lá, nếu sử dụng những thứ này, chúng ta đã tự đưa chúng ta vào chỗ nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy hiểm đến tinh thần, thể chất và cảm xúc. (Risky behaviours include drinking alcohol, sex, drugs, and tobacco. By engaging in any of these behaviours, you expose yourself to potential physical, mental, and emotional harm.). Kết quả nghiên cứu của bà đã cho thấy: (1) có mối liên hệ dương giữa thời gian sử dụng mạng xã hội và mức độ trầm cảm (Time on social media correlated with depression), do đó, mạng xã hội cũng là một trong những Risky behavior, do đó những người nghiện mạng xã hội cũng cần phải đến cơ sở y tế để được chữa trị như những người nghiện rượu hay nghiện ma túy. Thêm vào đó kết quả nghiên cứu của bà còn đưa ra: (2) tuổi teen là tuổi tham gia vào mạng xã hội nhiều nhất và các em là đối tượng dễ bị nghiện nhất, vì các em đang độ tuổi thoát ly gia đình và tìm kiếm sự công nhận của xã hội. Các em so sánh mình với bạn cùng lứa để được công nhận giá trị và so sánh lẫn nhau như là công cụ giao tiếp xã hội. Dẫn đến là, chúng ta có một thế hệ trẻ đang đối diện với khủng hoảng sự tự tin, trầm cảm, và cô đơn. (Teenagers are the most “at-risk”. In terms of developmental tasks or stages of child development, teenagers are naturally at a stage of life where they go outside the family to seek acceptance. Teenagers naturally turn to peers to seek validation and compare themselves as a means of socialization. We have young people facing a crisis of confidence, depression, anxiety, and loneliness).

2.2. Hiện trạng sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người và tỷ lệ sử dụng internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Thời gian sử dụng internet trung bình của người Việt Nam lên tới gần 7 tiếng/ngày. Đáng chú ý, số người dùng thường xuyên mạng xã hội Facebook là 60 triệu người/tháng với thời gian trung bình 3,55 giờ/ngày. Thứ hai là mạng YouTube có số lượng 45 triệu người/tháng, với thời gian trung bình đạt 2,65 giờ/ngày. Tiếp theo là mạng Zalo có 40 triệu người/tháng, với thời gian sử dụng 2,12 giờ. Riêng công cụ tìm kiếm vẫn là Google, chiếm đến 95,27% thị phần trong tháng 11/2018. Đặc biệt, thống kê cho thấy Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về đọc tin tức.

Với thời lượng 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên internet và một nửa thời gian đó là cho mạng xã hội, vậy theo những kết quả nghiên cứu ở trên, thì tiêu cực mà mạng xã hội sẽ mang đến cho chúng ta là: Thứ nhất: Bị phân tâm với hàng trăm tin tức và dữ liệu, óc chúng ta phải mệt mỏi xử lý chúng, chúng ta sẽ không có thời gian và sức lực để học tập và rèn luyện. Thứ hai: Thời gian dành cho mạng xã hội càng nhiều thì mức độ trầm cảm, lo lắng và hội chứng cô đơn càng cao. Thứ ba: Dễ học theo và thỏa hiệp với những thói xấu và những trào lưu không phù hợp văn hóa với cộng đồng.

2.3. Case study

Case study: “Một năm không kết nối internet, tôi đã học được những gì” Paul Miller.

(Case study: A year offline, what I have learned | Paul Miller | TEDxEutropoli.)

Paul Miller là nhà báo ở Mỹ, năm 2016, anh quyết định không sử dụng internet trong một năm. Và sau đây là chia sẻ của anh trên Tedtalk.

