Xu hướng sử dụng rào cản xanh trong thương mại quốc tế

Cho tới nay, dù Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa có một hiệp định đa phương nào đề cập riêng về vấn đề thương mại và môi trường nhưng trong nhiều Hiệp định của WTO đã chứa đựng các điều khoản li

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, vấn đề thương mại môi trường ngày càng được quan tâm trong rộng khắp hơn. Các doanh nghiệp của Việt Nam do đó sẽ ngày càng phải đối phó với biện nhiều biện pháp quản lý thương mại các sản phẩm có liên quan tới lĩnh vực môi trường...

Nhận diện “rào cản xanh”

Trong các Hiệp định của WTO, vấn đề thương mại và môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu thường được thể hiện dưới dạng các điều khoản về tiêu chuẩn, về quy trình sản xuất và chế biến cũng như các quy định về nhãn mác, hệ thống phí, lệ phí liên quan tới lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, các biện pháp quản lý thương mại các sản phẩm có liên quan tới môi trường ngày càng được sử dụng như các biện pháp phi thuế quan quan trọng đối với các quốc gia nhập khẩu vừa nhằm bảo vệ môi trường, vừa bảo hộ sản xuất. Các nước áp dụng triệt để loại rào cản môi trường - rào cản xanh thường tập trung vào những nước phát triển, đặc biệt ở khu vực Châu Âu, châu Mỹ và một số thị trường khó tính ở Châu Á… Những biện pháp này được coi như các “rào cản xanh” đang được các nước sử dụng tương đối phổ biến và hiệu quả trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến môi trường và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Rào cản môi trường - Rào cản “xanh” được thể hiện ở các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm xuất nhập khẩu và áp dụng các loại thuế,các tiêu chuẩn mức độ đáp ứng về chất thải ô nhiễm, khả năng tiết kiệm năng lượng, việc sử dụng nguyên vật liệu sản xuất có ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái hay không, các loại bao bì có tái sử dụng được hay không. Bên cạnh đó, một số thị trường còn áp dụng đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên lên sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt các nước phát triển đã xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa trong đó quy định nghiêm ngặt hàm lượng tài nguyên thô như là một biện pháp bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Hiện nay, Việt Nam được coi là một trong những thành viên WTO thực thi nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ môi trường nói riêng. Cho đến nay, các cam kết gián tiếp của Việt Nam về các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại chủ yếu tập trung vào các hàng rào phi thuế quan, cụ thể là các biện pháp thương mại như cấm, hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu vì lý do bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của con người, động thực vật… Các yếu tố này được thể hiện qua các Hiệp định như Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBTs), Hiệp định về các biện pháp vệ sinh kiểm dịch (SPS) và một số biện pháp hạn chế thương mại như trợ cấp, hỗ trợ trong nước…

Những xu hướng tác động mới

Theo đánh giá của các chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế, những động thái gần đây của các cuộc đàm phán trong vòng Doha cho thấy, có thể tổ chức thương mại thế giới (WTO) đang hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện một Hiệp định đa phương về môi trường. Đồng thời, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã đưa vấn đề thương mại môi trường thành nội dung đàm phán chính thức. Thêm vào đó, một số quy định môi trường có thể được áp dụng trong thương mại như các vấn đề: Biến đổi khí hậu, Quản lý hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, An toàn sinh học... cũng có thể gây trở ngại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong Hiệp định TPP, các vấn đề như trợ cấp cho ngành thuỷ sản, khai thác thủy sản bất hợp pháp, khai thác rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã... dự báo chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thương mại của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng đánh giá, một trong những nội dung liên quan đến môi trường được tranh luận nhiều trong các vòng đàm phán là xây dựng cơ chế để hài hòa các quy định môi trường trong các Hiệp định môi trường đa phương và Hiệp định thương mại đa phương. Các nước phát triển mong muốn được ngày càng nhiều vấn đề môi trường trong thương mại phù hợp với các quy định trong các hiệp định môi trường đa phương. Cụ thể là họ muốn đưa các chương trình môi trường mang tính tự nguyện phải được áp dụng mang tính pháp lý nếu như chúng được đàm phán thông qua trong khuôn khổ WTO. Những vấn đề đó bao gồm áp dụng chương trình dán nhãn sinh thái bắt buộc, áp dụng tiêu chuẩn quy trình đối với một số sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường, áp dụng quy định đánh giá tác động môi trường, áp dụng các biện pháp thương mại để bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường ngoài lãnh thổ...

Việc thống nhất được một Hiệp định môi trường đa phương trong khuôn khổ WTO sẽ tạo áp lực để Việt Nam có ý thức nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ở mức độ cao hơn, có cơ hội mở rộng xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam sẽ có uy tín tại các thị trường có tiêu chuẩn môi trường khắt khe, hạn chế được các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường do việc đạt sự thống nhất đưa các vấn đề môi trường vào xem xét trong các Hiệp định WTO. Tuy nhiên, nhiều quy định môi trường sẽ được đưa vào áp dụng bắt buộc trong thương mại quốc tế và các nước như Việt Nam khó có thể đáp ứng được. Trong trường hợp này, những mặt hàng như thủy sản, nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, da giày có thể gặp phải những rào cản môi trường mới do hạn chế về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình sản xuất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trường hợp các nước không đạt được sự thoả thuận về một Hiệp định môi trường đa phương trong khuôn khổ của WTO, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số quy định môi trường mang tính quốc gia của một số nước, hay quy định trong các hiệp định FTA nhằm hạn chế thương mại đối với hàng xuất khẩu của các nước khác. Đồng thời, Việt Nam có thể đối mặt với các vụ kiện môi trường nếu các nước áp dụng các biện pháp thương mại để bảo vệ tài nguyên môi trường ngoài phạm vi lãnh thổ.

Trong tương lai, khi yếu tố rào cản xanh ngày càng được các doanh nghiệp tận dụng rộng khắp trên thế giới, cùng với nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao theo hướng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường thì các doanh nghiệp càng phải đặt yếu tối bảo vệ môi trường lên vị trí quan trọng trong quy trình sản xuất sản phẩm của mình. Đồng thời, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những xu hướng tác động liên quan tới thương mại môi trường trong các Hiệp định thương mại để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.
Hạnh Nguyên