Tôi đã sử dụng internet từ năm 12 tuổi, cho đến năm 26 tuổi, tôi quyết định không sử dụng internet trong 1 năm. Có nhiều lý do để tôi ngừng việc sử dụng internet, nhưng lý do chính là tôi cảm thấy quá tải, cảm thấy bị khủng hoảng, và dường như có quá nhiều thứ tôi cần phải giải quyết, cần phải xem, cần phải check, cần phải làm, danh sách cần phải càng ngày dài ra, nó như chôn vùi tôi và tôi không thể thở được nữa. Tôi đã từng mong muốn làm một số việc trong đời, muốn học thêm kỹ năng, muốn đọc sách, muốn viết lách, nhưng tôi đã không làm gì cả ngoài việc dành hầu hết thời gian ngồi trước internet và lướt web. Tôi tự hỏi “Internet đang sử dụng tôi như thế nào, và tôi đang sử dụng internet ra sao?”  (How does internet use me, and how do I use internet?). Và tôi nhận thấy, internet sử dụng tôi nhiều hơn tôi sử dụng internet. Vì khi tôi cảm thấy chán, không có gì để làm, tôi liền chộp điện thoại, có quá nhiều thứ cám dỗ trên internet, một thế giới thông tin mở, với hàng ngàn phim ảnh, ca nhạc, chương trình giải trí, hài, talkshow miễn phí, và nhất là game, chúng đã chiếm rất nhiều thời gian của tôi, bên cạnh đó, bạn bè, người quen, gia đình kết nối trên mạng xã hội cũng tiêu tốn thời gian của tôi nhiều không kém. Vì thế, tôi quyết định cai internet trong một năm. Và đây là những gì tôi đạt được sau một năm không kết nối internet: (1) Cảm thấy tự do như đứa trẻ 15 tuổi, không có trách nhiệm check mail, trả lời email, texts, check news, hay chờ like. (2) Do tôi không chat online với bạn tôi nữa, nên tôi có nhu cầu gặp bạn bè đi chơi, cùng đi câu cá, chạy xe đạp. Mối liên hệ bạn bè, gia đình của tôi được kết nối lại, tình cảm hơn, sâu lắng hơn, chia sẻ hơn. (3) Tôi đọc sách, và tôi thấy mình thích đọc sách hơn (4) Tôi tập trung hơn, tôi đã viết được một ấn phẩm tựa đề “I am still here”. (5) Do tôi không bị stress nữa, tôi có thời gian nhìn lại mình và chăm sóc bản thân tốt hơn. (6) Điều tuyệt vời nhất sau một năm cai nghiện internet, bây giờ tôi biết cách sử dụng internet hiệu quả, chứ không để internet sử dụng tôi nữa.

2.4. Phép thử nhỏ

Hãy kiểm tra xem chúng ta đã đọc bao nhiêu sách hay trong năm qua. Kiểm tra danh sách bạn bè trong facebook của bạn xem bạn đã kết bạn với ai. Mỗi ngày bạn dành cho internet bao nhiêu giờ, bao nhiêu giờ cho mạng xã hội, cho youtube. Từ đó, bạn sẽ biết mình đang tiêu tốn thời gian, và nuôi dưỡng bộ óc của mình bằng những món ăn tinh thần như thế nào. Mình đang sử dụng

internet hay internet đang sử dụng mình, đã đến lúc mình nên cai nghiện chưa?

3. Kết luận

“I am part of everything I have read” - Franklin D. Roosevelt.

Triết học, triết lý sống đúng đắn không nằm trong sách ngôn tình, không ở trong facebook, không có trong youtube. Cũng không nằm thuần túy trong một hay hai quyển triết nào cả, mà nó tản mác trong những quyển sách văn học có giá trị trong trong nước và ngoài nước. Nó được cài vào trong nhân vật điển hình, nhân vật chính, nó tôn vinh giá trị phẩm chất con người, tôn vinh nét đẹp tâm hồn, giá trị của lao động, giá trị của đóng góp, xây dựng. Nhưng, người Việt chỉ đọc 1, 2 quyển sách một năm, con số được đưa ra tại hội thảo quốc gia về xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học diễn trong 2 ngày 29/06-30/06/2018 tại thành phố Đà Nẵng. Và trong ngày hội sách năm 2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, danh sách sách bán chạy không có sách văn học.

Đất nước chúng ta sẽ về đâu khi học sinh, sinh viên dành nhiều gian lướt web hơn là để học và đọc sách có giá trị.

Liệu những cánh én nhỏ nhoi như Nguyễn Quốc Vương, Nguyễn Bích Lan có làm nên mùa xuân. Nhà nước cơ quan các cấp cũng đã ra nhiều văn bản và tổ chức các chương trình khuyến đọc, nhưng số lượng sách đọc trên mỗi đầu người mỗi năm đều không tăng thêm. Vậy ai sẽ có trách nhiệm với thế hệ tương lai đất nước chúng ta đây?

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. As a man thinketh - James Allen, Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế - Inamori Kazuo, Một quan điểm về sống đẹp - Lâm Ngữ Đường, The Fountainhead - Ayn Rand.
  2. Measuring consumer information - Roger Bohn & James Short.
  3. Thống kê thời gian sử dụng mạng xã hội - Bộ Thông tin và Truyền thông.
  4. Thống kê sử dụng mạng xã hội để theo dõi tin tức - Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển Red Communication.
  1. https://medium.com/@BaileyParnell

BUILDING RIGHT PRINCIPLES OF LIFE IN THE ERA OF SOCIAL NETWORKS 

DBA. Nguyen Hong Anh

School of Business - International University,

Vietnam National University – Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

In the era of social networks, 90% Vietnamese internet users use social networks to read news. However, a lot of news on social networks is fake news which has strong impacts on readers. Therefore, it is important to determine a strong beliefs and right principles of life in the storm of multi-direction information. How philosophy would help us focus, has deep thinking, feels and builds right principles of life is the main content of this article.

Keywords: Social networks, philosophy, principles of life, information.